Chắc sẽ không ai nghĩ rằng: 24 tuổi, là một giáo viên trẻ, con một trong gia đình, vừa có chồng một năm và dự định sẽ sinh con vào năm tới… Rồi cái đùng, một ngày nào đó, bạn nghe từ người khác nói: chỉ còn được sống 6 tháng.
Tâm trạng lúc đó sẽ thế nào? Hoảng loạn, đau khổ, điên cuồng, khóc lóc, sợ hãi, khát sống… Tôi cứ từng bước trải qua, đón nhận nó như một thử thách cần phải vượt qua.
Vâng! Tôi 24, và tôi ung thư.
Tôi đã từng dành cả thanh xuân để cố gắng xây dựng ước mơ cho cuộc đời mình. Năm cấp 3, lao đầu vào học như một cỗ máy, buổi sáng trên lớp, tối về lại ôn bài tại nhà. Lối sống 1-2h sáng dần trở thành thói quen.
Một thời gian dài từ cấp 3 lên Đại học, tôi vẫn giữ thói quen xấu xí đó. Và ngày càng tồi tệ hơn khi không còn thời gian nấu nướng, chăm sóc bản thân, tôi chịu tạm ăn hàng quán lề đường, bánh mỳ, mỳ tôm,… và có những ngày thâu đêm cùng bài vở, bạn bè. Đó là tâm lý chung của tất cả người trẻ chúng ta mà, phải không? Vì lúc đó, cuộc sống của chúng ta đang ở độ tuổi khoẻ mạnh nhất, tươi đẹp nhất. Ta mặc cho bên trong cơ thể diễn ra, nghĩ rằng mình vẫn sống trẻ và cần phải nhiệt huyết và sống hết mình.
Rồi khi ra trường, trở thành một giáo viên dạy tiếng Hàn như mong ước. Cuộc sống của tôi lại bị cuống vào vòng quay mới. Những ca dạy tối, về đến nhà lúc 9-10h tối, ăn vội vội vàng vàng rồi lại ngồi vào bàn máy tính làm việc. Nhiều đêm, tôi lên giường lúc 11h-12h giờ khuya với chiếc điện thoại khư khư bên cạnh. Bạn biết đấy, chúng ta còn quá nhiều mối quan hệ và trò vui từ chiếc smartphone. Có khi 2h-3h, sáng tôi vẫn còn thức cho những cuộc vui đó.
Bạn bè đông đúc, liên hoan, nhậu nhẹt, rượu bia liên tiếp,… chúng dễ dàng cuốn chúng ta đi. Rồi nào món Hàn quốc cay nóng, món thịt bò đỏ au được nướng trên than hồng, trà sữa… chẳng ai có thể khước từ. Ai lại suy nghĩ được rằng: trong lúc chúng ta đang từ từ nạp vào cơ thể những món ngon miệng, những giờ vui chơi hăng say như thế, toàn bộ cơ thể chúng ta lại cần được nghỉ ngơi. Hai lá gan cần thời gian 9-10 giờ đêm để đào thải chất độc ra ngoài. Vậy mà, chúng ta bắt nó hoạt động không ngừng nghỉ. Mãi cho đến ngừng hoạt đồng, chúng ta vỡ lẽ: cái chết đã cận kề.
Tôi 24, vừa có công việc ổn định, một cô giáo trẻ ngày ngày đứng trên bục giảng. Tôi 24, cưới chồng được một năm, vừa kết thúc tuần trăng mật ở Hàn Quốc, anh ấy là người tốt và yêu tôi hết mực. Tôi 24, gia đình hạnh phúc khi ba mẹ đều sống vui vẻ, bố mẹ chồng thương yêu. Tôi 24, và tôi ung thư.
“Tôi ung thư” chứ không phải “tôi bị ung thư”. Bởi lẽ, từ khi đón nhận cái bệnh án “tử thần” ấy, tôi đã chấp nhận sống chung, từng ngày chiến đấu và vượt qua.
Bẵng đi một thời gian dài lao đầu vào cuộc sống, tôi còn chẳng bận tâm đến sức khoẻ của mình. Cho đến cái ngày, 2 vợ chồng tôi rủ nhau đến viện để khám tổng quát định kỳ. Trong phòng bệnh, bác sĩ nói: Có nhiều khối u trong gan, chưa biết lành tính hay u ác?
Không một triệu chứng, đau ốm, hay thậm chí nốt mẩn đỏ trên da,… u gan đến bất thình lình. “Có triệu chứng thì đã ở giai đoạn cuối cùng, ai cũng sẽ chết.” - bác sĩ nhắc lại.
Tôi lo sợ. Sáng sau, tôi ghé bệnh viện K sớm. Bố mẹ tôi, bố mẹ chồng, chồng theo cùng. Trong phòng bệnh, bác sĩ đọc bản đồ phác hoạ và nói: “Có tổng cộng 8 khối u, khối lớn nhất đã như quả trứng gà, hết đường cứu chữa rồi, em chỉ còn 6 tháng nữa… để sống”.
Nghe chữ “6 tháng”, bố mẹ tôi, bố mẹ chồng, chồng, khóc. Một điều gì đó quá kinh khủng, ung thư đến nhanh và vội vàng. Cách đây một ngày, tôi vẫn con chạy nhảy tung tăng, vẫn còn nghĩ về bao tương lai phía trước, rồi vợ chồng tôi sẽ có con, chuyến du lịch năm sau như dự tính của cả hai. Vậy mà, trong tích tắc tan vỡ.
Tôi đã không còn giọt nước mắt nào để rơi nữa. Trơ trọ. Hoảng loạn. Lo sợ. Và liệu rằng: 6 tháng đó, tôi sẽ sống như thế nào?
Nếu u buồn, khóc lóc mà có thể khiến khối u thu nhỏ, tôi sẽ làm. Nhưng không thể.
3 tháng trước, tôi đọc qua chế độ dinh dưỡng trong một cuốn sách Mỹ, tôi đã cố duy trì cuộc sống bằng chế độ thực dưỡng, ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, nước lọc, một lối ăn uống lành mạnh. Nhưng mọi thứ thì đã quá muộn, khối u của tôi đã có từ nhiều tháng trước đó.
Cuối cùng, tôi chọn đối diện: 6 tháng thì sống đúng 6 tháng, sẽ cười thật tươi, lạc quan và yêu đời (trừ hôm sốt và bị làm các thủ thuật đau thì mình nằm bẹp thôi).
May mắn, tìm hiểu được liệu pháp mới bên Singapore về xạ trị, cả gia đình tôi như bấu víu đó làm liệu pháp cuối cùng của cuộc đời. Đến giờ là 10 ngày, tôi đã ở đây trong những dãy bệnh viện, các kết quả đo đạc đã được gửi qua Singapore để bắt đầu tìm phương hướng xạ trị chiếu trong chọn lọc (SIRT) thích hợp cho tôi. Tôi mong rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Đúng không?
Tôi sẽ lại bước vào một cuộc chiến đấu mới, có thể sẽ có những ngày dài đau đớn, sẽ chán ăn, ít nói chuyện, và gần như mệt mỏi vì thuốc chạy trong người. Nhưng bù lại, vào hôm khoẻ, tôi vẫn sẽ cười, sẽ nói chuyện với anh, hỏi han về bố mẹ, vẫn sẽ sống trọn vẹn ý nghĩa này. Và anh à, em vẫn sẽ giữ lời hứa với chúng ta: Tết này, sẽ cùng anh đi Maldives, tháng 3 sẽ là Hàn Quốc - nơi kỷ niệm tình yêu của chúng ta. Những chuyến đi đó có thể sẽ bị trì hoãn bởi sức khoẻ của em. Nhưng không sao cả, giờ thì cả hai cứ phải lên giây cót cho tất cả thời gian còn lại của chúng mình. Em thật may mắn, vì anh luôn ở cạnh tôi, cùng em bước đi và cùng em chiến đấu.
“Là người trẻ, chúng ta luôn sống trong cảm giác vĩnh cửu, điều có thể giúp đền bù lại mọi thứ. Cái chết, tuổi già, chúng là những từ không có ý nghĩa, một giấc mơ, một điều hư cấu, không liên quan gì tới ta” - triết gia William Hazlitt. Tôi đã đọc qua điều đó ở trong cuốn sách. Ngẫm nghĩ: tất cả chúng ta, những người trẻ sẽ chẳng bao giờ đoái hoài đến sự chết. Mãi cho đến khi nó đến bên cạnh chúng ta, gõ cửa ta, và gọi tên. Như tôi chẳng hạn.
Hãy nghĩ về nó, và yêu thương bản thân mình nhiều hơn nhé!
Trên đây là những chia sẻ của cô giáo Lê Thị Bảo Yến (24 tuổi) là giáo viên tiếng Hàn, sinh sống tại Hà Nội. Hiện, Yến đang mắc căn bệnh ung thư gan giai đoạn 3.
Khoảng 10 ngày trước, trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát, Bảo Yến bất ngờ phát hiện mình bị ung thư gan. Sau khoảnh khắc bàng hoàng, sửng sốt, Yến nhanh chóng lấy lại tinh thần để đối diện và chống chọi với bệnh tật. Cô quyết định chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của bản thân để mọi người đặc biệt là người trẻ ngẫm nghĩ và biết yêu thương bản thân mình nhiều hơn.