Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trong cộng đồng.
Theo nghiên cứu, sau khi tiêm vắc-xin, tùy theo cơ địa của từng người mà sẽ có những phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt, đau mỏi, đau sưng tại chỗ tiêm,… Các triệu chứng này sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn sau 1 - 2 ngày.
Tuy nhiên để vắc-xin Covid-19 đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như hạn chế các biến chứng, người tiêm cũng cần lưu ý một vài điều sau đây.
NÊN BỔ SUNG ĐỦ NƯỚC SAU KHI TIÊM
Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Chính vì thế, người tiêm nên bổ sung nhiều nước lọc sau khi tiêm vắc-xin Covid-19. Người tiêm nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung thêm nước hoa quả như chanh, cam để cung cấp thêm vitamin C, A.
Tuy nhiên người tiêm cũng cần lưu ý rằng, tuyệt đối không nên sử dụng rượu bia, loại thức uống có cồn sau khi tiêm vì các loại này có thể gây ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước trầm trọng hơn.
NÊN ĂN UỐNG CÓ KHOA HỌC
Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, người tiêm cần ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Nên ăn đủ nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.
Ngoài ra người tiêm cũng nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa... và chia nhỏ bữa ăn.
NÊN CÓ LỊCH SINH HOẠT PHÙ HỢP
Sau khi tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, người tiêm nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ chậm để cơ thể không bị ỳ. Bên cạnh đó, một đêm ngủ không ngon giấc có thể làm giảm chức năng miễn dịch lên tới 70%.
Chính vì vậy, người sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cần phải đảm bảo một giấc ngủ ngon, sâu để vắc-xin phát huy được hết tác dụng.