Sao & Đời Sống

Với Mẹ, bạn đã từng…?

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

Nhân ngày đặc biệt dành cho người vĩ đại nhất của cuộc đời mỗi chúng ta, có khi nào những điều này khiến bạn vô thức nghĩ lại rằng mình đã từng như thế với Mẹ chưa?

Khi ta thơ bé, lúc mẹ đi chợ về, thích nhất là được ăn quà mẹ mua. Trong ngày sinh nhật, con gái thì thường ước được mẹ tặng những con búp bê xinh đẹp, còn những đứa con trai, chỉ thích được một chú siêu nhân, hay chiếc xe ô tô mô hình sang chảnh,… Và thường, mẹ sẽ cố gắng để đáp ứng những “giấc mơ” ấy của con, trong ngày sinh nhật, hoặc Tết thiếu nhi.

Lớn lên chút nữa, khi đi học, thấy bạn A có cái này, bạn B có cái kia, chúng ta thường về “khoe” với mẹ. Có đứa thì đòi mẹ mua để bằng bạn bằng bè, đứa khác “ý nhị” hơn thì nói phong long nhưng cốt là để mẹ nghe được và sẽ tự động đi mua. Rồi thì biết bao thứ nhu cầu của trẻ con ngoài chuyện học, chúng ta đều bày tỏ với mẹ, và thường, mẹ đều giải quyết ổn thoả, hoặc có thể đáp ứng mong muốn của con, hoặc sẽ có những chia sẻ, giãi bày để cho con cái thoải mái.

Rồi khi chúng ta bắt đầu biết rung động trước một người khác giới, mẹ chính là “chuyên gia” tư vấn khi ta bối rối, là cái gối ôm khi ta buồn bã về “người ấy”, là cái khăn lau nước mắt lúc ta khóc về “cuộc tình đơn phương”, hay là cái “chậu” cho ta trút hết tất cả những thứ bực tức, đau khổ, thất vọng, chán chường,… vào đó. Mẹ - khi ấy là nơi duy nhất để ta có thể khóc nhè như đứa trẻ, để ta có thể “ăn vạ”, bắt đền, hay “buông xoã” mà không cần e ngại hay ý tứ gì cả.

Và lúc lớn lên, khi bắt đầu chính thức cầm tay người bạn trai, bạn gái mà mình yêu, thậm chí nụ hôn đầu tiên, hay cái lần được nghe câu tỏ tình từ người mình thích,…nhiều khi ta cũng về thầm thì với mẹ, nhất là những cô con gái ngoan hiền. Lúc đó mẹ sẽ chỉ mỉm cười và cho ta nhiều những kinh nghiệm trong chuyện tình cảm.

Khi ta đi làm, bắt đầu bước vào cuộc sống mới, một cánh cửa cuộc đời mới mở, quá nhiều thứ lạ lẫm. Lúc ấy ta đã trở thành người lớn, kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Môi trường mới khiến ta bỡ ngỡ, thậm chí thấy mình bé nhỏ, lo lắng không biết làm sao để hoà nhập. Những mối quan hệ chằng chịt giữa sếp - nhân viên - nhân viên - sếp - đối tác - cơ quan quản lý,… và hàng trăm những mối quan hệ khác nữa. Có những lúc rối như tơ vò vì công việc, thậm chí tháng lương đầu tiên không đủ để chi cho một bữa nhậu khao bạn bè,… Mẹ - lúc đó lại như vị cứu tinh, như “ông Bụt” hiện lên để “giải cứu”….

Thế đấy! Trong suốt 17 năm vị thành niên, rồi trưởng thành, lấy chồng lấy vợ, sinh con đẻ cái, lên chức bố mẹ, rồi lên chức ông bà,… chúng ta có một quá trình sinh ra và lớn lên, sống trong cuộc đời tươi đẹp này, lúc nào mẹ cũng là người đồng hành, là bóng mát toả sáng, che chắn cuộc đời chúng ta. Mẹ luôn vĩ đại, như chúng ta vẫn thấy.

Nhưng, có bao giờ, bạn thử tìm hiểu xem, nếu bạn là mẹ, bạn sẽ nghĩ gì? Mong muốn điều gì không nhỉ?

Lúc bạn bé, bạn luôn muốn được tặng quà. Vậy, Ngày của Mẹ, hoặc 8/3, 20/10 bạn có thường xuyên (hoặc đã bao giờ) mua quà tặng mẹ chưa? Bạn đã từng thất vọng tràn trề khi “người ấy” quên lãng bạn trong ngày quan trọng, thì bạn cũng tưởng tượng ra rằng, mẹ bạn sẽ như thế nào nếu ngày ấy, không ai nhớ đến việc tặng quà cho mẹ? Bạn đã từng,…?

Sinh nhật của bạn, bao nhiêu người tặng quà, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của bạn trong ngày đó, bên cạnh sự xuất hiện của những người bạn thân. Nhưng rất có thể, ngày sinh nhật của Mẹ (nhất là những bà mẹ quê) sẽ lặng lẽ trôi qua như những ngày bình thường khác với vô vàn những lo toan và công việc không tên. Thậm chí, bạn cũng quá bận rộn học hành hay công việc mà quên mất 1 tin nhắn, hay 1 cú điện thoại gọi về chúc mừng mẹ. Bạn đã từng…?

Có những khi bạn hẹn người yêu đi ăn tối, rồi bạn ngồi chờ người ấy cả tiếng đồng hồ mới tới. Bạn sẽ cảm thấy bực dọc, giận dỗi, thậm chí đứng lên bỏ về vì không thể chấp nhận được sự “thiếu tôn trọng” của người ấy. Nhưng bạn có nhớ rằng, biết bao lần mẹ bạn ngồi đợi cơm bạn, hay như nấu xong rồi bạn mới gọi điện về báo rằng “con phải đi tiếp khách, không ăn cơm nhà” làm mẹ chưng hửng, lặng lẽ ăn cơm một mình. Bạn đã từng…?

Còn nhiều thứ lắm. Ví dụ như, mẹ đã biết bao lần gội đầu cho bạn, thế nhưng bạn đã từng lần nào gội đầu cho mẹ? Khi bạn sốt cao, mẹ thức đêm chườm hạ sốt, nhẹ nhàng vỗ về xoa lưng, “à ơi” cho bạn ngủ,… nhưng bạn có biết bao lần mẹ ốm mà phải tự một mình mua thuốc, tự vòng tay ra đấm lưng, tự nấu nướng ăn uống bởi bạn đi học xa, hay đã xây dựng gia đình ở một ngôi nhà khác. Bạn đã từng…?

Thực ra, để trách sự “thờ ơ” của bạn thì cũng khó. Hẳn là đứa con nào cũng đều biết rằng, công ơn cha mẹ là trời biển và con cái không bao giờ trả nghĩa hết được. Bên cạnh đó, người xưa có câu: “Nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ sinh ra và nuôi nấng chúng ta nên người, rồi khi chúng ta làm cha mẹ, chúng ta lại sinh con và nuôi nấng những đứa con của mình, cứ thế đời này sinh kiếp khác, như kiếp luân hồi.

Thế nhưng, các cụ cũng đúc kết rằng “Đạo làm con là phải có Hiếu với cha mẹ”. Chữ Hiếu ở đây đừng nghĩ những gì quá to tát. Không phải chỉ làm ra tiền, mua cho mẹ cha nhà cao cửa rộng, những món đồ đắt tiền, đưa cha mẹ đi du lịch khắp nơi,… mới là có hiếu, mà chính là ở tấm lòng của chúng ta, có thực sự yêu thương mẹ cha mình hay không, có biết chăm sóc từ những việc nhỏ nhặt, quan tâm, chia sẻ với họ mọi điều trong cuộc sống hay không?

Với mẹ, con cái cho dù đầu bạc thì vẫn là con của mẹ, vẫn là những đứa trẻ bé bỏng ngày nào. Nhưng mẹ cũng cần được an ủi, vỗ về hoặc quan tâm, chia sẻ. Vì thế, hãy làm những điều dù nhỏ bé nhưng thật tâm, mẹ sẽ cảm nhận được và sẽ rất hạnh phúc khi thấy bạn biết quan tâm đến mẹ của mình. Với mẹ, “cho đi” không bao giờ cần “nhận lại” đối với những đứa con của mình. Nhưng nếu chúng ta chỉ “nhận” mà không “cho” - chúng ta sẽ trở thành người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình, và sẽ dần dần trở thành vô cảm. Hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của mẹ, chắc chắn bạn sẽ nghĩ khác!

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất