Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nên thôi miễn học phí ngành sư phạm

Theo Pháp Luật TP HCM Theo dõi Saostar trên google news

Chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm sau 20 năm thực hiện không còn phù hợp điều kiện thực tế và không công bằng.

Tại hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm 13-12, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn đề xuất nên bỏ ngay chính sách miễn học phí đối với sinh viên (SV) ngành sư phạm. Ngoài ra chỉ xét cấp học bổng cho những SV có hoàn cảnh khó khăn để bù lại phần học phí đã đóng.

Thay thế bằng học bổng

Hiệu trưởng một trường đại học khác tại TP.HCM cũng cho rằng chính sách miễn học phí đã tạo sự cào bằng, không khuyến khích được người giỏi vào ngành sư phạm. Bởi chính sách học bổng mới tạo nên sự cạnh tranh và sự tự hào của bản thân người nhận để theo đuổi ngành sư phạm.

Theo đó, lãnh đạo trường này đề xuất thay vì miễn học phí, chuyển sang học bổng cao đối với SV vào ngành sư phạm. Trong đó chia các mức 20% có mức học bổng cực cao toàn phần, 20% tiếp theo là học bổng bán phần, số còn lại phải đóng học phí. “Các loại học bổng này dựa vào năng lực học tập và đặc thù từng ngành, vì có ngành rất ít SV theo học, cần phải có học bổng để khuyến khích” - vị này chia sẻ.

Vị này nêu nghịch lý dù được miễn học phí nhưng nhiều SV sư phạm ra trường không đi dạy, trong đó điển hình nhất là ngành tiếng Anh và tin học thường ra làm ngoài vì lương cao hơn. “Hai ngành này ra trường, vào thử việc lương dao động 6-8 triệu đồng/tháng, còn làm giáo viên họ chỉ nhận 3 triệu đồng nên họ ngại đi dạy” - vị này nói.

Các trường đại học đề xuất nên bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm. Ảnh: P.ĐIỀN.

Vẫn đóng học phí, trừ tiền sau

Các trường đại học tại các tỉnh có đào tạo ngành sư phạm cũng nhìn nhận chính sách miễn học phí cho SV ngành sư phạm cần có định hướng lại.

PGS-TS Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình, cơ sở đào tạo đa ngành trong đó có ngành sư phạm, cho rằng nên kết hợp với ngân hàng cho SV ngành sư phạm vay và có hỗ trợ lãi suất tốt nhất. Sau đó em nào theo ngành sư phạm thì xóa nợ, các em không theo ngành này vẫn trả nợ bình thường, như thế mới công bằng, mới kích thích các em vào ngành sư phạm.

Phương án 2, SV ngành sư phạm vẫn đóng học phí bình thường, sau đó em nào theo ngành sư phạm sẽ được trả lại số tiền đã đóng. Với phương án này đi kèm là chính sách lương khởi điểm cao hơn so với mặt bằng chung để người giỏi có quyết tâm theo ngành sư phạm yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Theo ông Hùng, xương sống của trường trước đây là đào tạo sư phạm, theo đó hằng năm tỉnh Quảng Bình cấp bù một khoản nhất định, số còn lại trường cấp bù thêm để đảm bảo chương trình đào tạo bốn năm. Thế nhưng số bù này vẫn còn thấp so với nhu cầu đào tạo hiện tại do tăng thời gian thực hành, thực tế chi phí khá cao so ngân sách trường có. Điều này dẫn đến việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm chất lượng không như mong đợi.

Đây là điều bất công

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang đề xuất Bộ GD&ĐT và Quốc hội thu học phí tất cả SV kể cả học ngành sư phạm. Sau đó SV nào ra trường làm việc trong ngành sư phạm sẽ được chuyển học phí về trường hoặc sở GD&ĐT mà các em đó làm việc. Ngoài số tiền này, sở sẽ hỗ trợ thêm 3-4 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương sẽ giúp các em theo nghề sư phạm ổn định cuộc sống những năm đầu vào nghề và cống hiến tốt hơn.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có một ngành sư phạm truyền thống (sư phạm tiếng Anh) và 12 ngành sư phạm về kỹ thuật. 10 năm qua SV theo học 13 ngành (sư phạm) này được miễn học phí hoàn toàn. Đây là điều bất công bởi mỗi năm trường nhận 5-8 tỉ đồng cấp bù sư phạm nhưng cũng trong 10 năm qua trường phải bù lỗ cho số SV này khoảng 30 tỉ đồng. Cấp bù sư phạm ít thì các trường sư phạm gặp khó khăn, không thu hút được nguồn lực để đào tạo cho ra ngô, ra khoai.

Mặt khác, lấy tiền của SV đóng học phí để “nuôi” SV sư phạm cũng là điều quá bất hợp lý. Ngoài ra thu nhập bình quân của người dân được nhích lên với các gia đình nông thôn, học phí không phải vấn đề họ lo nữa mà vấn đề là làm sao có việc làm.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Ngân sách cấp bù tăng đều

Từ năm 2011-2017 ngân sách cấp bù sư phạm qua các năm này tăng đều. Cụ thể hiện nay là 483 tỉ đồng/50.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Thực tế cho thấy hiện có khoảng 50%-60% SV tốt nghiệp không có việc làm, con số lãng phí cho ngân sách cũng khá lớn. Ngược lại, bỏ ngay chính sách cấp bù cho SV sư phạm thì các trường sư phạm hết sức khó khăn và khả năng chỉ tuyển được 40%-50% chỉ tiêu.

Cần có lộ trình bỏ cấp bù cho SV sư phạm. Đồng thời quy hoạch lại mạng lưới các trường, khống chế chỉ tiêu và dần dần cân bằng giữa cung-cầu và mạnh dạn bỏ cấp bù cho SV sư phạm.

PGS-TS NGUYỄN THÁM, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Pháp Luật TP HCM

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?