Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
School zone

Sinh viên và nỗi 'ám ảnh' mang tên… tiếng Anh

Nhìn lại 4 năm ròng lãng phí trên giảng đường, nhiều cựu sinh viên cảm thấy hối tiếc đã không chú trọng đầu tư việc học tiếng Anh sớm hơn.

Ra trường trễ hạn vì chưa có bằng tiếng Anh

Từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường Đại học, các bạn sinh viên đã được đại diện khoa thông báo về việc chuẩn bị các chứng chỉ chuẩn đầu ra cho ngày xét tốt nghiệp. Trong đó, chứng chỉ tiếng Anh là chứng chỉ quan trọng và bắt buộc phải có. Đáng tiếc, sau 4 năm dài đằng đẵng, rất nhiều bạn sinh viên vẫn “mờ mịt” về ngày ra trường chỉ vì chưa có bằng tiếng Anh.

Ở bậc Đại học, sinh viên phải làm quen với phương pháp tự học là chủ yếu, không có chuyện giảng viên “cầm tay chỉ việc” như thời phổ thông. Chính sự khác biệt này khiến nhiều bạn chưa kịp thích nghi dễ hụt hẫng và lo sợ trước những yêu cầu về đầu ra tiếng Anh của trường.

Nhật Luyến, sinh viên năm 4 (ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: “Nếu ở thời phổ thông thì chăm chú học từ vựng, ngữ pháp thì ở Đại học đòi hỏi sinh viên phải đáp ứng tốt 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết. Vì thế, kiến thức nền tảng ở phổ thông dù tốt thì bản thân vẫn cảm thấy rất khó khăn để kịp thích ứng”.

Phương pháp giảng dạy tiếng Anh hiệu quả hiện nay chính là chú trọng các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết

Chất lượng đào tạo và giảng dạy tiếng Anh ở nhiều trường Đại học cũng là vấn đề đáng lo ngại khi việc giảng dạy chỉ mang tính hình thức, rất thụ động và nhàm chán, không tạo được hứng thú cho sinh viên.

Hữu Quyền, sinh viên năm cuối ĐH trên địa bàn TP.HCM cho biết: “Chất lượng đào tạo tiếng anh ở trung tâm ngoại ngữ của trường chưa được chú trọng. Nhiều thầy cô còn trẻ, ít kinh nghiệm giảng dạy, một số thầy cô đến dạy chỉ muốn hết giờ rồi về. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoàn thành tiếng Anh của mình. Mình phải rất vất vả mới có thể lấy được bằng tiếng Anh để ra trường”.

Bên cạnh đó, không ít sinh viên đã có tâm lý chủ quan vì cho rằng có tận 4 năm để học và thi lấy chứng chỉ, vì thế ai cũng chờ “nước tới chân mới nhảy”. Nhiều trường hợp đăng ký học nhưng chỉ khi nào đi thi thì mới thấy xuất hiện. Những bạn sinh viên này thường đi thi với tâm thế “rớt thì thi lại”, thi trượt vài ba lần dường như là chuyện không còn xa lạ nữa.

Bỏ lỡ nhiều cơ hội cũng vì tiếng Anh

Hiện nay, rất nhiều sinh viên năm cuối đi làm trong tình trạng chưa có bằng tốt nghiệp dù đã hoàn thành chương trình học đủ số tín chỉ, đủ các môn học nhưng lại vướng chứng chỉ tiếng anh. Các đơn vị tuyển dụng hầu như không thể ký hợp đồng chính thức đối với những người chưa có bằng cấp.

Trong thời đại hội nhập như hiện nay thì tiếng Anh ngày càng trở nên quan trọng, nó được xem như chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công và đảm bảo thuận tiện hơn trong công việc. Trong khi đó, các bạn sinh viên hiện nay đa phần đều tập trung vào kiến thức chuyên ngành mà quên mất rằng dù tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc nhưng thiếu bằng tiếng Anh thì con đường thăng tiến bị hạn chế.

Từng vất vả một thời gian đi xin việc sau khi ra trường, Phan Tú, cựu sinh viên khoa Báo chí và truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết: “ Vừa tốt nghiệp, mình cũng chạy vạy khắp nơi gửi hồ sơ xin việc nhưng đều trượt ở vòng phỏng vấn chỉ vì khả năng tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu công việc. Bây giờ, mình cũng xin được một công việc gọi là “tạm ổn”. Ban ngày mình đi làm, tranh thủ thời gian buổi tối, đăng ký học tiếng anh tại trung tâm 2 buổi/tuần để rèn thêm kỹ năng giao tiếp. Mình nhận thấy khi đi làm người ta rất chú trọng tiếng Anh thực hành. Trong khi đó, mình chỉ có vốn từ vựng và chút ngữ pháp căn bản mà thiếu mất các kỹ năng thực tế”.

Thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện cùng người nước ngoài là cơ hội để nâng cao vốn tiếng Anh thực tế nhất

Cần thay đổi phương pháp, tư duy dạy và học

Từ lâu nay, phương pháp dạy tiếng Anh truyền thống của Việt Nam quá nhấn mạnh đến dạy văn phạm và chỉ quan trọng điểm số. Trong khi đó, kỹ năng nghe, nói là những kỹ năng cơ bản khi học một ngôn ngữ.

Trao đổi vấn đề này với Thạc sĩ Trần Thị Mỵ, Giảng viên tiếng Anh chuyên ngành khoa Xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM cho hay: “Khi học tập và làm việc với sinh viên các nước, tôi nhận ra nhiều sinh viên Việt Nam rất giỏi văn phạm. Tuy nhiên, các kỹ năng nghe, nói, đọc viết thì các bạn lại ngọng nghịu như một học sinh mẫu giáo. Lỗi này thuộc về phương pháp dạy truyền thống mà bấy lâu chúng ta vẫn áp dụng”.

“Tôi vẫn vừa đùa vừa thật, vừa thách thức với các sinh viên của mình rằng: “Người Việt Nam chúng ta học Tiếng Anh để lấy điểm chứ không phải để sử dụng!. Nếu các bạn chỉ muốn điểm số mà không cần áp dụng thực tế thì các bạn cứ theo phương pháp cũ, còn nếu muốn tiến bộ, các bạn phải thay đổi”.

Đáng tiếc, hiện nay còn khá nhiều sinh viên học tiếng Anh chỉ vì áp lực bằng cấp. Khi các bạn lo sợ và luôn thốt ra từ cửa miệng cụm từ “tôi dốt tiếng Anh” hay “tôi mất căn bản môn tiếng Anh”… thì các bạn đã đặt sẵn cho mình những rào cản để cải thiện vốn ngoại ngữ của mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất