Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Người vẽ nên khung trời hoa mộng cho những tâm hồn thơ trẻ

Lang Hoa
Chia sẻ

Từng trang sách mở ra là "một chiếc vé thông hành, không khứ hồi đến với tuổi thơ" - chú Ánh đã xuất hiện trong thời hoa niên mỗi chúng ta như thế...

Nhắc về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - người ta dành tặng chú không biết bao nhiêu mĩ từ: hoàng tử của tuổi thơ, nhà văn cho thiếu nhi , nhà văn viết về tuổi thơ hay nhất hay thậm chí còn là nhà văn bạc tỉ. Tôi cứ thấy những mĩ hiệu ấy, khi đặt lên chú cứ… kì kì sao ấy vì nó hào nhoáng quá, phù phiếm quá. Đối với tôi, chú Ánh chỉ đơn thuần là chú Ánh thôi, một nhà văn giản dị và tận tuỵ với thế giới tuổi thơ, bao nhiêu năm vẫn mải mê trong khung trời hoa mộng ấy.

Bốn thập kỉ cầm bút, vững lái chiếc thuyền tuổi thanh xuân

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,… Năm 13 tuổi, chú Ánh đã có thơ đăng báo. Năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã định vị tên tuổi ông trong lòng độc giả và kể từ đó nhà văn bắt đầu rẽ hướng, tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với các tác phẩm làm say lòng độc giả bao thế hệ như Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối,… Truyện của chú được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh.

Sự nghiệp của nhà văn dần thăng tiến khi vinh dự đoạt nhiều giải thưởng như: năm 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, chú Ánh được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay người nghệ sĩ của tuổi thơ đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của chú được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN.

Người nắm giữ tập vé đi về tuổi thơ của bao thế hệ

Các tác phẩm của chú Ánh vẫn luôn là vậy, cứ như một chiếc kính vạn hoa muôn hình vạn trạng mà mỗi lần ta lắc một cái lại xuất hiện một hình thù hoàn toàn mới, gây niềm thích thú tột độ ngày thơ bé. Kính vạn hoa không chỉ đơn thuần là tên một bộ truyện của chú Ánh mà nó như kim chỉ nam, là hình tượng xuyên suốt khắp tất cả tác phẩm. Người đọc mỗi khi lần giở từng trang sách lại đắm chìm trong niềm vui sướng, sự kinh ngạc xen lẫn hồi hộp trước các hình thù sặc sỡ của chiếc “kính vạn hoa” trôi qua trước mắt.

Mang nặng tình yêu và nỗi nhớ với quê nhà Quảng Nam, chú Ánh đem niềm thương và kỉ niệm thơ bé ủ vào từng con chữ, từng nhân vật, nếp nhà trong trang sách của mình. Đọc văn của chú là cả một niềm vui thích hồn nhiên - như trẻ thơ đợi mẹ đi chợ về tay khệ nệ xách mang những thức quà quê và nhiều con giống đủ màu sắc. Không chỉ thế, câu chữ của nhà văn cũng có thể dễ dàng đưa chúng ta - những người lớn khô khan phút chốc lại được tắm mát dưới cơn mưa đầy ắp kỷ niệm. Đúng như lời chú Ánh từng nói: “Truyện của tôi viết không phải dành cho trẻ em mà là cho những ai đã từng là trẻ em“.

Đọc sách cần là một sự vui sướng tột cùng chứ không phải cưỡng cầu. Triết lí đọc sách của chú Ánh thật đơn giản nhưng không phải ai cũng thấu được và làm theo.

Mừng sinh nhật “Hoàng tử bé” của tuổi thơ

Chúc mừng sinh nhật chú Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn mãi thuộc về tuổi thơ. Mong chú bút lực luôn dồi dào và có nhiều sức khỏe để tiếp tục vẽ nên những bức tranh diệu kì cho khung trời hoa mộng của hàng vạn người trẻ ngoài kia.

Chia sẻ

Bài viết

Lang Hoa

Thiết kế

Minh Đạt

Tin mới nhất