Jonathan Bryan 10 tuổi, đến từ Chippenham, vương quốc Anh đã không may bị bại não sau một vụ tai nạn từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Vậy mà giờ đây cậu đã trở thành một tấm gương phi thường không chỉ đối với những đứa trẻ và gia đình có trẻ bị bại não mà còn là nguồn cảm hứng sống tích cực cho mọi người.
Trong suốt bảy năm đầu tiên của cuộc đời, Jonathan Bryan không thể nói chuyện hay di chuyển. Cậu bị mắc kẹt trong chính cơ thể của mình. Cách duy nhất mà cậu có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài là chớp mắt, nở một nụ cười kỳ lạ hay đôi lúc giật nhẹ cánh tay.
Vào tháng 1 năm 2006, bà Chantal đã gặp một tai nạn xe hơi khủng khiếp trong khi đang mang thai. Sự việc thảm khốc ấy đã khiến cho em bé trong thai bị thiếu oxy và không bao giờ còn có thể phát triển bình thường được nữa.
Mẹ của Jonathan được đưa vào mổ khẩn cấp. Sau đó họ đưa cậu bé vào bệnh viện nhi Bristol Children’s để kiểm tra sức khỏe. Khi nhìn vào kết quả chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ đã chẩn đoán Jonathan bị bại não.
Bác sĩ khuyên cha mẹ cậu đừng cố gắng chạy chữa cho cậu nữa. Họ nói rằng bởi vì Jonathan sẽ không bao giờ có thể đi lại, di chuyển, cười nói hoặc thậm chí nhận ra mọi người xung quanh.
Nhưng khi nhìn đứa con ngây thơ tội nghiệp đang nằm bất lực trong nôi, với ánh mắt như van xin, thì cha mẹ cậu đã quyết tâm giành cho con sự sống và cơ hội để trưởng thành.
Jonathan đã từng phải lọc máu thường xuyên trước khi trải qua phẫu thuật ghép thận vào năm ba tuổi. Sau ca cấy ghép, cậu lại bị nhiễm trùng nặng làm cho phổi bị tổn thương nghiêm trọng.
Các bác sĩ đã nói rằng cậu có thể sẽ chết trong vòng sáu giờ sau. Vậy mà cậu bé nhỏ xíu với trái tim của sư tử, lại một lần nữa mạnh mẽ vượt qua lưỡi hái của Tử Thần. Nhưng từ đó trở đi, cậu vĩnh viễn phải đeo ống thở oxy cho đến cuối đời.
Cha cậu là Christopher chia sẻ: “Chúng tôi đã sống trong tâm trạng như chỉ mành treo chuông trong suốt mười năm. Mạng sống của Jonathan quá mong manh.”
Jonathan đã từng được gửi vào một trường học đặc biệt dành cho trẻ bại não. Nhưng không lâu sau, thầy giáo đã từ chối dạy cậu bé với lý do: trí não cậu luôn lơ đễnh chứ không thể tập trung vào việc học giao tiếp cùng thầy.
Tuy vậy, cha mẹ cậu lại nghĩ khác. Họ tin rằng đằng sau đôi mắt sáng của Jonathan, chắc chắn cậu bé vẫn có sự nhận biết và trí thông minh của riêng mình. Sau hai năm kiên trì dạy con học, bà Chantal đã tìm ra cách để giao tiếp với Jonathan. Đó cũng là lần đầu tiên cậu bé được giải thoát khỏi nỗi đau câm lặng từ lúc chào đời.
Bước đột phá đáng kinh ngạc ấy đã bước đầu chứng minh rằng: dù vĩnh viễn phải ngồi xe lăn, nhưng Jonathan vẫn có một trí não đầy đủ nhận thức và có khả năng tư duy phức tạp.
Khi Jonathan bảy tuổi, bà Chantal đã bắt đầu dạy cậu học chữ, ngữ âm và tính toán trong một giờ đồng hồ mỗi ngày vào các buổi sáng. Khi lên chín tuổi, bà dạy cậu đánh vần bằng cách sử dụng một bảng chính tả Perspex có chứa các chữ cái được đặc trưng bằng các màu sắc khác nhau.
Bảng đánh vần đầu tiên của Jonathan rất đơn giản. Cậu bé sẽ phải di chuyển ánh mắt để nhìn vào một phần cụ thể trong bảng chữ cái - tỉ mỉ chọn ra từng từ trong hơn 100 từ mà bà Chantal đã cẩn thận in ra và đánh dấu bằng các màu sắc.
Lúc đầu, tốc độ học của Jonathan rất chậm. Sau hai tuần, bà Chantal bắt đầu nghi ngờ về khả năng nắm bắt thông tin của cậu. Nhưng bà không bỏ cuộc, bà thay đổi cách học sao cho thú vị hơn. Cuối cùng, những nỗ lực của bà đã được đền đáp. Chỉ trong vài tuần, Jonathan có thể đánh vần trọn vẹn từng từ. Đến bây giờ Jonathan có thể đánh vần bất cứ từ nào cậu muốn.
Nhưng điều ngạc nhiên nhất đã xảy ra khi Jonathan và mẹ của cậu bé tập viết một câu chuyện về cướp biển. Cậu đã tự mình đánh vần chữ “myriad” (vô số) trước sự kinh ngạc của bố mẹ, vì bà Chantal chưa hề dạy cho cậu từ này.
Mẹ cậu bé chia sẻ: “Khoảnh khắc đó thật tuyệt vời. Điều đó chứng tỏ nó đã tự tìm được tiếng nói riêng, nó có thể hiểu bất cứ điều gì tôi nói. Tuy muốn hỏi con rất nhiều điều, nhưng vợ chồng tôi vẫn phải thận trọng để giúp con có thể phát triển tốt nhất.”
“Tôi hỏi con không thích điều gì. Nó trả lời là không thích rửa mặt. Thật hạnh phúc biết bao khi có thể trò chuyện và thấu hiểu một người mà mình vô cùng thương yêu.”
Jonathan bắt đầu theo học ở trường tiểu học Stanton St Quintin từ tháng Chín năm 2015. Cậu đi học cùng với các bạn học sinh bình thường, được bạn bè yêu quý và đối xử với bình đẳng. Cậu rất hay pha trò trong lớp. Cậu học rất giỏi Toán và còn là một trong năm học sinh ưu tú của năm. Gần đây cậu đã có thể trả lời những câu hỏi toán học nhanh hơn so với các bạn 14 tuổi. Vào tháng chín năm sau, cậu sẽ tiếp thục theo học ở một trường trung học địa phương.
Cậu bé rất thích chơi Lego và còn hướng dẫn cho nhân viên chăm sóc cậu cách xếp chúng. Khi được hỏi rằng cậu muốn làm gì khi lớn lên, Jonathan hồn nhiên trả lời: “Cháu sẽ sớm trở về khu vườn của Chúa.”
Bà Chantal giải thích rằng do cậu bé đã nhiều lần phải trải qua những tình huống đứng bên bờ vực của cái chết. Đến khi có thể giao tiếp, cậu đã kể cho mẹ nghe về những trải nghiệm cận tử của mình. Trong đó có việc cậu đã được “đến thăm khu vườn của Chúa Giêsu”. Ở nơi đó cậu có thể chạy nhảy, có thể nói chuyện và còn biết trèo cây.
Cậu bé mười tuổi Jonathan giờ đây là một đứa trẻ hạnh phúc với tính cách hài hước và nghị lực phi thường. Mơ ước của Jonathan là giúp đỡ tất cả những đứa trẻ bị bại não như mình học cách để giao tiếp. Được biết số trẻ bị bại não ở nước Anh hiện nay là khoảng 30.000 trẻ
Jonathan đã viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan đề nghị rằng mọi trẻ em bị khuyết tật ngôn ngữ và giao tiếp được quyền học đọc và viết. Cậu còn viể một đơn thỉnh nguyện cho những trẻ em bại não sẽ được đối xử và phân loại giống như người bị đa khuyết tật (Profound and Multiple Access to Learning Disabilities).
Khi được hỏi về tương lai, bà Chantal đã nói: “Tương lai chỉ là một ngày nào đó chứ không có gì quan trọng.
Jonathan là một tấm gương nghị lực phi thường, đã làm lan tỏa khát vọng sống có ý nghĩa không chỉ cho bản thân mà còn cho tất cả mọi người xung quanh. Cậu đã lấy mình làm thân chứng, giúp mọi người thấy rằng: Đừng dán nhãn cho trẻ em để giới hạn khả năng của chúng. Đừng lấy bất kỳ lý do nào để biện minh cho việc không cố gắng nuôi dạy trẻ.