Du nhập vào Việt Nam từ lâu, tuy nhiên chỉ đến những năm trở lại đây - khi các thương hiệu trà sữa nổi tiếng thế giới tràn về, “chiếm sóng” mới khiến dân tình… điêu đứng thực sự.
KOI, Gongcha, Ding Tea, Bobapop, R&B, Sharetea - hàng loạt những thương hiệu trà sữa nổi tiếng trong làng F&B đã “đổ bộ” thị trường Việt Nam mà mỗi đợt khai trương cửa hàng mới hoặc khuyến mãi đặc biệt, người ta lại thấy những dãy hàng dài được xếp của giới trẻ để chờ mua cho-bằng-được.
Trước hết là tâm lý “sính ngoại” - trong xã hội mở, việc tiếp cận văn minh không còn là điều đáng chê trách, yêu thích một món đồ uống danh tiếng, được ưa chuộng cũng là xu hướng tất yếu. Với những quy mô đầu tư “khủng” và rất chuyên nghiệp trong mọi khâu vận hành chuỗi, những thương hiệu này không chỉ “hớp hồn” fan bởi chất lượng đồ uống, mà còn bởi cung cách phục vụ và những chương trình khuyến mãi, tương tác thú vị khác.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Đài Loan, trà sữa là một nét văn hóa. Trong thế giới phẳng, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra dễ dàng hơn, Việt Nam tiếp cận trà sữa và đặc biệt “tương tư” món đồ uống ngọt ngào này. Cũng bởi với khí hậu - thời tiết nhiệt đới có mùa nóng kéo dài, còn gì tuyệt vời hơn những ly trà sữa béo ngậy, ngọt lịm và… mát rượi?
Các thương hiệu trà sữa trong nước cũng nhanh chóng xuất hiện, tạo được tiếng vang lớn. Tuy nhiên, chính những thương hiệu trà sữa nước ngoài đã giúp cho thị trường trở nên phong phú và đầy cạnh tranh - khách hàng là người “lãi” nhất trong thương vụ này, khi giờ đây, việc thưởng thức một ly trà sữa đã không còn quá khó khăn, lại còn được tận hưởng những ưu đãi đến từ các thương hiệu trong các chiến dịch “tri ân khách hàng”.
Sau cuộc đổ bộ rộn ràng của các thương hiệu, thị trường trà sữa Việt Nam khoác lên mình chiếc áo mới: hoàng kim hơn, nhưng cũng ồn ào hơn khi lạc vào giữa tâm bão.
Chứng kiến những chiếc áo đồng phục hoặc những gương mặt non choẹt xuất hiện “như cơm bữa” tại các cửa hàng trà sữa, người ta thắc mắc: tiền đâu cho một ly trà sữa 60 ngàn khi các bạn trẻ còn là sinh viên hoặc vừa mới ra trường? Thế là tranh cãi nổ ra dữ dội giữa một bên là các “tín đồ trà sữa” - bảo vệ đến cùng sở thích cá nhân và lựa chọn của mình còn một bên là những “người lớn giấu tên” - phản biện đến cùng các vấn đề… nhân văn khác, về sức khỏe: nhiều đường có hại hoặc cách sử dụng tiền: kiếm đâu ra tiền mà phung phí như thế. Hằng hà những luận điệu được đưa ra trên các diễn đàn để chỉ trích nhau hoặc tự nâng cao quan điểm bản thân mình.
Trà sữa - một món… vô tội, bỗng chốc trở thành “vấn nạn quốc dân” khi khiến bao nhiêu người mê mẩn, thì cũng từng đó người đã lao vào tranh cãi.
Những quan điểm đưa ra, đặt dưới ống kính khác nhau: không cái nào là đúng hoàn toàn, và ngược lại, không có gì là sai tuyệt đối. Uống trà sữa quá nhiều không tốt cho sức khỏe, sẽ gây ra các nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tổn thương gan, thận, đó là chưa kể nếu nguồn nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh thì tác hại còn khủng khiếp hơn, dễ dàng dẫn đến ngộ độc, lở loét dạ dày, ung thư. Ngoài tổn hại sức khỏe, việc lê la quán xá hàng tiếng đồng hồ cùng bạn bè khiến không ít bạn trẻ trở nên thụ động, làm ít hưởng thụ nhiều và phung phí thời gian vào những cuộc nói chuyện vô ích.
Doanh nhân không chỉ bán trà, mà bán thương hiệu!
Khách hàng không chỉ mua trà, mà mua sự tận hưởng!
Cảm giác hài lòng chính là thứ khiến nhiều bạn trẻ đồng ý chịu chi từ 60 ngàn trở lên cho một ly trà sữa. Sự tận hưởng ở đây không chỉ đến từ chất lượng của ly trà, mà tổng hợp bởi rất nhiều yếu tố… phức tạp khác: từ thương hiệu, không gian “sang chảnh”, sự phục vụ tận tình, các dịch vụ kèm theo, các chương trình khuyến mãi - chăm sóc khách hàng,… Chính những yếu tố này mới mang đến sự hài lòng cho khách hàng mà những ly trà sữa chục ngàn ngoài vỉa hè không thể so sánh được, cũng là thứ khiến cho giá thành trở nên cao và… cách biệt như thế.
Tuy nhiên, uống trà sữa dần trở thành nét văn hóa mới của giới trẻ - khi nó không chỉ đơn thuần là uống một ly trà, mà còn kéo theo rất nhiều những câu chuyện. Người trẻ thay vì nói “Đi chơi không?”, bây giờ sẽ bảo: “Đi trà sữa nha!” thì đó nghĩa là đi gặp gỡ bạn bè để nói chuyện, giao lưu, chứ không ai đi một mình, để ngồi đong đếm xem: Liệu 60 ngàn có quá phí phạm cho một ly trà sữa? Ly trà sữa chỉ là… trà sữa thôi, nhưng những câu chuyện cùng bạn bè mới là điều giới trẻ thật quan tâm, mà dĩ nhiên, 60 ngàn ít khi nào khiến họ… chùn bước để được gặp bạn bè cả!
Không thể bác bỏ trà sữa có những tác hại đến sức khỏe và… túi tiền nếu uống quá nhiều, tuy nhiên sắp xếp, giải quyết được câu chuyện này thì trà sữa vẫn là món giải khát ưa thích. Nếu nhìn nhận trà sữa cũng như bao “món ăn tinh thần”, sở thích bình thường khác thì không có gì phải “lên án” hay công kích, vì mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Những góc nhìn khác nhau sẽ đưa ra những quan điểm cách biệt, và dưới ống kính của những bạn trẻ là “tín đồ trà sữa”, 60 ngàn cho một ly trà sữa vẫn… hoàn toàn xứng đáng.