Cúng tất niên
Vào các ngày cuối năm như 27, 28, 29 hay 30 Tết, các gia đình Việt Nam thường làm mâm cơm, thắp hương để mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Nhưng đa số mọi người sẽ cúng vào chiều 30 Tết để đồng thời kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào một năm mới tốt lành.
Đón giao thừa
Giao thừa là thời khắc quan trọng của năm, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi mà đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa được gọi là lễ trừ tịch, diễn ra vào phút cuối cùng của năm. Nó có ý nghĩa rằng: mọi điều xấu của năm cũ được đem bỏ hết để đón chào những điều tốt đẹp sắp đến của năm mới. Lễ cúng giao thừa theo truyền thống được thực hiện ở ngoài trời.
Xông đất
Theo quan niệm của cha ông ta, ai là người đầu tiên bước vào nhà sau thời khắc giao thừa cùng lời chúc mừng năm mới gia chủ thì đó là người xông đất.
Người xông đất đầu năm rất quan trọng, đây là người sẽ mang đến may mắn, tài lộc cả năm cho gia chủ. Vì vậy, các gia đình thường chọn những người hợp tuổi, hợp với năm hiện tại, hiền lành, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ để xông đất nhà mình.
Thăm mộ tổ tiên
Vào dịp Tết, con cháu trong gia đình sẽ tụ họp, cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Đây là một phong tục có ý nghĩa sâu sắc thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt. Việc thăm viếng mộ thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Khai ấn, khai bút
Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau Giao thừa. Khai bút đầu Xuân tuy không bắt buộc thực hiện trong ngày Tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Ý nghĩa của những con chữ đầu tiên của năm là sự gửi gắm mong muốn về những điều may mắn, hạnh phúc, tốt lành. Đồng thời phong tục này còn thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao việc học.
Bày mâm ngũ quả
Bày mâm ngũ quả là phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình vào dịp Tết đến. Mâm ngũ quả tượng trưng cho Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo quan niệm của Khổng giáo. Phong tục này thể hiện sự hiếu thảo và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Dựng cây nêu ngày Tết
Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng chạp - đây là ngày ông Táo về trời nên vắng mặt cho tới đêm giao thừa. Vì vậy, người dân trồng cây nêu để tránh ma quỷ thừa cơ hội quấy nhiễu.
Cây nêu được dựng bằng một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét. Trên ngọn cây treo rất nhiều thứ (tùy từng địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng,… hoặc treo những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung để gió thổi kêu leng keng. Dân gian tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm tiếng kêu của cái khánh bằng đất sẽ báo hiệu cho ma quỷ biết đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu. Vào buổi tối, nhiều nhà còn treo trên cây nêu một chiếc lồng đèn để tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu.