Ngày xưa, chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó phổ biến thì việc cô dâu, chú rể đêm động phòng mới được biết mặt nhau là hoàn toàn bình thường. Nhưng trong xã hội bây giờ, trao thân, gửi phận thậm chí đánh cược tương lai với một người mà mình chưa một lần gặp gỡ, không biết tường tận người thân, bạn bè… quả là một quyết định liều lĩnh.
Vậy mà chị Phạm Thị Ngọc (SN 1983, Thái Bình) và anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1978, Lạng Sơn) đã có một quyết định liều lĩnh như thế. 2 tháng kể từ ngày đầu tiên quen nhau qua điện thoại, họ đã xác định được người kia chính là “một nửa” còn thiếu và chuyện tình của họ, khi kể ra khiến biết bao người phải rơi lệ vì xúc động.
Chuyện tình “anh dẫu nghèo, em cũng chẳng cao sang”
Chị Ngọc sinh ra với thân hình lành lặn và phía trước là cuộc sống hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp… Nhưng rồi một ngày định mệnh xảy ra cách đây 10 năm đã thay đổi tất cả. Trong một chuyến xe chở khách trở ra Bắc, chị gặp tai nạn và từ đó, không thể đi lại được. Suốt phần đời còn lại, bất cứ khi nào chị Ngọc muốn di chuyển, chị phải gắn mình với chiếc xe lăn.
Từ một cô gái xinh đẹp, tự tin với nhiều ước mơ, hoài bão, chị Ngọc trở nên sống khép kín và ngại giao tiếp với mọi người. Gần 7 năm sau tai họa bất ngờ, chị khép chặt cánh cửa phòng. Trong giấc mơ cũng bị cơn ác mộng làm tỉnh giấc. Chị nhớ về quãng thời gian còn có thể đi lại được và ước mơ, giá như những gì đang diễn ra chỉ là một cơn ác mộng.
Nhưng rồi cuộc đời là như thế, giống như đường thẳng một chiều, chỉ có thể đi tiếp mà không thể quay lại và nó luôn luôn không có chỗ cho những từ giá như hay ước gì… Thực tại phũ phàng đã khiến chị Ngọc hiểu ra rằng, có nhiều thứ trong cuộc đời này xảy đến mà chúng ta chỉ có thể chấp nhận chứ không thể lựa chọn. Tai nạn nằm ngoài khả năng kiểm soát của chị và chị chỉ còn cách buộc phải chấp nhận nỗi đau để bước qua và tiếp tục sống.
Vực dậy tinh thần, chị Ngọc bắt đầu làm nghề thêu tranh kiếm sống. Lúc rảnh rỗi, chị tham gia vào nhóm “Nghị lực sống” trên mạng xã hội, nơi hội tụ những con người có chung hoàn cảnh giống mình.
Một lần, thấy cuộc gọi nhỡ trong máy điện thoại, chị Ngọc bèn nhờ người bạn gọi lại. Người đàn ông ở đầu dây bên kia tự giới thiệu tên là Hoàng Văn Tuấn, người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. 13 năm trước, vì bị tai nạn giao thông, anh trở thành người khuyết tật, phải sống gắn vói xe lăn giống như chị.
Thương anh cùng số phận, chị Ngọc dần cởi mở lòng mình hơn và rồi 2 người dần trở thành bạn bè qua điện thoại. Từ chỗ xa lạ, chị Ngọc và anh Tuấn bắt đầu trở nên thân thiết và tình yêu của họ đã bắt đầu như thế, khởi nguồn từ tình bạn đẹp, chia sẻ với nhau mọi vui buồn trong cuộc sống.
Ở lứa tuổi chín chắn về suy nghĩ, cảm xúc nên họ nhanh chóng quyết định tiến tới hôn nhân. 2 tháng sau ngày quen anh Tuấn qua điện thoại, chị Ngọc nói chuyện với mẹ về mong muốn có một gia đình riêng dù biết rằng, hoàn cảnh của anh Tuấn cũng khó khăn, thậm chí còn hơn mình khi anh đã từng kết hôn nhưng vì gặp tai nạn, vợ anh đã bỏ đi, để lại anh và con gái nhỏ bơ vơ.
Không có tình yêu nào đáng bị vứt bỏ vì tình yêu lúc nào cũng cần được trân trọng, nâng niu
Anh Tuấn sinh kế bằng nghề sửa chữa xe máy nhưng không thể ngồi dậy mà phải nằm úp để sửa. Mới đây, con gái anh cũng đã lập gia đình, anh Tuấn hiện sống một mình trong căn nhà nhỏ bên cạnh nhà người em ruột. Dù cuộc sống khó khăn nhưng thay vì than phiền, anh Tuấn luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan. Tiếp xúc với anh, chị Ngọc không những mất đi cảm giác nặng nề, bi quan mà còn thấy vui vẻ, tích cực hơn.
Ngày quyết định lấy anh, mẹ chị Ngọc khá ngập ngừng. Thương con, bà lặn lội về tận nhà trai xem xét gia cảnh. Chị Ngọc từng hy vọng biết bao rằng chuyến đi ấy sẽ khiến mẹ chị hiểu mà thương hoàn cảnh của anh Tuấn… nhưng rồi mọi thứ xảy ra hoàn toàn không giống như những gì chị nghĩ.
“Mẹ phản đối dữ dội vì bà mẹ nào cũng thương và mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Mẹ nói anh nghèo, đường vào nhà thì xa mà heo hút. Tôi mà lấy anh sẽ phải chịu khổ một đời mà đời tôi đã khổ lắm rồi nên mẹ không muốn khổ thêm nữa… Nghe đến đó, tôi chỉ biết khóc vì thương anh, thương mẹ và thương cho mình”.
Nhưng hình như tình yêu lúc càng bị cấm cản, càng trở nên mãnh liệt. Chị Ngọc nói với mẹ rằng chị đã lớn và muốn quyết định tương lai của mình. Thương con, cuối cùng chính cha chị đã động viên mẹ chị thay đổi… và rồi đám cưới diễn ra, giản dị thôi nhưng ấm áp, hạnh phúc.
“Gọi là đám cưới nhưng chỉ có vài mâm mời họ hàng. Anh mặc áo sơ mi, quần âu còn chị mặc áo cưới thêu hoa xanh. Sau 1 đêm ở lại nhà gái, hôm sau chị theo anh về nhà chồng”, chị Ngọc tâm sự.
Đám cưới cũng là ngày có nhiều ý nghĩa với chị Ngọc, anh Tuấn khi đó là lần đầu họ được gặp mặt. Đêm tân hôn, họ có quá nhiều chuyện để nói về nhau, về cuộc sống và những dự tính cho tương lai. Sau đám cưới, cả 2 bắt đầu với cuộc sống mới ở Lạng Sơn. Từ đó đến nay đã 3 năm, ngôi nhà nhỏ của họ luôn hạnh phúc, rộn rã tiếng cười.
“Chỉ cần là tình yêu thì lúc nào cũng đúng, không có tình yêu nào là xấu xí hay đáng phải từ bỏ cả. Tình yêu nào cũng đẹp, cũng đáng được theo đuổi đến cùng và trân trọng, kể cả với những số phận kém may mắn như chúng tôi, kể cả khi biết rằng nếu yêu và lấy người ấy, mình sẽ phải chịu khổ”, chị Ngọc nói.
Giống như giờ đây, sức khỏe của anh Tuấn khá yếu, đau ốm liên miên nhiều lúc không làm được gì. Kinh tế 2 vợ chồng eo hẹp, dựa vào mình sức lao động của chị Ngọc thì không đủ nhưng chưa lúc nào, chị thấy hối hận vì quyết định 3 năm trước của mình.