Dạo quanh một vòng các trang mạng xã hội, dễ dàng thấy được vấn đề nóng nhất hiện nay chính là những tranh cãi xung quanh clip “Người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt”. Sự việc bắt đầu khi Dan Hauer - giáo viên người Mỹ sống tại Việt Nam đăng tải một đoạn clip với nội dung “chỉ điểm” những lỗi sai trong cách phát âm của người Việt. Bằng việc cho bố mẹ mình - những người bản xứ nghe thử phát âm của người Việt, họ đã không thể hiểu được phần lớn nội dung câu chữ.
Tuy nhiên mọi thứ được đẩy lên cao trào là khi Dan Hauter “bóc phốt” loạt nhân vật phát âm sai tiếng Anh chính lại là những thầy cô thuộc một trung tâm anh ngữ nổi tiếng ở Hà Nội.
Điều này đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều, một bên người ta đồng tình, ủng hộ hết mực cho màn “cải tổ” trong cách dạy học tiếng Anh của giáo viên Việt. Mặc khác, thầy Dan cũng bị “ném đá” tơi tả vì bị cho là “dìm hàng đối thủ” và cạnh tranh không lành mạnh. Đáng nói hơn, đoạn clip xin lỗi của các giáo viên từ trung tâm anh ngữ này cũng không mấy “được lòng” cư dân mạng, họ cho rằng thay vì nhận lỗi ngắn gọn thì các cô giáo lại sa đà vào màn tường trình, khóc lóc không đi vào trọng tâm.
Dù đoạn clip chỉ tầm vài phút nhưng dư âm của nó không chỉ dừng lại ở việc trao đổi chuyên môn. Phần nhiều ý kiến đều tỏ ra đồng tình với những lỗi sai mà thầy Dan chỉ ra. Vì dù sao đi nữa, người Việt phải thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rằng mình không thể phát âm cực chuẩn như người bản xứ cũng như nếu muốn được cải thiện kĩ năng thì việc học tập, tiếp thu và sửa chữa từ những nguyên tắc, điều thiếu xót là điều cần thiết. Tuy nhiên, “mũi rìu dư luận” vẫn không quên chỉa vào cách thầy đang chỉ dạy và cho rằng đây chính là phương thức “dìm hàng” và không trân trọng những việc mà các giáo viên người Việt đang làm để giúp đỡ các bạn trẻ Việt Nam.
Cái chưa hay ở đây chính là sự “thiếu tế nhị” hay có thể đơn giản gọi là sự khác biệt văn hóa giữa người Tây và người Việt. Giữa một bên đi theo chủ nghĩa tự do, không đặt ra chuẩn mực, quy tắc trong giao tiếp và một bên thường phải “nhìn trước ngó sau”, “nói giảm nói tránh” để đỡ mất lòng nhau thì ý kiến trái chiều xảy ra là điều dễ hiểu.
Từ câu chuyện tiêu tốn giấy mực của báo chí, giá mà anh Dan Hauer đã có thể tinh ý hơn trong khoản làm mờ mặt hoặc che tên để không làm ảnh hưởng đến cá nhân 1 ai đó trước khi public đoạn clip.
Bắt đầu với loạt phản ứng của các thầy cô vốn có thâm niên trong việc giảng dạy bộ môn tiếng anh cũng như là những người chịu nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng tích cực. Có thể nói, sự xa lạ về mặt ngôn ngữ và những nguyên tắc trong cách phát âm đã phần nào gây lên những bất đồng về quan điểm. Trong thời đại “mở cửa”, nếu khăng khẳng giữ thái độ cổ hủ và không chịu mở lòng thì việc bị đào thải là điều sớm muộn xảy ra.
Tuy nhiên, cư dân mạng lại khiến cho câu chuyện đi xa hơn rất nhiều so với nội dung mà đoạn clip muốn gửi gắm. Dù một phần lỗi không đáng kể thuộc về phía người trong cuộc nhưng “những anh hùng bàn phím” - người không “nghe tận tay, thấy tận mắt” lại lên tiếng chỉ trích gay gắt hành động của thầy Dan. Dưới tác động của cư dân mạng, thầy giáo trẻ có vẻ đã trở thành một nhân vật phản diện. Từ việc mang danh “PR cho tên tuổi” và “dìm hàng” những trung tâm anh ngữ khác đến câu chuyện “vùi dập” người Việt, “tất tần tật” những cái mác này đều do chính cư dân mạng tạo nên.
Xét cho cùng, thầy Dan có không khéo trong câu chuyện này nhưng về phía những “bình luận viên”, liệu bạn có đồng ý những điều được nêu ra trong đoạn clip là điều hoàn toàn đúng? Dễ dàng nhận thấy, trên cương vị là một người giảng dạy tiếng Anh - thứ tiếng bản xứ của mình thì hơn ai hết, Dan Hauer đang chỉ ra lỗi sai trong phát âm của người Việt. Với mục đích sửa sai và giúp cho nhiều bạn trẻ ý thức hơn trong việc phát âm, Dan Hauer vẫn luôn ghi điểm trong lòng cư dân mạng bằng những đoạn clip bổ ích thú vị. Bấy nhiêu đó đã đủ nhận thấy, người Việt đang tự tay giết chết những gì cần được phát triển và phát huy.
Nói ngắn gọn, sai phải sửa, muốn tiến bộ thì phải tiếp thu. Và hơn hết, khi sai, đầu tiên đừng bao giờ bao biện, dùng lỗi sai của người khác để bỏ đi quyền được “góp ý” của họ. xét cho cùng ở câu chuyện này, Dan đã góp ý đúng, dù cách làm của thầy chưa được hay, mà khi đã góp ý đúng, chúng ta dù thích hay không, vẫn phải sửa!