Nhắc đến nghệ sĩ Thanh Hằng, chắc hẳn khán giả sẽ nhớ đến cô đào sở hữu giọng hát nội lực với lối diễn xuất linh hoạt, đa màu sắc, có khả năng biến hóa đa dạng nhiều loại vai, từ bi cho đến hài. Dẫu vậy, trong suốt 45 năm làm nghề, Thanh Hằng lại chuyên trị các vai phản diện.
Một trong những vai diễn “ác tâm” ấn tượng nhất của nữ nghệ là vai bà Mùi trong vởDuyên Kiếp.Sự ác độc của nhân vật kết hợp với khả năng nhập vai xuất sắc của Thanh Hằng đã khiến cô bị trách móc, ghét bỏ trong một thời gian. Tuy nhiên, vai diễn để đời ấy đã mang đến cho nữ nghệ sĩ giải thưởng Mai Vàng vào năm 1997.
Cuộc đời thăng trầm và lựa chọn trở về với sân khấu sau 15 năm ở nơi xứ người
Nhớ lại ngày đầu bước chân vào nghề, Thanh Hằng chỉ là một diễn viên múa ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga nhưng nhờ tình yêu vô bờ bến với nghệ thuật cải lương cùng cái duyên với nghiệp ca mà Thanh Hằng từ diễn viên múa đi lên kép phụ rồi trở thành đào chính trong nhiều vở cải lương đình đám. Thành danh ở độ tuổi trăng tròn, Thanh Hằng sớm đón nhận được ánh hào quang của sân khấu cải lương.
Ở thời kỳ hoàng kim, cô là một trong những ngôi sao hàng đầu, được nhiều ông bầu săn đón, trở thành cái tên đắt show nhất nhì lúc bấy giờ. Nhưng khi đang ở trên đỉnh cao nghệ thuật, Thanh Hằng bỗng quyết định tạm ngưng sự nghiệp, âm thầm rời xa ánh đèn sân khấu để chăm lo cho gia đình. Ngày đó, Thanh Hằng cùng gia đình sang Úc để sinh sống. Tưởng chừng cuộc sống của Thanh Hằng sẽ dừng lại ở bên nước ngoài cùng tổ ấm nhỏ nhưng hạnh phúc mà cô mong muốn lại chẳng hề có được. Để rồi những ngày tháng sống nơi đất khách quê người là những chuỗi ngày Thanh Hằng nhớ nghề, nhớ sân khấu, nhớ đồng nghiệp khôn nguôi.
Lặng người chừng 3 giây, nữ nghệ sĩ như đang nhớ lại khoảng thời gian sống đơn độc bên xứ người. Nữ nghệ sĩ bùi ngùi tâm sự:“Một ngày chị không hát làm sao chị chịu nổi. Mà thật chị chịu không nổi. Chị đưa con chị đi học rồi chị ra ngoài công viên chị đậu xe lại, chị lấy mấy cái CD có beat nhạc hồi xưa chị đem theo chị gắn vô cái máy chị mở lên chị ngồi trong xe chị ca từ trích đoạn này cho đến bài ca kia. Chị ca, chị khóc, chị diễn cho đã trong xe rồi tới giờ về đi chợ cơm nước cho con cái. Chị hát hằng ngày, mặc dù không có khán giả nhưng chị vẫn ngồi trên xe chị hát”.
Dù vẫn nhận tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nhưng điều đó vẫn không đủ để Thanh Hằng vơi đi nỗi nhớ được hát trên sân khấu. Cuối cùng, sau 15 năm sinh sống ở Úc, Thanh Hằng trở về Việt Nam nhờ câu nói của cậu con trai:“Thôi mẹ cứ về mẹ hát đi, mẹ theo con đường của mẹ con cảm thấy thích hợp nhiều hơn”.
Năm 2016 Thanh Hằng chính thức trở lại sóng truyền hình. Dường như lựa chọn trở về để sống tiếp với ánh đèn sân khấu là quyết định đúng đắn nhất của nữ nghệ sĩ. Bởi đã là người con của nghệ thuật cải lương thì không đâu bằng sân khấu. Sân khấu cải lương là cuộc sống của Thanh Hằng và cuộc sống của Thanh Hằng chính là sân khấu cải lương.
Nữ nghệ sĩ nói:“Cái quan trọng nhất của chị là sân khấu. Coi như là đau khổ hay là gì chỉ có sân khấu mới giải tỏa được. Dù cho chị có đau khổ buồn gì nguyên cả ngày mà chị bước ra sân khấu là chị quên hết tất cả”,“Cuộc đời chị sẽ gắn liền với sân khấu. Xin nguyện được hát đến hơi thở cuối cùng. Chị bước lên sân khấu bằng tuổi thơ thì chị sẽ ra đi trên sân khấu bằng tuổi của chị để cho chị được sống trọn trên sân khấu bởi vì sân khấu là một nơi an toàn nhất trong cuộc đời chị”
Rơi nước mắt vì xúc động vì nỗi nhớ nghề
Đứng trên sân khấu của Dấu Ấn Huyền Thoại, Thanh Hằng như trở lại tuổi đôi mươi, trở lại làm cô đào chánh trong các vở diễn. Những vai diễn kinh điển của các vở cải lương nổi tiếng được nữ nghệ sĩ tái hiện lại một lần nữa để tô đậm thêm cho dấu ấn của chính mình. Và dù cho năm tháng có trôi đi thì chất giọng của Thanh Hằng vẫn vẹn nguyên sự hào hùng của ngày nào.
Trong vởTướng Cướp Bạch Hải Đường, Thanh Hằng vào vai Nhung – một người vợ phản bội đáng trách nhưng cũng không kém phần đáng thương. Những cảm xúc yêu, hận đan xen trong người phụ nữ cùng diễn xuất nhập tâm xuất thần của Thanh Hằng đã khiến hàng trăm khán giả có mặt tại trường quay xúc động đến nghẹn ngào.
Ngay cả bản thân Thanh Hằng sau khi diễn xong cũng không kìm nén được cảm xúc mà rơi nước mắt:“Quý vị ơi, người nghệ sĩ luôn luôn muốn cống hiến hết mình cho khán giả thân yêu hết đó quý vị”.Tiếp nối chương trình là các vở cải lương kinh điển khác như:Truyền Thuyết Về Tinh Yêu, Tân cổ Thân phận, Tiếng Trống Mê Linhvới sự tham gia của các nghệ sĩ: Linh Tâm, Quốc Đại và Vũ Luân.
Xuyên suốt 90 phút trải lòng, khán giả đã được lắng nghe Thanh Hằng ca, lắng nghe Thanh Hằng kể về chuyện đời, chuyện nghề để rồi cuối cùng mọi người nhận ra rằng khi Thanh Hằng đứng trên sân khấu chính lúc cô đẹp nhất, tỏa sáng nhất. Hình ảnh có phần xa hoa nhất nhưng cũng chứa đựng sự đơn giản của một tâm hồn yêu cải lương, yêu tinh hoa dân tộc và một lòng cống hiến cho sân khấu nước nhà.