Tết và đàn ông, từ lâu đã trở thành chủ đề yêu thích của Trang Hạ mỗi dịp xuân về. Còn nhớ, năm 2013, Trang Hạ lần đầu tiên gây sốc với phát ngôn: “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn”.
Năm sau, nữ nhà văn lại ra sức chỉ trích thói hư: “Tết, đàn ông được uống rượu nhởn nhơ, đàn bà phải vùi đầu vào bếp”. Đến năm 2016, Trang Hạ tiếp tục động chạm cánh mày râu khi nói rằng: “Tết là dịp để đàn ông Việt vô tâm nhất trong năm và phụ nữ phải quần quật với đống trách nhiệm cao ngất”.
Mới năm ngoái đây thôi, nhà văn vẫn chắc nịch nhắc lại sự thật: “Tết là nỗi ám ảnh với phụ nữ”.
Suốt 6 năm, quan điểm của Trang Hạ về đàn ông Việt Nam, 10 người thì 9 người vô tâm với vợ, vẫn không thay đổi. Vừa mới đây, nữ nhà văn lại đăng đàn tâm sự rằng, hòm thư mình tràn ngập cả nghìn lá thư kêu ca về gánh nặng cuộc sống, sự vô tâm của những đức ông chồng mỗi dịp Tết đến.
Nhiều chị em một mình lo dọn nhà cửa, giặt rèm gối, lau chùi từ cánh cửa tới gậm giường, mua sắm - nấu nướng - tiếp khách, lo Tết bên nội lại chu toàn bên ngoại cho trọn đạo làm con…
Song điều đặc biệt nhất là Trang Hạ phát hiện ra là, mọi lời than vãn gánh nặng ngày Tết, kêu ca cuộc sống, khát khao ước mơ của phái đẹp… đều được nói sau lưng đàn ông. Trên facebook, chỉ thấy các chị em khoe món ngon, quà lạ, áo mới, tiền thưởng Tết, mâm cỗ thịnh soạn… Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, Trang Hạ tưởng lầm rằng các chị vợ đang tận hưởng cuộc sống muôn màu.
“Đàn bà ơi, hãy ra trước mặt mà nói!”, Trang Hạ khẩn khoản. Nổi tiếng là nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho nữ quyền, một trong 50 người phụ nữ gây ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes bình chọn, song cuộc chiến của Trang Hạ thường đơn độc. Dịp Tết 3 năm trước, khi nữ nhà văn lên tiếng về cái Tết “một màu vất vả” trên mặt báo, nói hộ cho bao nhiêu nghìn lá thư đẫm tâm tư của chị em mùa Tết ấy, thì cô phải hứng chịu cả núi đá ném trả và chửi bới bởi các anh chồng bị bắt thóp “vô tâm”.
Trên facebook, Trang Hạ kể: “Mình vào xem thử facebook một anh chồng chửi mình rất hăng, hẳn 3 status liền, toàn lời tục tĩu, bảo mình bôi nhọ đàn ông, làm gì có vô tâm. Thấy cái status thứ 4 của anh không chửi mình, mà chửi ông bán cây đào! Anh kể, mua cây đào Tết, người bán chở tới tận nhà, vậy mà cái ông già bán đào lại già, làm cho anh phải ghé xuống bê chậu đào cùng ông ấy lên bậc thềm, có mấy bậc vẹo cả sống lưng”.
“Mình lẳng lặng đi ra. Người đàn ông, một mùa Tết, chỉ làm đúng một việc trong năm phút là bê chậu cây lên bậc thềm, sức nặng chỉ tương đương với một ông già bán cây cảnh, kêu vẹo xương sống, kêu khổ. Không phải vô tâm mà là nhẫn tâm với những người sống xung quanh! Không chỉ với vợ, không chỉ với việc nhà… Những lời chửi bới của họ, kể cả khen ngợi của họ đi nữa, nào còn có giá trị gì?”, Trang Hạ bóc mẽ thói vô tâm song lại hay xảo ngôn, biện giải của cánh mày râu.
Chốt dòng tâm sự, nữ nhà văn nhắn nhủ tới chị em: “Đàn bà ơi, cần gì, hãy ra trước mặt! Thử đối diện, thử đối thoại, thử tìm hiểu, thử tìm kiếm và hiểu điều gì đang xảy ra!”.
Không mềm mỏng như Trang Hạ, cây bút Nguyễn Ngọc Thạch có cách xử trí cứng rắn hơn với các đức ông chồng vô tâm. Nam nhà văn 8X khuyên chị em sẵn sàng nổi dậy, hạ cẳng chân, thượng cẳng tay với những gã đàn ông to khỏe nhưng say mềm vì ma men ngày Tết.
Nam nhà văn 8X gọi thái độ vô tâm là “lợn tính” của đàn ông. Mỗi độ xuân về, “lợn tính” của đàn ông lại trỗi dậy. Trong khi đàn bà tất bật việc nhà, đàn ông chỉ việc nhậu. Nay tất niên, mai tân niên, mốt tống cựu nghênh tân, nọ thì họp mặt tri kỷ cuối năm.
Không ít người nghĩ làm ra tiền, quăng cục tiền cho vợ rồi cứ vậy bỏ đi biền biệt, không quan tâm nhà cửa đã sắm sửa gì, dọn dẹp tới đâu, thậm chí còn buông lời trách vợ chuẩn bị Tết chưa tươm tất.
“Đi nhậu cũng thể hiện cho cái sự vô tâm. Rượu bất khả ép, ép bất khả từ. Chứ uống say xỉn chạy xe về gây tai nạn, hay ngộ độc rượu, thì chỉ có vợ chạy vô bệnh viện vừa khóc vừa lo, chứ bạn nhậu tuyệt nhiên không thấy xuất hiện. Năm mới Tết tới, đàn ông làm ơn thoát khỏi lợn tính của mình để tiến hóa thành người, bớt nhậu nhẹt, có uống thì một ly, hai ly, không ép, không khích, rồi về phụ vợ mua sắm Tết. Đừng để ngàn đời mang tiếng vô tâm”, Ngọc Thạch nói.
Lời lẽ của Trang Hạ có chút sâu cay, Ngọc Thạch có phần ngoa ngoắt, song hai cây bút đại diện cho cả phái mạnh lẫn phái yếu đều cho rằng, đàn ông Việt phần nhiều vô tâm. Muốn trị chứng bệnh nan y này, trước hết chị em phải trực tiếp lên tiếng rồi mới đấu tranh đòi bình quyền. Nếu không đến năm sau, hòm mail của Trang Hạ vẫn ngập tâm thư than thở của chị em.
Đàn ông có thực sự vô tâm hay không? Chia sẻ câu chuyện của bạn trên facebook cùng hastag #DanOngVoTam #Tet nếu đồng tình, hoặc #CongBangVoiDanOng #Tet nếu lên tiếng bênh vực cánh mày râu.
Xem thêm thông tin tại: