Riêng Phan Thanh Nhiên còn được công nhận là “người Việt Nam trẻ nhất chinh phục đỉnh Everest”. Tại thời điểm đặt chân lên “nóc nhà thế giới”, anh chỉ mới bước qua tuổi 23, khi đang còn là sinh viên năm 3 của trường Đại học Thể dục Thể thao TP HCM.
Đã hơn 7 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, chàng sinh viên Phan Thanh Nhiên ngày nào nay đã trở thành một người đàn ông chững chạc và thành đạt. Mỗi lần nhắc lại chiến tích chinh phục Everest năm xưa, Phan Thanh Nhiên vẫn không giấu nổi niềm tự hào và xúc động. Anh cho biết: “Hành trình chinh phục Everest đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi!”
Tham gia Hành trình chinh phục Everest vì… tiền
Phan Thanh Nhiên sinh năm 1985, tại Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh là con trai út trong một gia đình có 5 anh chị em. Từ nhỏ, cậu bé với vóc người gầy gò, ốm yếu Thanh Nhiên đã phải vừa đi học vừa đi đào lỗ cà phê, lỗ tiêu… để kiếm tiền phụ giúp cho gia đình. Bố mẹ anh tuy phải làm lụng vất vả và vay tiền khắp nơi nhưng vẫn cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Tốt nghiệp trung học, Phan Thanh Nhiên thi đậu vào ngành Thể dục dụng cụ của trường Đại học Thể dục Thể thao TP HCM với mong ước sau này sẽ trở thành một thầy giáo dạy thể dục. Trong suốt thời gian đi học, anh không từ chối bất kỳ một công việc gì để kiếm tiền đóng học phí, từ lượm ve chai, phát tờ rơi, phụ hồ đến chạy bàn đám cưới, dạy võ…
Khi Phan Thanh Nhiên đang học năm thứ 3 thì chương trình Người Việt Nam chinh phục Everest đến trường anh để tuyển người tham gia. Được bạn bè rủ rê và nghĩ có thể kiếm chút tiền trang trải cuộc sống từ chương trình, anh bèn đăng ký tham gia mặc dù lúc đó chưa có khái niệm gì về Everest cũng như độ nguy hiểm đến mức khắc nghiệt của nó.
Để được chọn, Phan Thanh Nhiên đã phải trải qua hàng loạt các bài kiểm tra thể lực và tâm lý để chứng minh mình xứng đáng hơn hàng nghìn ứng viên khác. Sự kiên trì và nỗ lực trong suốt quá trình thi tuyển và tập luyện sau đó đã giúp anh chàng 23 tuổi trở thành một trong bốn người cuối cùng bước vào hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”.
Trong gần 1 năm theo đuổi chương trình, Phan Thanh Nhiên cùng các đồng đội đã lần lượt chinh phục các đỉnh núi với độ cao tăng dần như Phanxipang (3.143 m, Việt Nam), Kinabaru (4.095 m, Malaysia), Kilimanjaro (5.895 m, Tanzania), Island Peak (6.160 m, Nepal) và cuối cùng là Everest (8.850 m, Nepal).
“Cho cả một núi vàng, tôi cũng không ham”
Không khó để tìm thấy những câu chuyện kể, những bài phỏng vấn viết về hành trình chinh phục Everest của ba anh hùng Phan Thanh Nhiên, Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh trong những năm qua. Nhưng mỗi lần kể lại, Phan Thanh Nhiên vẫn không giấu nổi niềm tự hào và xúc động như thể sự việc vừa diễn ra mới hôm qua.
“Ban đầu, tôi xác định tham gia chương trình vì tiền nhưng khi lên núi rồi, tôi lại nghĩ nếu ai đó cho tôi cả núi vàng để đi về thì tôi cũng không ham. Khi ấy, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến màu cờ sắc áo. Nếu lần này tôi bỏ cuộc thì mất bao lâu nữa mới có cơ hội để những người Việt Nam khác đặt chân lên đỉnh Everest? Tôi chỉ còn cách cố gắng hết mình”, Phan Thanh Nhiên bồi hồi nhớ lại.
Mỗi lần ý định bỏ cuộc xuất hiện trong đầu, anh lại tự gợi nhắc mình lời khinh thường, sỉ nhục của những người nước ngoài rằng đoàn Việt Nam hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận thất bại vì người Việt quen sống ở xứ sở nhiệt đới, chịu lạnh kém, vóc dáng nhỏ bé, thể lực yếu ớt… nên sẽ không thể nào chinh phục được Everest.
Chính khi lòng tự hào dân tộc bị tổn thương ấy, sức mạnh ý chí lớn lao cũng đã bùng cháy trong anh. Có những lúc mệt và lạnh đến mức không nói được, không nhìn thấy nữa nhưng khi nghe thấy tiếng người nước ngoài tiến đến gần mình, anh lại lấy hết sức bình sinh vừa đi vừa hát vang ca khúc Đường lên đỉnh vinh quang như để khẳng định với mọi người về khả năng và nghị lực phi thường của người Việt Nam.
Bằng tất cả sức mạnh tiềm ẩn bộc phát giữa ranh giới sự sống và cái chết cũng như tinh thần màu cờ sắc áo, Phan Thanh Nhiên và hai đồng đội cuối cùng đã làm nên kỳ tích lịch sử. Đáng nói hơn cả là trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới đều có tổn thất về người trong lần đầu chinh phục Everest thì đoàn Việt Nam đã không chỉ chinh phục thành công “nóc nhà thế giới” mà còn bảo toàn được 100% lực lượng.
Sau khi trở về từ Everest, Phan Thanh Nhiên cùng 2 đồng đội ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong nước. Những cuộc giao lưu với khán giả, những lời mời quảng cáo từ các thương hiệu, sự săn đón của giới truyền thông… khiến chàng trai trẻ Phan Thanh Nhiên phần nào cảm thấy tự mãn với ánh hào quang mà mình đang có. Nhưng giai đoạn đó chỉ là thoáng qua bởi cuộc sống cơm áo gạo tiền đã buộc anh phải đối mặt với thực tế.
Truyền cảm hứng mạo hiểm cho giới trẻ Việt Nam
“Ban đầu, tôi quyết định chinh phục Everest vì tiền nhưng nói thật, số tiền thưởng nhận được không nhiều. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi đắm chìm trong hạnh phúc của sự thành công, tôi đã giật mình suy nghĩ lại. Việc chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới đã giúp tôi được nhiều người biết đến nhưng ánh hào quang đó không thể nuôi sống tôi mãi mãi. Tôi quyết định phải kiếm việc làm để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình”, Phan Thanh Nhiên chia sẻ.
Cái mác “người Việt Nam đầu tiên chinh phục Everest” những tưởng sẽ là lợi thế cho Phan Thanh Nhiên khi tìm việc nhưng không phải vậy. Những nhà tuyển dụng e dè không biết phải trả lương thế nào cho anh mới xứng đáng nên không dám nhận. Còn bản thân anh cũng hoang mang không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu sau khi bước ra khỏi cái bóng quá lớn của hào quang Everest.
Không ngừng tìm kiếm cơ hội và cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười với Phan Thanh Nhiên khi anh được nhận vào làm công việc tổ chức sự kiện và sau đó là hướng dẫn viên cho một công ty lữ hành có tiếng. Chính môi trường này đã giúp anh có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về hoạt động team building.
Những chuyến đi công tác nước ngoài cũng đã mở rộng tầm mắt cho chàng trai trẻ nhiều hoài bão. Nhận ra Việt Nam chưa có nhiều dịch vụ tổ chức team building và đặc biệt là các môn thể thao mạo hiểm so với các nước trong khu vực, anh quyết định gom góp vốn liếng tích cóp được để mở công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực này. Sau vài lần nếm trải thất bại do thiếu kinh nghiệm, cuối cùng anh cũng tìm ra hướng đi đúng với công ty hiện nay.
Ngoài ra, Phan Thanh Nhiên còn thử sức trong vai trò diễn giả. Qua các buổi giao lưu, trò chuyện sau khi trở về từ Everest, anh dần ý thức được rằng câu chuyện trải nghiệm Everest của bản thân mình có sức lan tỏa và khả năng truyền cảm hứng về ý chí và nghị lực sống cho những người xung quanh. Từ đó, anh càng yêu thích và đầu tư cho công việc này hơn. Từ một người rụt rè, ít nói và còn mắc tật cà lăm, Phan Thanh Nhiên đã luyện tập thật nhiều để có thể nói chuyện tự tin, trôi chảy trước công chúng. Anh từng được một công ty bảo hiểm lớn ký hợp đồng làm diễn giả độc quyền, chia sẻ câu chuyện Everest với khách hàng của họ trong 6 tháng.
Bên cạnh công việc diễn giả và kinh doanh, “tinh thần Everest” khiến Phan Thanh Nhiên luôn khao khát vượt qua chính mình, chinh phục thêm nhiều thử thách mới trong lĩnh vực thể thao mạo hiểm. Năm 2012, anh giành được huy chương bạc môn Leo tường tốc độ tại Seagames 26 tổ chức ở Indonesia và trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt huy chương Seagames ở bộ môn này.
Sau đó, Phan Thanh Nhiên đã tiếp tục xác lập thêm 2 kỷ lục Việt Nam khác khi xây dựng đường zip line (đu dây qua vực núi) dài nhất Việt Nam và vách núi bán nhân tạo cao nhất Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình. Tất nhiên bản thân anh cũng đã chinh phục thành công hai thử thách được công nhận kỷ lục này.
Khi được hỏi về việc có ý định trở lại chinh phục Everest một lần nữa hay không, Phan Thanh Nhiên cho biết: “Lần trước, tôi chinh phục thành công Everest là nhờ vào sức mạnh ý chí khi trong đầu luôn nghĩ đến màu cờ sắc áo và gia đình ở nhà. Còn bây giờ nếu leo chỉ để thỏa mãn động cơ cá nhân thì tôi e rằng mình sẽ thất bại. Muốn leo Everest, bạn phải có một động cơ vượt qua khỏi cái tôi của bản thân mình. Trong quá trình chinh phục “nóc nhà thế giới” sẽ có những thời điểm mà suy nghĩ “thà chết còn sướng hơn” ập đến. Nếu chỉ nghĩ đến mình, bạn hoàn toàn có thể tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Nhưng nếu vì màu cờ sắc áo, vì gia đình hay một mục đích nào đó to lớn, cao cả hơn, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh để trở về”.
Lời tâm sự trên cũng là lời khuyên mà Phan Thanh Nhiên đã gửi gắm đến những bạn trẻ có ý định chinh phục Everest tìm đến nhờ anh tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong những năm qua. Ngoài ra, anh luôn nhắc nhở các bạn trẻ rằng: “Hãy thực hiện tất cả những đam mê và ước mơ khác của mình trước khi chinh phục Everest bởi leo Everest giống như đi vào chỗ chết, không ai biết trước mình có thể trở về để sống nốt phần đời còn lại hay không”.
Sắp tới, Phan Thanh Nhiên dự định sẽ xây dựng một vách núi nhân tạo đạt chuẩn thi đấu quốc tế tại thành phố Buôn Ma Thuột bởi anh phát hiện ra người dân nơi đây có ý chí tinh thần rất tốt và cũng rất yêu thích bộ môn leo núi mạo hiểm. Và kế hoạch tiếp sau đó sẽ là một khu thể thao mạo hiểm lớn nhất Việt Nam được xây dựng tại TP HCM. Anh hy vọng rằng thể thao mạo hiểm sẽ ngày càng được người dân Việt Nam đón nhận nhiều hơn đồng thời sẽ giúp họ thay đổi tư duy sống, mạnh mẽ và lạc quan hơn như anh đã từng.
Hiện anh đang sống hạnh phúc bên vợ, người đã kề vai sát cánh với anh trong suốt quãng thời gian khó khăn sau khi trở về từ Everest. Cả hai kết hôn vào năm 2013 và đang lên kế hoạch xây nhà, sinh em bé. Phan Thanh Nhiên mơ ước một ngày nào đó sẽ được cùng con tham gia vào các thử thách mạo hiểm. Ngoài ra, anh cũng đang “thai nghén” kế hoạch xây dựng một ngôi nhà kiêm văn phòng làm việc được thiết kế theo phong cách Everest, muốn vào phải leo núi - khá thú vị.