Mary Lee Grant là một cựu phóng viên của tờ Caller Times, bà tham gia nhiều hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp thế giới và cuối cùng quyết định chọn Việt Nam làm nơi để sinh sống và làm việc cố định.
Bà đã có nhiều năm sinh sống và dạy tiếng Anh ở Việt Nam, cũng như làm giảng viên đại học tại Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, nên bà có một cái nhìn rất khách quan về đất nước và con người nơi đây.
Sau đây là bài viết về những điều bà ngưỡng mộ ở Việt Nam, được đăng tải trên tờ Caller Times:
Tại một quán cà phê vỉa hè trên những con phố nhỏ giữa lòng Hà Nội, tôi và người bạn của mình cùng ăn món bún chả, là một món ăn nổi tiếng ở miền bắc Việt Nam. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện về những ước mơ và kế hoạch trong tương lai, giữa dòng xe cộ đang chen chúc nhau trên đường và hoàng hôn đang dần buông trên thành phố ngàn năm tuổi này.
Tại đây có những cây cầu kiểu Trung Hoa bắc ngang những mặt hồ phẳng lặng, các tòa nhà với lối kiến trúc Gallic cổ kính, những căn hộ chung cư được xây dựng từ thời Liên Xô. Thành phố này mang một nét hoài cổ như ở vùng đất đá đỏ Oklahoma, nơi cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên, họ đã sống sót qua những tháng ngày khó khăn của cuộc Đại suy thoái kinh tế.
Còn nhớ khi tôi làm giảng viên ở Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, tôi đã kết bạn với nhiều giáo sư và sinh viên trong trường. Nghe những câu chuyện kể của họ, mặc dù đang ở một châu lục khác nhưng tôi cảm giác thấy mình được sống lại trong câu chuyện của họ và cha mẹ tôi.
Những thế hệ con người vĩ đại của Việt Nam đã trải qua thời gian chiến tranh dữ dội và hậu quả nặng nề sau cuộc chiến. Hầu hết những người lớn tuổi ở thành phố này, thậm chí là những bà cụ, đều từng là những người lính trên chiến trường trong chiến tranh chống Mỹ.
Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi tìm đến một ngôi làng nơi có những nạn nhân chất độc màu da cam, những người phụ nữ trong quá khứ đã mang súng băng rừng đánh giặc, nay chào đón chúng tôi như người người bạn lâu năm.
Chiến tranh kết thúc, người Việt Nam phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” khi nguồn thức ăn khan hiếm. Cuộc sống lúc bấy giờ khắc nghiệt không khác gì cuộc Đại suy thoái của Mỹ. Mặc dù khó khăn là vậy, người Việt Nam không phụ thuộc vào thức ăn chế biến sẵn như người Mỹ, hàng quán xuất hiện nhiều và thức ăn tươi được nấu ngay khi bán ra, khiến tình trạng béo phì không trầm trọng như ở Mỹ.
Không giống như văn hóa vừa ăn vừa lái xe của Mỹ, người Việt Nam hiếm khi phải ăn một mình. Những bữa ăn trưa có thể kéo dài đến hai giờ đồng hồ và đó cũng là thời gian để xây dựng các mối quan hệ. Văn hóa ẩm thực lành mạnh ở Mỹ đã trôi vào dĩ vãng nhưng đang được nở rộ mạnh mẽ ở Việt Nam.
Những người Mỹ hiện đại mong muốn tìm kiếm các giá trị đạo đức thì có thể đi đến Việt Nam. Đất nước này rất hiếm tình trạng lạm dụng ma túy. Không ai trong số những sinh viên của tôi sử dụng cần sa. Có nhiều điều luật rất nghiêm khắc cho hành vi sử dụng chất ma túy: những con buôn bạch phiến phải chịu mức án tử hình, những người sử dụng với mức độ nhỏ cũng sẽ bị phạt lao tù hoặc lao động công ích. Cũng như tội phạm bạo lực là rất ít, Việt Nam có luật về súng đạn có thể nói là chặt chẽ nhất hành tinh này. Dường như không có khủng bố.
Mặc dù thời gian cho các hoạt động vui chơi giải trí ở Hà Nội đã được điều chỉnh thành nửa đêm, nhưng phố phường bắt đầu trở nên yên tĩnh từ 10 giờ đêm. Có lẽ vì thói quen ngủ sớm và dậy sớm của cư dân thành phố. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều người thức dậy và ra ngoài đường để bắt đầu ngày mới từ 4 giờ sáng.
Và mặc dù Việt Nam được xếp hạng vào nhóm nước có tỷ lệ cao người dân theo chủ nghĩa vô thần, nhưng trên thực tế thì không như vậy. Hầu hết mọi người đều tin tưởng và thần linh và có nhiều nghi thức thờ cúng được lưu truyền từ lâu đời, đền thờ các vị thần cũng dễ dàng thấy xuất hiện trên phố. Cuộc sống của người dân phần lớn đều gắn bó với những tín ngưỡng.
Trẻ em Việt Nam vui chơi thoải mái ngoài đường phố. Ở Mỹ, rất ít trẻ em tự do ngoài đường, phần lớn chúng đều ở trường, ở nhà hay ở những khu vui chơi có kiểm soát, cũng như ít trẻ em Mỹ ra ngoài đường sau khi trời tối. Trẻ em Việt Nam tự do vui chơi và đi học giống như trẻ em Mỹ của nhiều chục năm trước.
Hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau, họ cũng đối xử rất lịch thiệp với người nước ngoài. Nhớ một lần tôi đến Hà Nội, thẻ tín dụng của tôi bị tạm khóa do hệ thống tự động nghi ngờ giao dịch không đáng tin, nhưng tài xế của tôi lúc đó sẵn sàng cho tôi mượn tiền đến khi tôi có thể liên hệ và làm việc với ngân hàng về vấn đề đó.
“Số tiền này đủ cho nhiều bữa ăn cùng nước uống. Nếu cô không thể thuê phòng để ngủ, thì có thể sang nhà bố mẹ của tôi để ngủ đêm nay,” anh tài xế cẩn thận tính toán để chắc rằng tôi không bị thiếu hụt, và dúi tiền vào tay tôi.
Giống như thế hệ cha chú của tôi vào sau cuộc Đại suy thoái kinh tế Mỹ, những người Việt Nam ngày nay cũng vậy, cũng không ngừng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Cha mẹ Việt Nam rất kỳ vọng cho con cái của họ, họ tiết kiệm tiền để cho con cái du học đến các nước phát triển hơn. Những gì tôi trông thấy ở cha mẹ Việt Nam giống như cha mẹ Mỹ đã làm vào những năm 1950.
Là một người Mỹ, tôi rất tự hào về cha tôi và những thế hệ tiền nhân đi trước. Họ đã nỗ lực rất nhiều để có được một nước Mỹ như ngày nay. Nhìn vào những người Việt Nam hiện đại, họ cũng không ngừng cố gắng và tôi hy vọng những đức tính tốt của người Việt sẽ giúp họ phát triển được cuộc sống của mình và cho quốc gia của họ.