Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và những điều có thể bạn chưa từng nghe đến

Hà Anh (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp học sinh có cơ hội tri ân thầy cô giáo. Nhưng ít ai biết rõ về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa lịch sử của ngày lễ này.

Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

Ngày Nhà giáo Việt Nam hay còn gọi là ngày lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam.

Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, trong đó có các nội dung chủ yếu nhằm bảo vệ những quyền lợi của giáo viên, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học đối với tương lai của đất nước.

Cụ thể, các nội dung này gồm: Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Nguồn gốc ít biết của ngày 20-11 (Ảnh minh họa)

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam và chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 22/7/1951 được kết nạp là một thành viên của FISE.

Trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa (hội nghị có 57 nước tham dự) đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.

Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này được tổ chức mở rộng tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.

Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người, đào tạo nhân tài cống hiến cho đất nước.

Ý nghĩa lịch sử lâu đời của Ngày nhà giáo Việt Nam

Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20-11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

20-11 là dịp để mọi thế hệ học sinh tri ân thầy cô giáo của mình (Ảnh minh họa)

Ngày 20-11 là dịp để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần đào tạo những nhân tài tạo lập nên cuộc sống phồn vinh và phát triển cho đất nước.

Với các học sinh, đây là cơ hội để các bạn gửi tặng những bó hoa, món quà, lời chúc ý nghĩa nhằm bày tỏ tình cảm đến các thầy cô giáo đã dạy mình nên người, là dịp để nhớ lại những cảm xúc hồn nhiên, vô tư của những ngày tháng học trò, mong muốn các thầy cô sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền giáo dục đưa nhiều thế hệ học sinh khác cập bến bờ mơ ước.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Anh (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất