Mới đây, chỉ với một tấm ảnh và một dòng nhắc nhở hết sức “bá đạo” của mình dành cho sinh viên, mà thầy giáo Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1986) đã trở thành tâm điểm của cư dân mạng. Cụ thể, khi đang tham gia giảng dạy tại một lớp học thuộc khoa Môi trường và Công nghệ Hoá, ĐH Duy Tân Đà Nẵng, thầy đã thấy nhiều sinh viên lén nhắn tin bên dưới. Thế là thầy đã chiếu một dòng tin nhắn rất thú vị trên máy chiếu của mình với nội dung: ”Các bạn thân mến, tôi biết các bạn thường xuyên nhắn tin trong lớp. Nghiêm túc mà nói, chẳng ai nhìn xuống bẹn mình mà cười cả”
Sự tế nhị nhưng không kém phần nghiêm khắc trong lời cảnh báo của mình đã khiến cư dân mạng thích thú. Và bức ảnh đã nhận được hàng nghìn lượt share của cư dân mạng. Rất nhanh chóng, chúng tôi đã liên hệ với thầy giáo để hỏi nhiều hơn về câu chuyện thú vị này.
Chào thầy. Thầy có thể cho biết cảm giác bây giờ của thầy sau khi “bỗng dưng nổi tiếng” trên mạng xã hội?
Chào bạn. Sự việc hôm qua tới giờ xảy ra, mình thấy khá thú vị. Thật ra tấm ảnh đó được chụp từ năm ngoái rồi, nhưng không hiểu sao hôm nay lại bị “đào mộ”. Mình có xem hết các bình luận và phản ứng của cư dân mạng. Mình thấy khá vui, một phần cũng bởi cư dân mạng không có bình luận khiếm nhã nào.
Thầy có thể kể lại sự viêc đã xảy ra trong lớp học hôm đó được không?
Hôm đó mình đang tham gia giảng dạy tại một lớp CDIO - lớp học theo phương pháp khá mới ở Việt Nam, thuộc khoa Môi trường và Công nghệ Hóa, ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Khi sinh viên được yêu cầu thảo luận với nhau, các bạn lại không tập trung, khá nhiều bạn chat chit hay lướt FB, Zalo, … Mình bất ngờ yêu cầu mọi người nhìn lên bảng và trình diễn slide trên máy chiếu. Các bạn ấy nhìn lên thấy và cười rúc rích, nhưng sau khi nghe được giải thích của thầy kèm thái độ nghiêm túc, mọi người đã cùng nhau làm việc rất hiệu quả.
Thầy nghĩ thế nào về quy định cấm sinh viên, học sinh dùng điện thoại trong giờ học?
Có lẽ vì mình là người đi làm lâu và khá từng trải rồi, nên khi đi dạy cũng có quan điểm khá thoáng. Thực tế, mình chỉ cấm sinh viên sử dụng điện thoại trong khi thi cử chứ không hề cấm khi đi học.
Tuy nhiên, sử dụng như thế nào mới là vấn đề. Thầy cô nào cũng bắt tắt chuông điện thoại, không được nghe điện thoại hay chat chit trong giờ học. Trong khi đó, điện thoại lại là phương tiện liên lạc, cũng là thiết bị đa phương tiện nên có rất nhiều tính năng. Đặc biệt là với phương pháp đào tạo CDIO (theo dự án) khá mới này, mình không cấm hoàn toàn, vì sinh viên phải sử dụng điện thoại để chụp hình, quay phim lại quá trình thực hiện dự án hay khi trình bày, bảo vệ ý tưởng….
Đối với mình, việc sử dụng thành thạo thiết bị đa phương tiện để tìm kiếm dữ liệu, tổng hợp thông tin; làm việc nhóm là yêu cầu cần thiết. Trong quá trình dạy, mình có một số bài tập phải sử dụng tìm kiếm thông tin thì mới hoàn thành được.
Thầy có thể nói rõ hơn về ngành học thầy đang dạy, và phương pháp dạy CDIO cho mọi người hiểu được không ạ?
Mình dạy ngành Môi trường. Mục tiêu cơ bản là đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư tương lai có năng lực, có đạo đức và có thể tự sống bằng nghề của mìnnh. Về phương pháp CDIO thì Trường Đại học Duy Tân đã mạnh dạn áp dụng qua việc học hỏi từ Mỹ.
Bởi thực trạng ngày nay, như bạn thấy đó, nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường mà ôm cả “bụng” lý thuyết nhưng không biết gì về thực tiễn. Mình hay gọi là ”gà công nghiệp”.
Phương pháp dạy theo dự án này là để sinh viên áp dụng kiến thức đã học, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ như thiết kế một hệ thống lọc nước rẻ tiền cho người dân nông thôn.
Khi dạy học, chắc chắn thầy sẽ gặp nhiều trường học sinh viên phản kháng hoặc không nghe lời mình. Ngoài cách giải quyết ”bá đạo” như trong ảnh, thầy còn cách nào khác không?
Sinh viên miền Trung nói chung và trường mình nói riêng cơ bản là rất ngoan. Mình chưa gặp trường hợp nào phản kháng gay gắt. Nhưng phải biết một nguyên tắc: đây là cái tuổi nhỏ không phải là nhỏ, lớn cũng chưa lớn hẳn, nên chuyện gì cũng phải bình tĩnh giải quyết. Mình là người từng trải rồi mới chuyển qua đi dạy, nên chưa bao giờ nói hay làm gì để các bạn ấy phải phản ứng dữ dội.
Theo thầy, cương hay nhu sẽ có kết quả hơn trong việc ”trị” sinh viên bất trị?
Cương với nhu phải kết hợp đúng tình huống. Và nếu hài hước một chút thì mọi tình huống nó dễ xử lý hơn hẳn.
Và có bao giờ thầy lo sợ rằng nếu mình vui vẻ, hài hước với sinh viên quá thì họ sẽ ”leo đầu” mình ngồi không?
Xưa mới đi dạy mình cũng nghĩ vậy! Nhưng thực ra là không. Sinh viên đi học lớp mình khá là đầy đủ và nghiêm túc. Mình không nhồi quá nhiều kiến thức mà dạy những điểm chính, đồng thời “dạy cách học” để sau này các bạn ấy ra trường có thể tự chèo chống.
Có học sinh sinh viên nào chống đối/ cá biệt… mà thầy nhớ nhất không?
Hình như chưa.
Ví dụ, nếu sau khi thầy đăng dòng nhắn nhủ đó rồi mà sinh viên bên dưới vẫn mất trật tự, mải mê nhắn tin… thì thầy sẽ làm gì tiếp theo?
Thực tế như bạn biết, sinh viên sau đó đã rất tập trung vô bài giảng. Còn trong trường hợp ngược lại, chắc mình sẽ dành chút thời gian nói những chuyện bên lề với sinh viên, hoặc giảng bài nhưng với thái độ hài hước một xíu.
Được biết, ngoài giờ dạy học, thầy còn… bán hàng online cùng vợ. Liệu có phải thu nhập từ nghề giáo không đủ để trang trải cuộc sống?
Thu nhập nghề giáo dạy Đại học thì cơ bản là sống được (cười). Mình mới chuyển vào Đà Nẵng sống, lập nghiệp lại, đổi nghề… nên gắng cày để nhanh trả vốn vay xây nhà. Rồi còn tính tiếp nhiều dự định như học lên Tiến sĩ, sinh thêm đứa thứ 2… Cũng tại cái làm thêm nghề ship đồ cho vợ mà nhiều sinh viên gọi mình là “ông thầy chả bò”, “ông thầy gân bò” (cười)
Nhiều khách hàng của mình là sinh viên (mình luôn freeship cho sinh viên)… Nhiều bạn sinh viên rất cá tính, hoặc con nhà có điều kiện không thích đi học.. sau khi thấy thầy giáo vất vả kiếm thêm, cũng thay đổi quan điểm trở nên tôn trọng và quý mến mình hơn, chịu nghe sự tư vấn, chỉ bảo của thầy.
Xin cảm ơn thầy về buổi nói chuyện này. Chúc thầy luôn thành công với con đường mình chọn.