Thi đại học, tụi mình có áp lực, có mệt mỏi. Nhưng có bao giờ tụi mình nghĩ rằng bố mẹ cũng có những áp lực, mệt mỏi, chỉ khác là tất cả đều được gói ghém qua câu nói mỗi ngày: “Cố lên con! Còn mấy ngày nữa thôi”.
Những ngày tụi mình học bài đến sáng, bố mẹ cũng chẳng thể được một giây ngon giấc. Bạn có nhớ ly sữa nóng hổi mà mẹ đặt trên bàn học lúc nửa đêm hay chiếc chăn đã được bố đắp cho khi bạn ngủ quên trên bàn học lúc nào không hay?
Thi đại học mệt mỏi lắm! Có những ngày bạn ăn chẳng thấy ngon miệng nữa, hoặc quên cả bữa ăn. Lúc đó, bố mẹ sẽ là người nhắc nhở mà theo bạn là một lẽ tự nhiên: “Mày ăn đủ vào để có sức học, sức thi nhé!”. Nhưng bạn có bao giờ để ý rằng khuôn mặt mẹ dạo này cũng đã gầy gò đi…
Nhiều lúc cũng để ý, tụi mình quay lại nhìn mẹ vừa tan làm lại phải “nhốt” mình trong bếp nấu nướng, cả người nhễ nhại mồ hôi. Bao nhiêu việc nhà, việc bếp ngày thường giúp mẹ, mấy ngày thi cử mẹ lại cứ giành lại hết, chẳng cho đụng vào thứ gì.
Có ai còn nhớ những ngày bố mẹ tất tả ngược xuôi đưa đón tụi mình mình đi luyện thi, đi học mặc dù còn bận trăm công ngàn việc không không? Còn với bạn T., bạn chia sẻ rằng bản thân rất nhớ những lúc bố chở đi học. “Ngày nào mình cũng phải học thêm từ sáng tới tối nên trước khi thi 1,2 tuần là khoảng thời gian áp lực nhất với mình. Thế nhưng, thay vì tự đi học như bình thường, bố mình đã kiên quyết chở mình đi học, không cho mình tự đi như mọi lần. Dù khoảng cách từ nhà đến địa điểm học khá là xa, thời tiết nắng mưa thất thường, bố vẫn không quản khó khăn để chở mình đi, đón mình về”.
Cũng có những khi ngồi học mấy môn học thuộc mà chẳng ai trả bài giúp, mẹ lại là “người xung phong” để hỗ trợ. Bạn A. kể rằng: “Khi ôn thi, mẹ lúc nào cùng học bài với mình, dò bài cho mình. Có hôm trước khi thi, mẹ cũng ngồi ôn lại cùng mình mấy môn xã hội rồi hai mẹ con ngủ quên lúc nào không biết. May mà có đặt báo thức dậy kịp để đi thi”.
Dù bố phải thức thật khuya và dậy thật sớm để hoàn thành công việc mỗi ngày, dù mẹ hằng ngày phải che nắng thật kĩ khi ra đường, ấy vậy mà sáng ngày đi thi, bố đã gác lại mọi công việc để đưa tụi mình đến phòng thi kịp giờ trên chiếc xe máy cũ, mẹ đã ngồi chờ hàng giờ trước cổng dù thời tiết Sài Gòn oi bức, nắng noi đến khó chịu.
Vài tiếng trong phòng thi, chắc hẳn các sĩ tử đều phải tập trung cao độ, lo lắng và cố gắng hoàn thành bài một cách xuất sắc vì đây là một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Chính vì thế, ở bên ngoài mỗi điểm thi, cho dù cách thức thi có thay đổi ra sao thì hình ảnh những bậc phụ huynh sốt sắng chờ đợi bên ngoài vẫn không hề thay đổi.
Không chỉ những ông bố bà mẹ lo lắng cho con của họ đang chiến đấu trong phòng thi mà đến cả những người ông cũng hồi hộp ngồi chờ đợi cháu của mình. Trước cổng điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tôi bắt gặp một người ông đang ngồi đợi cháu. Lân la lại hỏi chuyện, tôi mới được biết ông đã ngoài 80 tuổi và có tận 9 người cháu. Điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nằm trong khu vực quận 3, cũng là khu vực mà gia đình ông sinh sống;. Tuy vậy, ông vẫn cứ muốn ngồi ở đây đợi cháu thi xong để ông đón về nhà.
Ông có thói quen muốn được tự mình chở những đứa cháu đi học, đưa đón tới trường, đưa đón đi thi. Ông vừa cười vừa bảo: “Tôi chở chúng nó quen rồi. Đứa nào tôi cũng chở, cần là tôi chở. Đứa nhỏ nhất mới học mẫu giáo. Tôi mà được chở nó đi thi đại học như vậy thì quá ngon rồi”. Trong ba ngày thi, ông là người đồng hành cùng cháu mình với quãng đường ngắn ngủi chỉ từ nhà tới điểm thi nhưng với ông đó là một cách tiếp sức tuyệt vời nhất để đứa cháu bé bỏng của mình thi tốt hơn.
Cũng tại điểm thi này, chúng tôi nghe được cuộc nói chuyện của hai người cha chở con đi thi và cũng đứng đợi bên ngoài để đón con về. Cuộc nói chuyện ấy ngắn ngủi thôi, cũng chẳng có gì đặc biệt nhưng sao nghe vẫn quá đỗi thân thương: “7h30 thi nhưng 6h30 tập trung rồi. Chắc phải chở đi sớm hơn nữa ý chứ. Đi sớm để nó bình tĩnh, tự tin hơn thôi, còn mình thì vẫn ngồi ngoài đợi. Nó ra thì chở nó về!”
Hãy luôn nhớ rằng, tụi mình không phải là người duy nhất chạy đua với thời gian. Tụi mình vẫn còn 2 người bạn đồng hành đang đứng ngồi không yên, chờ đợi trước cổng trường. Tôi chạy ngang những điểm thi trong ngày đầu tiên của kì thi THPT Quốc gia 2017 mà lòng lại mang một cảm giác khó tả. Nhìn lại mà thấy thương quá, một tình thương không viết nỗi thành lời.
Sau khi kỳ thi kết thúc, tụi mình thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng thì 12 năm cũng qua. Lúc này, khi con đang vui chơi cùng đám bạn hay yên giấc, bố mẹ vẫn là những người lo lắng, đếm ngược thời gian đến ngày có kết quả. Một phần vì bố mẹ lo lắng kết quả thi của tụi mình, một phần lại không muốn làm con áp lực hoặc “sốc”, buồn bã sau khi thi, phần khác lại tập trung bồi bổ cho con để “nó mập ra chứ thi xong thấy gầy gò như con cò”.
Cách đây 2 năm, khi tôi hoàn tất kì thi đại học, mẹ tôi học trên mạng mấy món mới để nấu, ép tôi ăn với lý do để “lấy lại sức khỏe sau thi”. Nhìn mẹ, tôi vừa vui vừa thương.
Tôi còn nhớ trước khi có điểm thi, mẹ là người bồn chồn nhất. Vài tiếng trước khi công bố điểm, mẹ ăn không ngon ngủ không yên, mình còn phải nói “bình tĩnh mẹ ơi”. Đến khi có kết quả và biết tôi đậu, mẹ vui sướng hơn cả tôi, còn gào lên vui sướng nữa chứ! “Đã thế còn gọi bố mình đang đi làm phải về ngay để “chung vui”” - Bạn B. nhớ lại.
“Thi đại học” - một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người với những áp lực khủng khiếp đè nặng lên vai. Có thể ví kì thi này như một chiếc vé bước lên chuyến tàu của hành trình khám phá bản thân. Chính vì thế, những tháng ngày sống với bài vở qua chính là cơ hội để chúng ta có thể đạt được chiếc vé tốt nhất cho chính mình. Nhưng dù hành trình đó có “trải đầy hoa hồng” hay “chi chít gai nhọn”, chỉ cần một lần quay lại, chúng ta vẫn còn đó những người đồng hành cùng ta, không chỉ trong kì thi Đại học cam go mà còn là cả chặng đường đời phía trước.