Tiểu sử
NTK Xuân Nguyễn sinh năm 1991, chị sinh ra tại Đồng Nai. Sự hiểu biết về các vùng miền đặc biệt là trang phục người Việt của chị rất phong phú. Nhưng ấn tượng thời thơ bé với những sắc màu rực rỡ trên bộ váy áo của các cô gái dân tộc phố núi in đậm nét trong kí ức của chị. Nhanh nhẹn, thông minh, khéo tay, khi còn là cô bé, Xuân Nguyễn đã tự may được áo váy cho búp bê và quần áo cho mình, đặc biệt là chiếc áo dài cho bản thân khi mới 11 tuổi.
Đam mê cái đẹp, đam mê sắc màu chị đã theo học và tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đồng Nai.
Ý thức về văn hóa dân tộc, NTK Xuân Nguyễn đi sâu vào tìm hiểu thời trang truyền thống, tìm hiểu chất liệu, kiểu họa tiết của các dân tộc thiểu số rồi thiết kế sáng tạo màu sắc hoa văn táo bạo bằng cảm quan hiện đại vào trong những bộ trang phục tơ tằm vốn là những sản phẩm mỹ nghệ thủ công truyền thống lên một tầm cao mới. Đây không phải là sự kế thừa theo truyền thống đơn thuần mà chị có ý thức "tương đối hóa" sự ảnh hưởng của thời trang Âu Mỹ ngày càng tăng lên, nhận thức một lần nữa giá trị của văn hóa trang phục cũng như tay nghề đặc sắc của người thợ Việt Nam để cho ra đời những mẫu sáng tạo đa dạng và phong phú.
"Điều khó nhất đối với các nhà thiết kế thời trang là đi tìm nét độc đáo trong sự bình thường nếu như tìm nét độc đáo trong sự bất thường thì sẽ bị lọt ra quỹ đạo bất thường ấy."
"Là NTK, cần phải bình tĩnh, bước đi từ từ, đừng bao giờ vội vàng. Bạn đừng nghĩ vội vàng trong nghệ thuật. Cái gì tồn tại lâu và chạm được vào trái tim của hàng triệu người đều phải có đầu tư thời gian, chất xám và bằng cả trái tim của mình.
Tôi nói thật, nghề thiết kế vừa có tiền lại vừa có tiếng. Thế nhưng để có cả hai thứ đó, bi kịch họ lại tăng gấp đôi. Bởi thế, để tránh khỏi bi kịch, các NTK trẻ phải chấp nhận đến với nghề bằng sự chân thực nhất. Những ánh hào quang, phù hoa xung quanh mình đều phải xuất phát từ sự chân thực.
Việc đầu tiên của các NTK muốn thành công đó là phải có đạo đức. Đạo đức đây không phải là hiền lành, gọi dạ bảo vâng. NTK đôi khi cá tính, sắc sảo lắm chứ! Đạo đức của nghề thiết kế nằm ở trái tim, phải tạo ra sản phẩm bằng cảm xúc thật của chính bản thân chứ không phải là thứ cảm xúc vay mượn, thứ thiết kế copy, nhặt nhạnh, nặng hơn là ăn cắp từ cảm xúc của người khác."