Bạn biết tin gì chưa, vào tối nay, rạng sáng mai những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát mưa sao băng Geminids - trận mưa sao băng lớn và đáng chờ bậc nhất trong năm.
Vì sao mưa sao băng Geminids lại là trận mưa lớn và đáng chờ? Bởi theo các chuyên gia ước tính, trong điều kiện trời quang, bạn có thể nhìn thấy tới 60 - 120 vệt sao băng/giờ. Trong khi đó, lượng sao băng trung bình ở các trận mưa sao băng khác chỉ dao động khoảng 30 - 50 vệt/giờ mà thôi.
Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), tại Việt Nam, mưa sao băng sẽ bắt đầu từ khoảng 22h ngày 13/12 và đạt cực đại vào khoảng 1h sáng ngày 14/12. Thời điểm đạt đỉnh của mưa sao băng sẽ kéo dài trong khoảng 1 giờ, với tần suất cực điểm lên đến 100 - 120 vệt/giờ.
Do không trùng vào đợt trăng sáng nên người yêu thiên văn Việt Nam hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn mưa sao băng Geminids, với điều kiện không bị mây mù, bụi bặm che khuất.
Về bản chất, mưa sao băng Geminids vốn là các mảnh thiên thạch của sao chổi 3200 Phaethons bay vào khí quyển Trái đất.
Điểm thú vị của Geminids đó là sự xuất hiện của các quả cầu lửa “gặm Trái đất” (Earthgrazer). Nói đơn giản, chúng chính là các vệt sao băng phát sáng bay ngang, rất chậm và gần như trùng lặp vào đường chân trời.
NHƯNG ĐÁNG TIẾC LÀ… do thời tiết miền Bắc dự báo có mưa nhỏ nên các bạn ở đây khó có cơ hội để chiêm ngưỡng sự kiện thiên văn lần này.
Bởi điều kiện tiên quyết để có thể ngắm mưa sao băng đó là trời quang mây, không mưa mà.
Trong khi đó, thời tiết ở miền Trung và miền Nam không mưa, trời có nắng… nên những ai yêu thiên văn ở hai miền này sẽ vui hơn khi có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn trận mưa sao băng đẹp nhất năm này.
Hãy nhớ, chòm sao Gemini sẽ xuất hiện ở hướng Đông lúc nửa đêm, lên đỉnh vào khoảng 1h sáng rồi sau đó lùi dần về bầu trời phía Tây.
Từ 22h ngày 13/12, người yêu thích thiên văn có thể bắt đầu quan sát hiện tượng, nhưng lý tưởng nhất vẫn là sau nửa đêm khi Gemini đã lên cao.
Để ngắm được trọn vẹn trận mưa sao băng này, hãy làm theo những lời khuyên của các chuyên gia thiên văn học dưới đây:
- Không cần sử dụng tới kính thiên văn, bởi mắt thường quan sát trận mưa này sẽ thú vị và chân thực hơn.
- Khoảng thời gian nửa đêm về sáng là thời điểm lý tưởng nhất.
- Đứng ngoài trời đêm trong 5 phút để mắt quen với bóng tối. Nếu đếm được trên 50 ngôi sao trên bầu trời, đó là dấu hiệu trời quang mây và cho phép bạn ngắm sao băng.
- Chọn địa điểm phù hợp, tránh xa nơi có ánh sáng nhân tạo hay ngay dưới ánh trăng.
- Mặc áo ấm cẩn thận bởi thời điểm về đêm rất lạnh.