Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Xúc động câu chuyện vợ 'Hiệp sĩ đường phố' hơn 25 năm sống trong sợ hãi, một mình bươn chải mưu sinh và vay tiền để chồng đi bắt cướp

Câu chuyện về người vợ hơn 25 năm sống trong lo sợ vì chồng đi bắt cướp và cuộc sống chật vật mưu sinh của gia đình 'Hiệp sĩ đường phố' Trần Văn Hoàng khiến nhiều người xúc động.

Ông Trần Văn Hoàng làm nghề lái xe ôm, ông tham gia bắt cướp từ những năm 1995 và được mọi người yêu quý gọi cho cái tên “hiệp sĩ đường phố” cùng nhiều anh em trong nhóm. Vợ ông là bà Trương Thị Xí, làm nghề buôn bán nhỏ. Hơn 30 năm chung sống, ông bà có với nhau một cậu con trai và vừa lên chức ông bà nội. Cuộc sống chắt chiu vất vả nhưng bà Xí vẫn ủng hộ chồng làm việc mà nhiều người không dám làm.

“Hiệp sĩ đường phố” Trần Văn Hoàng

Chia sẻ trong chương trình Mảnh Ghép Hoàn Hảo mới đây, bà Xí cho biết lần đầu tiên ông Hoàng đi bắt cướp là vào năm 1995. Nhìn thấy người đi đường bị cướp xe, ông lập tức đuổi theo và bắt được tên cướp. Lúc đó, bà Xí cảm thấy sợ nhưng cũng rất vui vì chồng mình đã làm được việc tốt giúp đỡ người khác. Thế nhưng bà không ngờ từ đó ông bắt đầu đam mê việc bắt cướp.

Ban đầu, bà Xí không đồng ý với việc ông làm vì thấy bọn cướp rất hung hãn và sợ ông gặp nguy hiểm. Bà nói: “Mỗi lần ông ấy đi là tôi không ngủ được, chỉ khi nào nhìn thấy ông ấy nguyên vẹn trở về tôi mới dám chợp mắt. Có những đêm ông ấy đi đến 2 giờ sáng thì tôi thức đến 2 giờ sáng. Ông ấy đi đến sáng thì tôi thức đến sáng. Tôi tỏ ra bình thường nhưng sâu trong lòng vẫn cảm thấy không yên tâm nên phải đợi ông ấy về rồi tôi mới ngủ được”.

Bà Xí và ông Hoàng

Không chỉ lo lắng cho ông Hoàng, bà Xí còn tủi thân vì phải một mình bươn chải lo cho gia đình. Bà cho biết, đi bán một ngày chỉ có vài chục ngàn, không đủ để trang trải cuộc sống. Chồng bà chạy xe ôm, nhưng hễ thấy người ta bị cướp, là ông thả khách xuống để đuổi theo. Vì vậy mà chẳng có thêm đồng nào để phụ giúp vợ con.

“Nhiều khi tôi bán không có tiền nhưng ông ấy sáng ra là đổ đầy bình xăng để đi bắt cướp, còn tiền bạc thì mặc kệ tôi làm gì làm. Bắt cướp thì tông xe vào đối tượng, ngã xe, hư xe là chuyện thường ngày. Rồi tôi đi vay tiền để sửa thì bị người ta la hoài, nhưng ông ấy thì không để ý hay quan tâm đến những việc này”, bà Xí bộc bạch.

Thậm chí việc rất đơn giản với mỗi gia đình như chồng chở vợ con đi chơi thì đối với vợ chồng bà lại là điều không thể. Bà Xí thú nhận, bản thân không dám ngồi sau xe chồng vì ông từng chở bà và con trai đi dạo, nhưng nghe người ta hô hoán cướp, ông để vợ con giữa đường để đuổi theo cướp. “Thời đó tôi làm gì có điện thoại, hai mẹ con cứ ngồi đó chờ. Ông ấy bắt cướp đến 2 giờ sáng xong mới quay lại chở mẹ con tôi về”, bà kể.

Dẫu chịu nhiều thiệt thòi từ việc làm “chẳng ai trả lương” của chồng, nhưng mỗi lần nhìn thấy ông Hoàng bắt được cướp, trả đồ cho người ta là bà Xí lại thấy vui vì chồng bà đã làm được một việc tốt vì người khác. Dù nhiều lần muốn trách ông không đỡ đần vợ con trang trải cuộc sống nhưng bà đều không nỡ.

Việc bắt cướp của ông Hoàng còn khiến ông Hoàng bị các băng nhóm trộm cướp trả thù. Bà Xí nhớ rất rõ cách đây 7 năm, ông Hoàng từng đuổi theo tên cướp điện thoại. Hai ngày sau, bọn chúng quay lại chém trả thù ông ngay giữa trưa. Bà sợ đến muốn ngất đi nhưng vẫn cố gắng hô hoán cướp để mọi người cứu giúp.

Đỉnh điểm nhất cũng là sự việc nguy hiểm nhất là cách đây 2 năm, khi ông Hoàng cùng các anh em trong nhóm truy bắt vài đối tượng trộm cướp xe máy và bị bọn chúng dùng hung khí tấn công. Hai thành viên trong nhóm thiệt mạng và 3 thành viên khác bị thương nghiêm trọng, trong đó có ông Hoàng. Sự việc xảy ra khiến bà Xí ngỡ ngàng: “Tôi giật mình tự hỏi bản thân sao bao lâu nay không sợ? Nếu lúc đó ông ấy có mệnh hệ gì, chắc tôi chới với”.

Không chỉ mình ông Hoàng bị trả thù mà bà Xí cũng gặp nguy hiểm khi nhiều đối tượng còn trực tiếp đến đe doạ bà. Nhưng bà nói một cách rất bình thản rằng, bị doạ nhiều quá riết rồi cũng quen. Chồng bà dẫu đã lớn tuổi, nhưng ngày nào ông Hoàng còn bắt cướp, thì ngày đó bà vẫn mừng vì ông giúp đỡ được người khác.

Về phần ông Hoàng, ông cho biết gia đình ông vốn có truyền thống về võ thuật, vì vậy khi ra đường nhìn thấy việc bất bình ông không thể nào làm ngơ. Máu nghĩa hiệp trong người trỗi dậy là ông quyết phải ra tay giúp đỡ những người gặp nạn trên đường. Ông Hoàng còn tự hào cho hay, nhiều đối tượng trộm cướp sau khi bị bắt, được ông thuyết phục đã hoàn lương và thậm chí còn tham gia vào trong nhóm hiệp sĩ đường phố do ông chỉ huy.

Lắng nghe câu chuyện, Ốc Thanh Vân xúc động, chị cho biết bản thân rất phục vợ chồng ông Hoàng - bà Xí vì đam mê của ông được đánh đổi bằng cả tính mạng. Nếu ông Hoàng không đủ dũng khí thì sẽ không dám làm như vậy, và nếu bà Xí là một người vợ không đủ bao dung thì chắc chắn không thể chấp nhận được việc để chồng mình bất chấp nguy hiểm làm một công việc chỉ vì nghĩa hiệp.

Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A khẳng định, cụm từ “nghĩa vợ chồng” không đủ để nói về ông Hoàng và bà Xí. Vì nếu chỉ dừng lại ở đó thì rất khó để họ có thể đồng hành qua những đêm đầy lo lắng vì sự an nguy của chồng, trăn trở bởi gánh nặng kinh tế của gia đình. “Tôi không tin một người chồng bên ngoài nghĩa hiệp nhưng về nhà thờ ơ với gia đình mà lại có được sự đồng thuận về lý tưởng sống với vợ và con như vậy”, Tô Nhi A nói.

Trước những lời chia sẻ của MC và Tiến sĩ tâm lý, ông Hoàng cũng thú nhận bản thân là người hơi nóng tính, không dịu dàng hay chiều chuộng vợ như những người đàn ông khác. Nhưng biết vợ chịu nhiều thiệt thòi khi phải lo toan cho gia đình, lo lắng cho công việc của ông, nên nếu có thể ông luôn chủ động đảm nhận hết những công việc nhỏ nhất như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa để phụ giúp vợ.

Bên cạnh đó, tuổi tác ngày một lớn, sức khoẻ lại hạn chế sau nhiều thương tật, ông cũng suy nghĩ đến một thời điểm thích hợp sẽ dừng lại và để những người trẻ hơn tiếp tục công việc này theo như ước nguyện của vợ mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quang Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất