Trong tập 9 chương trình Thiếu niên nói 2020, cậu bạn Đoàn Hùng Mạnh (học sinh lớp 12D4, trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm) đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với câu chuyện về nạn bạo lực học đường khiến nhiều người không khỏi xúc động.
“Mặc dù tên Mạnh nhưng mình lại có tâm hồn khá nhạy cảm với mọi thứ xung quanh”, cậu bạn mở đầu câu chuyện. Cũng vì tính cách có phần hiền lành, nhạy cảm nên quãng thời gian cấp 2 đối với Hùng Mạnh không ít khó khăn khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Câu chuyện của Hùng Mạnh.
Hùng Mạnh như bật khóc chia sẻ về những lần bị các bạn chà đạp vào người khiến chiếc áo đồng phục in dấu giày nhơ nhuốc, đến hàng loạt hành động khiếm nhã gây tổn thương. Thế nhưng, điều đáng buồn hơn cả là bạn bè xung quanh tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm với những gì cậu bạn chịu đựng.
Không để bản thân gục ngã, Hùng Mạnh rút ra bài học cho mình: “Khi người ta đánh mình bằng một cái nồi thì mình hãy đánh họ bằng một cái chảo lớn”. Tuy nhiên, điều cậu bạn muốn chứng minh ở đây không phải bằng bạo lực mà bằng sự cố gắng trong học tập.
Cuối cùng, Hùng Mạnh đã xuất sắc thi đỗ trường cấp 3 với số điểm thuộc Top 2 của lớp, trong khi hầu như những người đã đối xử tệ với cậu bạn đều trượt.
Chia sẻ thêm sau chương trình, Hùng Mạnh cho biết: “Mình cảm thấy hầu hết mọi học sinh, hay người trẻ nói chung đều có khoảng cách nhất định đối với phụ huynh, từ đó dẫn đến sự việc đáng tiếc như mình gặp phải.
Ngoài ra, sự gắn kết giữa giáo viên, nhà trường với học sinh chưa được chặt chẽ. Giáo viên đã rất vất vả trong việc quan tâm, quản lý học sinh, việc tập trung vào vấn đề của từng bạn một cũng gặp khó ít khó khăn”.
Hùng Mạnh bày tỏ: “Mình không chỉ xấu hổ với mọi người mà còn xấu hổ với gia đình. Khi sự việc xảy ra, hôm sau mình đến trường, ai cũng chỉ trỏ, cười nhạo mình. Họ nghĩ điều đó rất vui và về nhà cũng vậy. Cả hàng xóm cũng như anh em họ, chị em đều buông lời trách móc mình “Sao mày ngu thế” mà không mảy may nghĩ đến cảm giác của mình. Thực sự mình rất tủi thân”.
Trải qua quãng thời gian cấp 2 với nhiều chuyện đáng tiếc, Hùng Mạnh sau đó đã tìm ra nguồn động lực, sức mạnh của riêng mình: “Mình cảm thấy bản thân sống trong một môi trường chưa đủ tốt. Mục đích của mình là tìm một môi trường tốt hơn. Cuối cùng mình đã chọn trường Trần Phú, ở đây mình có thể phát huy được hầu hết khả năng, không bị gò bó bởi những áp lực xúc quanh. Như vấn nạn bạo lực học đường, mình rất ít gặp phải ở nơi này”.
Không những thi đỗ với số điểm thuộc Top 2 của lớp, Hùng Mạnh khi vào cấp 3 đã vươn lên, trở thành lớp trưởng và tỏa sáng hơn bao giờ hết: “Cũng nhờ chức lớp trưởng này mà mình trở nên mạnh mẽ hơn so với chính bản thân ngày xưa. Mình biến cách đối xử phù hợp với từng bạn trong lớp”.
Tuy nhiên, câu chuyện của năm tháng cấp 2 đôi khi vẫn kéo đến: “Hiện tại, một vài giấc mơ cũ vẫn lặp lại trong mình. Dù mình không hề nghĩ hay nhớ lại những thỉnh thoảng nó xuất hiện trong đầu khiến mình chợt tỉnh”.
Đôi lần, cậu bạn cũng chạm mặt những người bạn cùng lớp cũ. Hùng Mạnh chia sẻ: “Một số bạn thực sự quá đáng không muốn tiếp xúc, không muốn nói chuyện thì mình cũng mặc kệ họ. Còn với những người vẫn nói chuyện, tiếp xúc thì mình cho họ thấy hết những gì mình đang có, những điều tốt đẹp nhất của bản thân. Mình muốn khẳng định, mình có những điểm hơn hẳn họ”.
Hùng Mạnh giờ đây đã có cơ hội để chứng tỏ bản thân, tỏa sáng theo một cách rất riêng và mạnh mẽ như chính cái tên của mình.
“Mình muốn nhắn gửi đến các bạn đang gây ra bạo lực học đường: Họ không cần nắm đấm của các bạn, họ cần trí óc và trái tim của các bạn”.