Từng trải qua những tổn thương trong quá khứ, song nghệ sĩ (NS) Thanh Hằng đã đứng lên để bắt đầu một cuộc sống mới, đi lên từ vết thương lòng do bạo hành gia đình. Ở độ tuổi ngoài 60, NS Thanh Hằng vẫn hăng hái hoạt động nghệ thuật, "cháy" hết mình trên khắp các sân khấu từ lớn đến nhỏ và dành quãng thời gian quý báu cho gia đình, người thân.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, NS Thanh Hằng đã có những trải lòng với SAOstar về những vết thương lòng, vấn nạn bạo hành lẫn những niềm vui nho nhỏ ở cuộc sống hiện tại.
- Là một người phụ nữ từng trải, cảm xúc của NS Thanh Hằng chắc hẳn cũng rất đặc biệt về ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 phải không?
Về ngày này tôi có nhiều kỉ niệm đẹp vì tôi được chung vui cùng những người phụ nữ khác trên thế giới chứ không riêng gì cá nhân tôi. Ngày 8/3 là ngày vui của toàn thể chị em phụ nữ - một nửa quan trọng của thế giới. Vậy nên các chị em phụ nữ hạnh phúc, bình an là tôi cũng "vui lây" rồi.
- Thế thì chắc hẳn chị cũng có những kỷ niệm đặc biệt trong ngày 8/3?
Tôi không có quá nhiều niệm đặc biết trong ngày 8/3 bởi đối với tôi, ngày nào cũng là ngày 8/3, ngày nào cũng vui và chị em phụ nữ xứng đáng được tôn vinh, suốt 365 ngày chứ không riêng gì một ngày. Chỉ có trong ngày 8/3, tôi được đi hát cho các hội phụ nữ, được cùng họ đón những điều đặc biệt trong ngày này.
- Các chị em trong gia đình của chị như Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Như Quỳnh có hay tụ họp trong ngày 8/3 không?
Ngày 8/3 là ngày chị em tủa nhau đi chúc mừng cho những phụ nữ khác, do các chị em đều làm nghệ thuật nên trong ngày này, mỗi người lại ở một hướng chứ ít khi này nên chị em mỗi đứa một hướng chứ không tụ lại một nơi. Có một kỷ niệm vui mà tôi nhớ trong ngày 8/3 chính là năm tôi từ Úc về , các chị em Thanh Ngọc, Thanh Ngân,... ra phi trường đón tôi, sau đó mấy chị em đưa nhau vào quán "tay bắt mặt mừng" với nhau. Tôi vui và hạnh phúc sau thời gian rời Việt Nam lại được sum họp với gia đình trong đúng dịp đặc biệt.
- Vậy còn kỷ niệm với mẹ thì sao thưa chị?
Tôi được ở gần mẹ, thế nên ngày nào cũng là 8/3 cả. Ngày xưa khi mẹ còn trẻ, tôi không thể nào quên việc tặng quà cho mẹ, dù bận cách mấy, song 8/3 tôi luôn nấu một món ăn cho mẹ, mẹ tôi cũng rất vui vì điều đó. Mấy chị em cũng ráng về thăm mẹ trong dịp này, dù ở đang bận bịu với công việc hay có riêng cho gia đình nhỏ thì không bao giờ quên ngày này.
- Có lẽ sau những sóng gió trong cuộc sống, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là vẫn còn được ở bên mẹ, nhìn thấy người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời của mình mỉm cười đúng không?
Đúng là như vậy, tôi cảm thấy may mắn vì được chứng kiên mẹ vui cười mỗi ngày. Có những bài hát về mẹ tôi thu ngày xưa, khán giả đầu tiên thưởng thức những bài hát ấy lúc nào cũng là mẹ. Mẹ ngồi đó nghe tôi hát, chỗ nào chưa đủ tình cảm hay thiếu luyến láy mẹ đều chỉ. Ngay đến tuổi bây giờ, khi tôi đã qua ngưỡng 60, mẹ tôi 79 tuổi rồi nhưng vẫn ngồi chỉ cho tôi từng chút từng chút một.
- Là người từng trải qua những khoảng thời gian u ám do bạo hành gia đình, chị suy nghĩ gì về vấn đề này?
Vấn đề này là nỗi đau nhức nhối trong xã hội hiện nay, tôi nghĩ thời điểm nào cũng có bạo lực gia đình cả nhưng thời xưa, người phụ nữ thường cam chịu nhiều hơn. Ở thời điểm bây giờ mọi thứ dần trở nên tân tiến, hiện đại hơn, có sự can thiệp của nhiều người nên điều này dần được hạn chế.
- Theo chị đâu là lý do dẫn đến vấn nạn bạo hành gia đình?
Tôi nghĩ là do hoàn cảnh lẫn cách sống. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn thấy người phụ nữ ở mọi giai đoạn đều chịu thương chịu khó, thế nên những ngày tôn vinh người phụ nữ như 8/3 là rất xứng đáng. Dù cho người phụ nữ không ra ngoài làm những công việc lớn thì trong gia đình, họ cũng là người đảm đang, cân bằng mọi thứ. Người đàn ông có thể chỉ ra ngoài kiếm kinh tế về cho gia đình, còn người phụ nữ ở nhà phải lo rất nhiều việc, từ cơm nước, giặt giũ,... cho đến chăm sóc các thành viên. Tôi mong rằng mọi người sẽ càng cảm thông, yêu thương người phụ nữ nhiều hơn, xin đừng dùng bạo lực gia đình lên người phụ nữ bởi dù gì đi chăng nữa thì họ cũng là những con người bằng xương bằng thịt chứ không phải "mình đồng gia sắt" có thể cam chịu những trận đòn không đáng có.
- Có lẽ những tổn thương về đòn roi cũng không bằng những cơn đau về tinh thần đúng không chị?
Đúng vậy. Thế nhưng đâu đó người phụ nữ thường họ sẽ lựa chọn cách cam chịu, phần lớn là để hy sinh cho con, nhịn nhục để con còn có cha, có mẹ, có một mái ấm vẹn trọn. Thế nên dù có đau đớn về thể xác lẫn tinh thần cách mấy thì họ cũng phải nuốt nước mắt vào trong để gìn giữ sự bình yên cho chính gia đình mình. Sự hy sinh ấy quả thật cao cả vô cùng!
- Thế nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, kế hoạch của chị như thế nào?
Hiện tại tôi cũng đang trong quá trình thực hiện một vài dự án phim nên cũng khá bận bịu, song dù thế nào đi chăng nữa thì tôi vẫn sẽ về thăm mẹ, dành cho mẹ những món quà từ vật chất đến tinh thần. Tôi tin là mẹ sẽ vui vì điều đó.
- Còn trong năm 2022, NS Thanh Hằng đã có những dự tính dài hơi gì hay chưa?
Tôi đang đi phim, sau phim này sẽ là một bộ phim về zombie sinh tồn. Những ngày không có lịch quay, tôi đồng hành cùng Tình Ca Bắc Sơn để làm thiện nguyện hoặc đi hát. Ngoài ra niềm hạnh phúc nhất của cô là được chính quyền địa phương cho nhập hộ khẩu và làm căn cước công dân cho mình, đó là niềm vui lớn nhất của tôi sau nhiều năm trở về Việt Nam.
- Cảm ơn nghệ sĩ Thanh Hằng về những chia sẻ thú vị, chúc chị sẽ có một ngày 8/3 tràn ngập niềm vui và đón nhận thêm những điều mới mẻ trong tương lai.