Khán giả yêu nhạc sẽ vẫn còn nhớ và hát theo nhiều bài hát mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã sáng tác như: Vầng trăng khóc, Con đường mưa, Chiếc khăn gió ấm, Đêm trăng tình yêu, Nhật ký của mẹ, Bay giữa ngân hà… những bài hát mang đến danh tiếng và sự đổi đời cho nhiều ca sĩ.
Bên cạnh việc là một nhạc sĩ được chào đón hàng đầu trên thị trường nhạc Việt, Nguyễn Văn Chung còn khiến công chúng ấn tượng với hình ảnh người đàn ông sống cho gia đình, chấp nhận lùi lại sau ánh hào quang. Tuy nhiên, dù đã cố gắng gìn giữ, tổ ấm nhỏ của nam nhạc sĩ đã tan vỡ cách đây một năm. Đây là cú sốc tinh thần lớn, khiến Nguyễn Văn Chung rơi vào trầm cảm. Hiện tại, anh đã vượt qua giai đoạn "khủng hoảng tinh thần" để tiếp tục trở lại với âm nhạc.
Chấp nhận từ bỏ lợi nhuận và danh tiếng vì con
Chia sẻ trong talkshow Chuyện Của Sao mới đây, Nguyễn Văn Chung thổ lộ anh phát hành album nhạc thiếu nhi đầu tiên với 10 ca khúc cách đây 8 năm. Album như một món quà dành tặng cho con gái nuôi Suri. Sau những tín hiệu khá tốt từ album, nam nhạc sĩ tiếp tục bắt tay thực hiện các sản phẩm âm nhạc về gia đình, thiếu nhi.
Nguyễn Văn Chung nhận thấy Suri ngày càng lớn nhưng thị trường thời điểm ấy chỉ có các ca khúc thiếu nhi cũ. Một số bài rất hay nhưng lại không phù hợp với thời đại bây giờ.
“Tôi là nhạc sĩ, cũng là một người cha. Tôi muốn xây dựng một khu vườn âm nhạc như một món quà tinh thần dành tặng con. Thông qua đó con sẽ nhìn thấy cuộc sống xung quanh, học được nhiều điều mới mẻ qua các ca khúc. Tôi viết đến khi được 100 ca khúc vẫn thấy thiếu vì con ngày càng lớn, cái nhìn, sự quan tâm thay đổi từng ngày. Tôi thực hiện dự án với 300 bài hát”, anh trải lòng.
Nguyễn Văn Chung tiết lộ lý do anh quyết định dừng lại ở con số 300 bài hát là lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng Tây Du Ký. Trong phim, nhân vật Đường Tăng không dùng thần chú mà dùng sách 300 bài hát thiếu nhi để thu phục yêu quái, cảnh phim để lại nhiều ấn tượng cho tác giả Nhật ký của mẹ.
Anh tin rằng nhạc thiếu nhi có sức sống mãnh liệt hơn nhiều ca khúc nhạc trẻ vì người lớn vẫn luôn nhớ những ca khúc nổi tiếng như: Con cò bé bé, Bắc Kim Thang, Cháu lên ba…
“Một khoảng thời gian dài, nhạc thiếu nhi bị lãng quên, có người viết nhưng không được phát hành, phổ biến, lưu truyền. Tôi đặt tâm huyết sáng tác những bài hát mới, làm hết sức trong khả năng để các bé có thêm nhiều sự lựa chọn bài hát. Tôi tin rằng 10 - 20 năm sau, các bài hát này vẫn được các bé nhớ và hát theo đến tận khi trưởng thành”, anh khẳng định. Nguyễn Văn Chung vừa qua cũng nhận được Giấy chứng nhận Bản quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi.
Là một người đàn ông sống vì gia đình, Nguyễn Văn Chung thổ lộ cảm xúc của người cha và mẹ đối với các con đều giống nhau, chỉ khác ở cách thể hiện. Mẹ chăm lo từng chút trong khi cha luôn dõi theo con đầy nghiêm túc hơn, đòi hỏi cao hơn để con có thể tự lập khi trưởng thành, tự vượt qua khó khăn. Đó là cách người cha yêu con.
“Ngoài Nhật ký của mẹ, tôi có viết nhiều bài về cha như Khi cha già đi (Kyo York), Cha và con gái (Thùy Chi), Đứng lên con trai (Lân Nhã). Khi làm cha, tôi chuyển hết sự quan tâm sang cho con và cảm thấy trách nhiệm của bản thân, cố gắng dành tất cả những gì tốt nhất, không chỉ là tiền mà còn cả tinh thần. Tôi tử tế, chan hòa với mọi người để khi nghe đến con của Nguyễn Văn Chung, mọi người sẽ dành cho bé sự thiện cảm”, anh nói.
Nguyễn Văn Chung thú nhận trong 8 năm viết nhạc thiếu nhi, anh chấp nhận hy sinh nguồn lợi nhuận lớn, lẫn danh tiếng, để tạo điểm son trong sự nghiệp. Anh muốn nhận được sự trân trọng không chỉ cho bản thân mà cho các con sau này.
Không sợ bị đào thải khi cạnh tranh với nhạc sĩ trẻ ngày nay
Nguyễn Văn Chung viết nhạc vì muốn giải tỏa cảm xúc của bản thân. Anh không viết nhạc bằng kỹ thuật, mà chỉ bằng cảm xúc: “Ngày còn trẻ, tôi viết những ca khúc về tình yêu. Khi có gia đình, tôi viết về cha mẹ, đến khi có con tập trung sáng tác cho độ tuổi thiếu nhi. Khi kết thúc dự án sáng tác 300 bài hát thiếu nhi, tôi lại muốn trở về với sở trường là nhạc tình, cũng là điều mang tôi đến với âm nhạc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ở thời điểm hiện tại đang thoải mái trở lại với những bản nhạc tình còn dang dở. Gần đây, anh cho ra mắt khúc mang âm hưởng pop ballad nhẹ nhàng như: Hôm nay anh rất mệt. Đây cũng là sáng tác mới đánh dấu sự trở lại của nhạc sĩ sinh năm 1983 sau thời gian dài anh toàn tâm thực hiện các sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi.
Có thể thấy rằng, âm nhạc Việt Nam đang thay đổi theo dòng chảy của xu thế. Thị trường âm nhạc mang nhiều thay đổi rõ rệt ở mảng phát hành. Ngày xưa chỉ phát hành bằng đĩa CD, giờ là thời đại công nghệ phẳng, YouTube, trang âm nhạc trực tuyến, tốc độ lan truyền tỷ lệ thuận với tốc độ đào thải, hit có tuổi thọ ngắn hơn ngày trước.
Câu chữ trong bài hát tình yêu ngày nay cũng khác, đòi hỏi người nhạc sĩ đổi mới ca từ, dòng nhạc, cách hòa âm, phối khí... Nguyễn Văn Chung cập nhật xu thế, học cách người trẻ viết nhạc.
“Tôi vẫn giữ chất riêng nhưng sẽ không là một Nguyễn Văn Chung cũ kĩ. Tôi muốn khán giả cảm nhận niềm đam mê âm nhạc, cách tôi truyền tải cảm xúc bản thân. Tôi hứng thú với những khó khăn mới, chiến đấu với những thách thức”, anh hào hứng.
Sự nghiệp sáng tác mang lại cho người nhạc sĩ những trải nghiệm đáng giá, khiến anh tự hào vì đi đúng theo ước mơ, mục tiêu đặt ra. Anh tự tin bản thân luôn thích nghi với dòng chảy, thị trường âm nhạc mà không sợ đào thải.
“Tôi từng thành công trong sáng tác, có kinh nghiệm, đam mê, luôn học hỏi, cập nhật kiến thức. Tôi biết con đường bản thân sẽ đi và bắt đầu lại những điều gì đang dang dở”.
Anh thổ lộ, bản thân thích hát nhưng biết được sở đoản của bản thân nên không muốn trưng bày những điểm yếu trước công chúng. Nguyễn Văn Chung thích tự thu âm và nghe một mình, đó là sự tôn trọng anh gửi khán giả.