Những ngày tháng cuối cùng của năm lớp 12 là khoảng thời gian để lại rất nhiều cảm xúc cho học sinh cấp 3. Bên cạnh việc thi cử đầy căng thẳng, giờ đây, các em còn phải đối diện với một vấn đề nữa: Đó là Ảnh kỷ yếu.
Ảnh kỷ yếu học sinh là một trào lưu chụp ảnh xuất hiện vài năm gần đây và đang ngày một trở nên phổ biến. Vào thời 8X, 9X ngày xưa, ”kỷ yếu” có thể chỉ là một tấm ảnh tập thể lớp trước cổng trường vào ngày chia tay, những cuốn lưu bút đầy những dòng chữ ấm áp và dán đầy hình vẽ của mọi người, hoặc chỉ đơn giản là một buổi đi chơi xa cuối cùng với nhau, chụp dăm ba tấm ảnh kỷ niệm vội vàng… Nhưng giờ đây, kỷ yếu không đơn giản như thế.
Muốn biết ảnh kỷ yếu của học sinh thời nay như thế nào, chỉ cần search vài từ khóa đơn giản trên các mặt báo là sẽ ra vô vàn bài viết như ”Bộ ảnh kỷ yếu độc đáo của lớp ABC”, ”Học sinh trường XYZ hóa thân thành nhân vật cổ tích trong ảnh kỷ yếu cuối cấp”, ”Trường ABC chi tiền triệu để thực hiện bộ ảnh kỷ yếu rất hoành tráng”. Có thể nói, người người lớp lớp thi nhau chụp kỷ yếu. Các dịch vụ kỷ yếu mọc lên như nấm, với giá cả đa dạng, phong phú. Nhiều lớp đã ra trường rồi, nhưng chợt nhớ ra chưa có kỷ yếu, thế là lại về trường đầu tư hẳn một bộ làm kỷ niệm.
Kỷ yếu - tiền nào của nấy?
Dạo một vòng quanh các studio chụp ảnh nhỏ và trung bình, bên cạnh những dịch vụ quen thuộc như chụp chân dung, phong cảnh… thì các studio bây giờ còn có thêm dịch vụ Chụp kỷ yếu để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Giá cả tính theo đầu người, từ 120k đến hơn 500k/ người tùy nhu cầu, cá biệt có gói lên đến hơn 1 triệu/ 1 người với vô số ưu đãi.
Với các gói giá rẻ, thì nam sẽ có áo vest, nữ sẽ có áo dài, khuôn viên chụp thường là sân trường, công viên, bãi cỏ… concept không có gì quá sáng tạo và số lượng thợ thường chia đều cho 20 người/ 1 thợ. Với các gói giá cao, thì học sinh có thể được chụp ở hơn 3 địa điểm khác nhau, trang phục đa dạng, được cung cấp đạo cụ hỗ trợ, flycam, nến, pháo hoa… Thậm chí còn có cả xe đưa đón với số ngày chụp có thể kéo dài hơn 2 ngày.
Thế nhưng, trước sự xuất hiện của các bộ kỷ yếu hoành tráng hiện nay, cộng với tâm lý ”sống ảo”, thích chứng tỏ của giới trẻ, chẳng lớp học nào muốn có một bộ ảnh kỷ yếu xoàng xĩnh cả. Nếu không có concept độc đáo, thì bối cảnh hoặc trang phục cũng phải được đầu tư, đồng nghĩa với việc học sinh phải chi mạnh. Mà đâu phải bạn A chọn gói 500k 1 người, bạn B chọn gói 100k 1 người được. Một lớp vài chục học sinh thì phải thống nhất chung một phương án, vậy nên đa số, người thắng thế là học sinh giàu, còn học sinh nghèo thì phải cắn răng theo.
Những nỗi niềm khó nói mùa kỷ yếu
Nếu cả lớp đều có điều kiện, và ai cũng thoải mái đồng thuận trong vấn đề chụp kỷ yếu, thì chúng ta không có gì để nói nữa, và chắc chắn bộ kỷ yếu đó sẽ trở thành một kỷ niệm rất đẹp của tuổi học trò. Nhưng thực tế thì đã có rất nhiều bất cập xảy ra trong mỗi mùa kỷ yếu. Vấn đề đầu tiên là ”tiền đâu?”
Những confession giấu tên xuất hiện trên MXH vào mùa kỷ yếu luôn là các câu chuyện như ”Bố mẹ không cho em tiền chụp kỷ yếu, em phải làm sao? Em sợ bị tẩy chay!”, hoặc ”Bỏ gần 20 triệu chụp kỷ yếu có đáng không? Cả lớp chỉ có mình em phản đối”… đã khiến người đọc phải tự hỏi: Chụp kỷ yếu là tự nguyện hay bắt buộc? Và học sinh thời nay thật sự giàu đến mức có thể bỏ ra gần 1 triệu 1 người để chụp kỷ yếu sao?
Tất nhiên, trên lý thuyết, kỷ yếu là tự nguyện. Bạn không muốn bỏ tiền, không đồng ý mức giá này như các thành viên còn lại, bạn có quyền không chụp. Nhưng hệ quả là gì? Bạn trở nên lạc lõng. Bạn buồn khi nghĩ tới viễn cảnh kỷ yếu của lớp không có mặt bạn. Bạn chột dạ nghĩ học với nhau cả 3 năm trời, chẳng lẽ vì vài trăm nghìn tiền kỷ yếu (mà có khi tương đương mấy ngày công đi làm phụ hồ của bố) mà phải tiếc rẻ? Thế là bạn về nhà tìm cách xin tiền bố mẹ, khóc lóc ỉ ôi, thậm chí giận dỗi khi cho rằng bố mẹ không hiểu kỷ yếu là gì.
Nhiều bạn trẻ còn coi kỷ yếu như một bộ mặt mới của lớp. Kỷ yếu càng nhiều like, càng được lên báo, thì lớp càng nổi tiếng. Thế là có một một chạy đua ”ngầm” của kỷ yếu, từ concept, idea cho tới sự đầu tư hoành tráng về trang phục và địa điểm. Tất cả đã tạo nên một mùa kỷ yếu rộn ràng nhất - và tất nhiên, có cả trong đó sự mệt mỏi - từ trước đến nay.
Kỷ yếu - có cần thiết không?
Như đã nói ở trên, kỷ yếu là cách lưu giữ kỷ niệm học trò khá thiết thực và hiệu quả. Nên không thể nói Kỷ yếu là một trào lưu vô bổ và lãng phí. Nhưng thực hiện kỷ yếu thế nào mới đúng cách?
Hãy trân trọng những gì mà kỷ yếu mang lại, thay vì chú trọng vào giá trị vật chất của kỷ yếu. Có thể những bức ảnh chụp vui vẻ bằng điện thoại trong chuyến đi chơi của cả lớp vào cuối kỳ cũng được xem là kỷ yếu. Có thể không cần di chuyển lên Tam Đảo, Ba Vì xa xôi, mà chỉ ngay trong lớp học thân thương thôi, bạn cũng có thể có ngay kỷ yếu với mức giá vừa phải. Có thể chẳng cần concept gì lớn lao, sáng tạo, chỉ cần cứ bên nhau đơn giản là được…
Hãy nhớ, không phải lớp nào cũng toàn học sinh giàu. Có những bạn gia đình khó khăn, và vài trăm nghìn tiền kỷ yếu cũng có thể khiến họ mất ngủ. Hãy cùng giúp đỡ, hoặc san sẻ với các bạn ấy, tìm cách để có thể có một bộ kỷ yếu xinh xắn, mà vẫn không khiến các bạn ấy phải nặng đầu.
Học sinh cũng cần tính toán làm sao cho hợp lý khi chọn các gói kỷ yếu, bởi có rất nhiều chi phí không cần thiết như đạo cụ chụp ảnh (có thể tự chuẩn bị), thuê áo dài thuê vest (có thể mặc đồng phục luôn cũng rất đẹp, hoặc học sinh tự lo trang phục trong khả năng của bản thân)… Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, chi phí cho video kỷ yếu cũng là một vấn đề rất lớn cần phải cân nhắc.
Cuối cùng, đừng khiến kỷ yếu trở nên xấu đi chỉ vì chúng ta quá coi trọng kỷ yếu. Đừng hời hợt với nhau suốt 3 năm học, để rồi lại vờ như yêu thương, gắn bó nhau trong bộ ảnh kỷ yếu. Đừng đánh đổi tất cả để có một bộ kỷ yếu nghìn like. Đừng làm tan rã sự gắn bó của cả lớp vì những tranh cãi xung quanh kỷ yếu cuối năm. Kỷ niệm - suy cho cùng vẫn tồn tại tốt hơn trong ký ức, và những bức ảnh - clip chỉ là một phương tiện để truyền tải mà thôi.