Sinh ra ở vùng quê Thái Bình, mảnh đất hào hùng những năm tháng kháng chiến - cái hồn đất nước quyện với mùi lúa thơm trĩu nặng đã bao dung một hình hài, NSND Thu Hiền. Ở độ tuổi mà người người vui vầy bên gia đình, gác lại mọi lo toan thường nhật cuộc sống để tận hưởng những năm tháng tự tại thì cô vẫn chưa bao giờ dừng lại, bởi lẽ sự nghiệp ca hát với người nghệ sĩ này đã thấm vào từng hơi thở: “Thế hệ của tôi lấy tiếng hát làm niềm vui. Chúng tôi không hát vì đồng tiền mà hát bằng cả trái tim. Vì vậy, tôi sẽ hát đến khi nào có thể.”
Cô văn công nhỏ bé, cất cao tiếng hát giữa đạn bom khói lửa
Khi NSND Thu Hiền vừa cất tiếng khóc chào đời, đất nước hẵng còn mang nặng nỗi đau chia cắt: trong lúc miền Bắc đã lặp lại hoà bình thì miền Nam vẫn còn vang rền tiếng súng đạn, máu và nước mắt chưa lúc nào ngừng tuôn. Là một người con gái nhỏ nhắn ở quê lúa Thái Bình, những tưởng cô sẽ chọn cuộc sống êm đềm, bình lặng trôi theo từng cánh cò trên biển vàng - nhưng không, và chính quyết định này đã rẽ hướng cuộc đời mãi mãi…
Trong suốt cuộc Kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc (1954 - 1975), nếu bậc nam nhi xông pha nơi trận mạc thì NSND Thu Hiền đã mang lời ca tiếng hát của mình đến những chiến trường rực lửa, để “thổi bùng” lên hi vọng, tôn vinh hoà bình và vẽ nên một bức tranh tươi sáng về ngày mai. Giữa chốn trầm luân địa ngục, nơi mạng sống con người chỉ như ngọn đèn dầu leo lét dễ dàng vụt tắt bất kì lúc nào, có một thiếu nữ đã cất cao giọng hát vang vọng núi rừng, khích lệ tinh thần người chiến sĩ và xoa dịu những nỗi đau lẫn sự mất mát. Bởi vì đúng như lời tâm niệm đã theo trái tim cô từ bé: “Sống đâu chỉ là nhận cho riêng mình”
Người phụ nữ hát những lời ru của đất nước
Hoà bình lặp lại, Nam Bắc sum họp một nhà, cả dân tộc ôm lấy nhau gạt đi nước mắt sau ngần ấy năm chia ly. Mỗi khi cô cất giọng, dường như không chỉ là một con người hát, mà ta như thấy cả non sông gấm vóc đang cất lên tiếng lòng: tha thiết và mênh mông, dịu ngọt và êm ả nhưng cũng không kém phần hùng tráng.
Câu hò bên bờ Hiền Lương đã trở thành “bất tử” qua giọng ca của NSND Thu Hiền.
Người phụ nữ ấy rời chiến khu và tiếp tục con đường hoạt động nghệ thuật. Nhắc đến cô là cả một bầu trời dân tộc, cô chọn những làn điệu dân ca của khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, đắm chìm trong từng tiết tấu lời ca của quê hương nghìn đời truyền lại.
Làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh: Người ơi, người ở đừng về.
Khi cô hát những bài dân ca trữ tình của miền Bắc khiến không ít người xao xuyến trước cô thôn nữ xứ Đoài, mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ đang nô nức đi dự Hội Lim. Lại thấy một liền chị đáo để đứng trên thuyền, tay cắp ô, hát những lời đối đáp lả lơi, tình tứ làm say lòng dân mộ điệu.
Mưa trên phố Huế qua giọng hát đầy trữ tình.
E ấp, buồn lãng mạn và đậm chất trữ tình là những gì khán giả có thể thấu cảm qua những lời ca về xứ Huế. Kì thực, cô vốn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nhưng những năm tháng chiến đấu cô đã có không ít những hoài niệm về vùng đất cố đô để rồi tiếng lòng bật ra - như một người con thực thụ của miền đất ấy. Là nàng nữ sinh trường Đồng Khánh e ấp trong tà áo dài, mái tóc thề xoã ngang vai làm chạnh lòng bao chàng trai? Hay là một o, một mệ tảo tần, đội chiếc nón lá thô mộc mà thanh lịch, khua mái chèo vang vọng khắp dòng Hương Giang?
Dáng đứng Bến Tre - một trong những nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca Nam Bộ nổi tiếng nhất của cô.
Giản dị, mộc mạc và chất phác, những bài ca về miền Nam ruột thịt của NSND Thu Hiền ngọt ngào như phù sa nặng trĩu dòng Cửu Long. Ta lại thấy thấp thoáng hình ảnh một cô du kích nho nhỏ, vừa can trường, vừa dũng cảm hay một bà má miền Tây Nam Bộ tảo tần sớm hôm che giấu bộ đội…
Ở tuổi gần 60 nhưng giọng hát ấy vẫn quá đỗi ngọt ngào và lay động trái tim.
Âm nhạc của NSND Thu Hiền thật vô cùng đa dạng, bài hát nào, cô cũng thổi vào cái chất rất riêng không lẫn đi đâu được, nó đẹp đến lặng người nhưng không kém phần gần gũi tựa hồ như lời ru của chính đất nước đang tự cất lên.
Người nghệ sĩ lớn với nỗi lòng canh cánh vì thế hệ mai sau
Khi những bạn bè đồng trang lứa đã chọn an nhàn, vui vầy bên con cháu thì NSND Thu Hiền, trên cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Lúc nào trong lòng cô cũng canh cánh nỗi lo vì nền nghệ thuật tương lai của nước nhà, sợ lửa đam mê vụt tắt nơi những nghệ sĩ trẻ. Là một bậc tiền bối của làng nhạc Việt Nam, nhưng chưa bao giờ cô tôn bản thân mình cao trọng, ngược lại luôn đặt ra cái nhìn khách quan: “Họ (những nghệ sĩ của thế hệ sau) là những người trẻ được đào tạo bài bản. Còn thế hệ tôi, hát không có ăn, hát không loa, hát bằng ống bơ, hát qua loa bóp (mải hát quên bóp, mải bóp quên hát)… Thế nên mọi sự so sánh là khập khiễng…”
Không chỉ dừng lại ở đó, cô Thu Hiền đã dùng hết sức mình để tiếp tục bồi dưỡng những thế hệ mai sau như lời chia sẻ: “…Tôi là người đơn giản và tôi có thể hát với bất cứ ai. Dù đó là nghệ sĩ Trung Đức hay một người mới vào nghề, một em bé, thậm chí là hát với quần chúng. Ngày 19/5 tới đây, tôi song ca cùng cậu bé Như Khôi (11 tuổi) trong đêm nhạc Những bài ca đi cùng năm tháng diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi sẽ hát như một người mẹ, một người bà cùng thế hệ đàn cháu của mình.”
Nói thế thôi ta đã có thể thấy được, hai chữ Tài và Đức luôn song hành cùng với người phụ nữ này qua bao năm tháng. Chính với cái Tâm ấy mà giọng ca Câu hò bên bờ Hiền Lương gầy dựng nên bao thế hệ nghệ sĩ mới góp phần vào việc định hình cho bộ mặt âm nhạc Việt Nam hiện nay.
Mừng sinh nhật NSND Thu Hiền - người nghệ sĩ của nhân dân
Là kẻ hậu bối viết về cô, có lẽ bao nhiêu vẫn là chưa đủ vì những cống hiến của cô đối với nền ca nhạc nhẹ hiện đại là không thể cân đo, đong đếm. Dù vậy, vẫn mong qua từng con chữ này, nguyện chúc cho NSND Thu Hiền luôn luôn khoẻ mạnh, luôn cất cao tiếng hát đến mọi miền Tổ quốc và ước mong ngọn lửa nhiệt tâm trong tim không bao giờ tắt, để truyền đến những thế hệ sau. Nhìn lại chặng đường cô đã đi qua, quả thật xứng đáng cho chúng ta phải kính cẩn nghiêng mình.