Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Những điều cần lưu ý khi đi lễ chùa dịp đầu năm Canh Tý 2020

Vào những ngày đầu năm mới, người Việt thường có thói quen đi lễ chùa để cầu an cho gia đình. Bên cạnh tấm lòng thành kính, mỗi người khi đến chùa cần lưu ý những điều dưới đây. 

Đi chùa cầu an đầu năm mới là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Mỗi dịp tết đến, xuân về, già trẻ, lớn bé lại đón chờ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để có thể lên chùa hái lộc, cầu mong những điều tốt lành.

Tuy nhiên, đi lễ sao cho đúng để được an toàn, may mắn và tránh phạm phải những điều kiêng kỵ là điều mà không phải ai cũng biết. Vì vậy, bên cạnh tấm lòng thành kính, mỗi người khi đến chùa cần lưu ý những điều dưới đây.

Trang phục kín đáo

Khi vào chùa nên tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, quần short… Đối với Phật tử thì nên mặc bộ đồ lam. Đối với nam giới, có thể mặc áo sơ mi, quần âu còn với nữ thì quần áo phải gọn gàng, không nên mặc váy quá ngắn hoặc quần quá ngắn để đảm bảo sự kín đáo, truyền thống.

Vào lễ chùa cũng không nên để tóc hay trang phục luộm thuộm, cẩu thả. Như vậy sẽ không tỏ lòng thành kính khi bước chân vào cửa Phật.

Không xả rác

Khi bước chân vào bên trong Phật đường, tuyệt đối không được nói chuyện ồn ào, bình phẩm, nằm hoặc ngồi. Bên cạnh đó, mọi người cũng không nên tùy tiện khạc nhổ và xả rác vì như vậy sẽ phạm tối bất kính và mất mỹ quan chốn linh thiêng.

Các lễ vật cần thiết khi đi chùa

Việc sắm lễ vật đi chùa là điều rất cần thiết. Khi đến dâng hương, mọi người chỉ cần sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè… Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả…

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có lễ này thì nên đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà bỏ vào hòm công đức.

Đồng thời, mọi người cần tránh suy nghĩ lệch lạc khi hành lễ với quan niệm: Lễ càng nhiều, phật phù hộ càng nhiều. Quan niệm này hoàn toàn sai, làm mất đi nét đẹp trong tôn giáo Việt Nam.

Không đốt vàng mã

Tục đốt vàng mã từ bao đời nay đã “ăn sâu” trong tâm thức của người Việt. Thậm chí, nhiều người còn truyền nhau suy nghĩ sai lệch đốt càng nhiều thì càng thể hiện sự quan tâm, thành kính của người còn sống với người cõi âm và được người cõi âm phù hộ nhiều.

Song trên thực tế, chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh rằng việc đốt vàng mã có liên quan gì đến nghi thức, nghi lễ của Phật giáo. Những năm gần đây, nhiều đền, chùa đã khuyến khích người dân không tiếp tục dâng, đốt vàng mã để tránh tình trạng hỏa hoạn dịp đầu năm.

Cẩn thận trộm cắp

Mỗi khi đến chùa cầu an vào dịp đầu năm mới, mọi người không nên mang theo quá nhiều tiền, vật dụng có giá trị (như hoa tai, dây chuyền vàng, điện thoại đắt tiền…) hay giấy tờ quan trọng để tránh gặp các tình huống mất cắp không đáng có. Nếu đoàn đông người thì nên đi sát nhau và lưu ý, nhắc nhở cùng bảo vệ tài sản.

Đồng thời, nếu khi phát hiện bị mất cắp tài sản cần báo ngay lực lượng an ninh trật tự tại chỗ. Bên cạnh đó, người bị hại cũng cần hô hoán để cảnh sát và những người xung quanh kịp thời bắt giữ đối tượng.

Tránh bị “chặt chém” đầu năm

Trong dịp lễ cầu an đầu năm, không ít người kinh doanh dịch vụ ăn theo, thừa cơ “chặt chém” người dân. Để không bị mất tiền oan, mọi người trước khi mua cần hỏi và thống nhất giá bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Khi phát hiện người kinh doanh bán hàng nằm trong danh mục cấm, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cần báo ngay cho tổ an ninh trật tự gần nhất để kịp thời được giải quyết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dung Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất