Từ khi mới sinh, cô bé Nguyễn Thị Hoài Thương (2008) đã không may mắn như những đứa trẻ khác vì di chứng của chất độc màu da cam. Em được gọi với biệt danh dễ thương là “cô bé chim cánh cụt”, vì em không hề có bàn tay hay bàn chân. Nhưng bù lại, Thương hút hồn người khác vì đôi mắt long lanh, khuôn mặt bầu bĩnh vui vẻ và nụ cười dễ mến, lúc nào cũng toát lên sự lạc quan yêu đời. Đặc biệt, điều khiến mọi người cảm phục nhất về em này là nghị lực, tinh thần vượt khó khăn, cũng như ước mơ của em trong cuộc sống.
Cuộc sống ngập tiếng cười của “Cô bé chim cánh cụt” Nguyễn Thị Hoài Thương. (Nguồn: VNexpress)
Hoài Thương là con thứ hai trong một gia đình thuộc tổ 6 - ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Ngày sinh em ra, khi thấy con mình không lành lặn, chị Giang - mẹ em “cứ nghĩ là mơ”, và cảm thấy không còn nghị lực sống, từng có ý nghĩ quẩn.
Chị Giang ban đầu vì thương con nên đành nghỉ việc ở nhà, nhưng do cuộc sống quá cơ cực nên đành phải bế con đi bán vé số khi Thương được hai tuổi. Khi gặp ai, cô bé cũng cười vui vẻ, nên nhiều người thấy thương và mua ủng hộ cho hai mẹ con chị.
Trên đường bán vé số, khi sắp đến ngôi trường nào, là chị Giang đều phải quay đầu lại. Vì nếu không, cô bé Thương sẽ nhất quyết đòi mẹ cho mình đi học. Thương con mình hiếu học, gia đình đã cho em đi học mẫu giáo từ khi 3 tuổi. Nhờ sự giúp đỡ của Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Củ Chi, khi 6 tuổi, Hoài Thương đã được vào trường tiểu học Liên Minh Công Nông tại xã Tân An Hội.
Năm nay, Thương đã lên lớp hai, cô bé tập viết nhờ sự hỗ trợ của cánh tay giả có gắn cây bút hoặc viên phấn dài. Dù khó khăn, nhưng Thương viết chữ đẹp và ngay ngắn không thua gì các bạn cùng trang lứa. “Cô bé chim cánh cụt” được lòng rất nhiều bạn bè cùng lớp vì tính hòa đồng và độc lập trong sinh hoạt. Em thường xuyên động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bạn.
Với chiếc xe gỗ có bánh lăn gia đình làm cho, Thương có thể tham gia hầu hết các hoạt động vui chơi. Cô bé hồn nhiên chia sẻ rằng, ước mơ của mình là làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Cô bé yêu thích rất nhiều môn học trên lớp và vẽ rất đẹp.
Để giúp con có thể hoạt động bình thường, gia đình em đã tốn rất nhiều chi phí đưa Thương đi tập vật lý trị liệu tại một trung tâm ở quận 3, TP HCM. Ngoài ra, cha mẹ còn bỏ nhiều công sức để hướng dẫn cô bé làm tất cả những vệc cá nhân hàng ngày như ăn uống, vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa. Đến nay, Thương đã có thể tự chăm sóc mình và giúp đỡ nhiều việc như vo gạo, quét nhà…
Vào tháng 6, có một tổ chức từ thiện ở Hà Nội đã đến khám và lắp chân giả cho Hoài Thương. Hai mẹ con đã cùng nhau luyện tập và đi được 5 bước. Dù rất dau đớn, nhưng cô bé vẫn cố gắng và muốn đi lại trên chính đôi chân của mình. Mẹ của Thương chia sẻ rằng “Dù có lúc cháu mặc cảm với bạn bè nhưng vẫn không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Cháu còn nhỏ nhưng ý thức về bản thân rất cao, không muốn ai phải phiền hà chỉ vì không có chân tay bình thường”.
“Năm ngoái cháu có cơ hội được chữa bệnh miễn phí nhưng tôi không có khả năng tài chính nên đành để lỡ một cơ hội. Tháng 9 này, có một đoàn khám từ thiện cho những trẻ nhiễm chất độc da cam. Họ yêu cầu chúng tôi bay ra đó, nhưng không biết lần này chúng tôi có thể đi nổi không”, chị Giang tâm sự.
Điều ấn tượng nhất ở Thương, có lẽ chính là cuộc sống tràn ngập tiếng cười của em. Tuy chỉ là một cô bé con, lại sinh ra với hình hài không lành lặn, nhưng ẩn sâu trong đó là một ý chí và nghị lực vĩ đại. Một may mắn lớn của em là được sinh ra trong một gia đình có tình yêu thương lớn lao. Chính nơi đây sẽ chắp cánh cho những ước mơ của cô bé “chim cánh cụt”.
Một tấm gương lớn đối với các bạn, các anh chị mỗi ngày vẫn hay than vãn về cuộc sống quá đỗi đầy đủ và nhiều may mắn hơn người của mình. Mong em sẽ ngày càng tiến đến gần với ước mơ của bản thân, cũng như truyền cảm hứng cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống như em.