Ở Việt Nam, lễ ăn hỏi được xem là nghi lễ quan trọng thứ hai sau đám cưới trước khi các cặp đôi nam nữ chính thức trở thành vợ chồng. Lễ ăn hỏi mang mục đích thông báo với tất cả họ hàng, gia đình nhà trai, nhà gái về việc đôi nam nữ sắp “về chung một nhà”.
Và trong những lễ ăn hỏi thì nhà trai sẽ mang sính lễ, lễ vật đến nhà gái để ra mắt họ hàng, cúng gia tiên. Các tráp lễ vật thường được nhà trai chuẩn bị rất kỹ lưỡng và được bê, đỡ trang trọng bởi những nam thanh niên trẻ chưa lập gia đình. Sau khi cùng nhau đỡ những tráp sính lễ đến bàn cúng gia tiên thì sẽ trao nhau những phong bao lì xì màu đỏ với chữ hỉ được in ở phía ngoài và bên trong có một số tiền nhất định.
Tuy nhiên, mới đây một thành viên đã đăng lên mạng xã hội câu chuyện đội bê tráp nhà trai lặn lội đi hơn 180km đường xa giúp cô dâu, chú rể hoàn thành lễ ăn hỏi. Thế nhưng, sau khi ”trao duyên” cho các bạn nhà gái, thì bao lì xì đã bị các bạn nữ rút hết tiền thay vào đó là toàn lá cây khiến nhiều người cảm thấy bức xúc.
Theo đó, đội bê tráp nhà trai đã vượt 180km từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa để giúp cô dâu và chú rể hoàn thành đám ăn hỏi. Thế nhưng sau khi ”trao duyên”, đội bê tráp nhà trai mở bao lì xì thấy không có tiền như những đám ăn hỏi khác mà chỉ có lá cây.
Được biết, việc đổi bao lì xì xem như một hình thức ”trao duyên”, “giữ duyên” cho những người bưng và đỡ tráp. Số tiền trong các bao lì xì ”trao duyên” tùy theo điệu kiện của từng gia đình, nó sẽ là nguồn tinh thần, là lời cảm ơn của cô dâu chú rể chúc cho những bạn trai, bạn gái sớm tìm được nhân duyên và hạnh phúc.
Sau khi đăng lên mạng xã hội, bài viết đã thu hút sự chú ý của nhiều người dùng Facebook nhất là các bạn trẻ. Một trong những ”nữ tú” đã rút tiền trong bao lì xì đã bình luận rằng mình biết sai và đã nạp tiền bằng thẻ điện thoại cho bạn nam bê tráp cùng mình. Thế nhưng, nhiều người vẫn cho rằng kể cả là đùa cũng không nên làm như vậy vì với một số bạn sinh viên thì số tiền này được coi như tiền công của cả một ngày vất vả.