Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Năm 18 tuổi - Nếu được chọn, bạn có theo nghề lính cứu hỏa như những chàng trai dũng cảm này không?

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Vào năm 18 tuổi, bạn sẽ thi đại học, đi làm, kiếm tiền và sống cho bản thân mình hay chọn sống vì người khác? Lựa chọn nghề nghiệp gắn liền với khói lửa, đánh cược tính mạng để dấn thân cứu người?

Năm 18 tuổi - bạn nghĩ gì về tương lai của mình?

18 tuổi - tức là bạn đang bước qua dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành. Chúng ta bị đẩy vào cuộc sống, buộc phải đứng ở ngã ba đường nằm giữa nhiều sự lựa chọn.

Mỗi người rồi sẽ tìm ra con đường riêng để đi nhưng ở năm 18 tuổi, có khi nào bạn từng nghĩ, một ngày kia, mình sẽ trở thành lính cứu hỏa?

photo-lch-6-1481319381080

Người ta gọi lính cứu hỏa là những người chiến đấu giữa thời bình. Họ được rèn giũa để hình thành tính cách gang thép, không sợ khói lửa nguy nan. Điều duy nhất sợ hãi, chính là việc thường xuyên đối mặt với nỗi đau của sự chết chóc. Cái chết ấy có thể không đến với họ nhưng rất có thể là đồng đội, những nạn nhân xa lạ họ chưa từng quen biết. Tiếng gào khóc, xác người nằm sâu trong đám cháy… bấy nhiêu ấy là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhưng cũng là điều người lính cứu hỏa buộc phải trải qua.

Bạn hình dung gì về nghề cứu hỏa? Bạn nghĩ đó sẽ là nghề ổn định, công chức nhà nước hay là nghề cực nhọc, sinh tử chỉ trong một khoảnh khắc mong manh?

Mỗi suy nghĩ có thể đúng ở một góc độ nhưng để kể trọn vẹn câu chuyện về nghề cứu hỏa, có lẽ sẽ rất dài. Phía sau hình ảnh anh lính miệt mài lao vào dập lửa là cả một “series” câu chuyện dài xúc động. Chưa cần kể hết, chưa cần nghe hết, chắc chắn trải nghiệm kinh qua bao khoảnh khắc sinh tử ở tuổi 18 của họ đủ để nhiều người, nước mắt lưng tròng.

Quyết định lớn đến từ những cơ duyên tình cờ

img_4668-3

Đem câu hỏi “vì sao bạn chọn nghề lính cứu hỏa” đến hỏi rất nhiều chàng trai ở một vài đơn vị PCCC tại Hà Nội, chúng tôi thu được đáp án gần như giống nhau: Đó là sự tình cờ. 80% lính cứu hỏa xuất thân từ lính nghĩa vụ quân sự. Họ đầu quân rồi vô tình được phân về các đơn vị PCCC. Trước đó, nhiều bạn trẻ thậm chí còn chưa biết đám cháy thực sự diễn ra như thế nào. Một số khác đi lính với hy vọng sẽ trở thành cảnh sát cơ động, CSGT, bộ đội…

Mong muốn ban đầu của nhiều người, có thể đã trật khỏi đường ray. Vừa “nhập môn”, họ phải trải qua kỳ huấn luyện gian khổ kéo dài 2-3 tháng. Những chàng trai trẻ liên tục tập luyện với cường độ cao để thích ứng nhanh với công việc chuyên môn. Có những ngày nắng rực lửa, anh em vẫn phải ra sân tập thể lực, lúc trời rét, phải lao xuống hồ tập bơi. Vào bất kể lúc nào, bất kể hoàn cảnh và dù đang làm gì, chỉ cần có kẻng báo cháy vang lên, cả đơn vị lại tập trung, sẵn sàng lên đường. Tin cháy có thể thật hoặc giả, đám cháy có thể to hay nhỏ… tinh thần của họ vẫn như vậy, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.

Đi lính cũng là lúc các bạn trẻ phải từ bỏ thói quen sinh hoạt tự do, thích ăn, ngủ, thức dậy lúc nào tùy ý. Ở đơn vị, mọi thứ đều theo kỉ luật giờ giấc nghiêm ngặt. Nỗi nhớ nhà tràn về, thể chất, tinh thần ở tuổi 18 của họ, có lúc tưởng như không kham nổi. Giống như người bị ném vào một hoàn cảnh xa lạ, khắc nghiệt, đã có lúc, họ khao khát được quay lại.

img_4228-2

Tình yêu nghề bắt nguồn từ trong khói lửa nguy nan

Nhưng rồi cuộc sống trôi qua với quá nhiều bộn bề, khi lên đường nhập ngũ, chính Mạnh cũng chợt quên giấc mơ của mình. Để rồi chính những lần chữa cháy nguy hiểm đã làm trỗi dậy mong ước từ nhỏ của cậu. Lần đâu tiên Mạnh ý thức sâu sắc về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết là lúc cậu leo lên tòa nhà cao tầng, cứu thoát một cô gái trẻ yếu đuối.

“Tình hình lúc đó rất nguy ngập vì đám cháy nhiều khói mà cô gái lại bị hen suyễn”, Mạnh kể. Rất may, cậu đã kịp cứu sống cô gái. Khi nghĩ lại những gì vừa đi qua, Mạnh không chỉ thấy tự hào mà còn cảm giác mình thực sự đã vươn tới giấc mơ ngày nhỏ.

Không còn xem quãng thời gian làm lính cứu hỏa là một trải nghiệm nhỏ trong đời. Mạnh dần ý thức đó có thể sẽ là sự nghiệp suốt đời cậu theo đuổi. Điều quan trọng nhất là từng ngày, cậu phải ra sức phấn đấu để được ở lại đơn vị sau kỳ nhập ngũ kéo dài 3 năm.

“Hết 3 năm, bọn mình sẽ trải qua một kỳ thi. Không phải lính nhập ngũ nào cũng được ở lại. Điều đó làm mình rất buồn vì thời gian qua, công việc này là một phần cuộc sống của mình”, Mạnh nói.

img_4575-3

Lửa bùng lên, nguy hiểm cận kề nhưng lính cứu hỏa vẫn liều mình xông vào. Anh Nguyễn Văn Cường (SN 1991, tiểu đội trưởng, phòng cảnh sát PCCC số 8) kể lại một kỉ niệm xúc động trong lần dập lửa tại tòa nhà EVN trên phố Cửa Bắc năm 2011. “Đám cháy lúc đó lan ở tầng hầm, có một số nạn nhân mắc kẹt, khi mình cứu thoát họ, nhiều người đã quỳ xuống cảm ơn khiến mình rơm rớm nước mắt”.

Đối với anh, cứu người đơn giản chỉ là một nhiệm vụ, không cần người khác phải cảm ơn, ghi nhớ. Thế nhưng, thái độ trân trọng của người dân chính là động lực để anh tiếp tục tin yêu và cố gắng vì công việc ý nghĩa mình đang làm.

Tuấn Khải (SN 1997, phòng cảnh sát PCCC số 2) tâm sự, năm 18 tuổi, cậu thi trượt ĐH và quyết định lên đường nhập ngũ. “Mới về đơn vị có 1 tháng, mình đã phải lao lên xe đi chữa cháy. Đấy cũng là lần tiên, mình biết đám cháy thực sự diễn ra như thế nào”.

Có lần, Khải nhìn thấy đồng đội ngạt khói vì nhường mặt nạ cho nạn nhân và bình thở của bạn ấy đã cạn. “Lúc đó mình đã vô cùng lo lắng vì trước kia, không hề nghĩ nghề này nguy hiểm đến như thế”.

Khải nói, lao vào đám cháy, thái độ làm việc quên mình của đồng nghiệp đã thúc đẩy cậu tiến về phía trước. “Càng làm lâu, mình càng hiểu và trân trọng nghề này hơn. Nếu bây giờ cho mình đổi lại, có lẽ mình vẫn sẽ chọn nhập ngũ và trở thành người lính cứu hỏa”.

Riêng đối với Nguyễn Quốc Gia (SN 1994, một đồng nghiệp của Khải), những đám cháy luôn khiến cậu rất sợ hãi vì nó nhắc cậu nhớ đến kỉ niệm nhà bị cháy, mọi đồ đạc bị thiêu rụi. “Vì thế mình rất mong muốn có thể trở thành lính cứu hỏa, mình luôn nghĩ nếu mình làm nghề này sẽ có thể dốc hết sức dập lửa, để những khung cảnh tan hoang như nhà mình bị cháy sẽ không ba giờ lặp lại” .

Theo nghề là xác định gieo tuổi xuân vào tay tử thần

img_4407-2

Đức Anh (SN 1995, phòng cảnh sát PCCC số 2) vẫn nhớ như in kỉ niệm trực tiếp tham gia chữa cháy trong vụ hỏa hoạn ở chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội). “Khi đó mình là người cầm lăng phun nước, dẫn đầu đoàn lính tiến sâu vào tầng hầm”.

Vụ cháy ở Xa La, tầng hầm có rất nhiều xe cộ, khói độc bốc lên nghi ngút. Dù biết phía sau luôn có đồng đội yểm trợ nhưng Đức Anh cũng khỏi lo lắng. Không ai biết rõ, tình trạng tầng hầm ra sao. Một chút bất cẩn cũng có thể khiến cậu chia tay đồng đội mãi mãi.

“Có một lầ lao vào đám cháy, khi mình và đồng đội vừa đi qua gầm cầu thang để tìm kiếm nạn nhân thì cấu kiện xây dựng này sập đổ. Lúc đó anh em ôm nhau khóc vì thoát nạn chỉ trong gang tấc”, Tuấn Mạnh chia sẻ về mối nguy nan nhất mà cậu từng trải qua.

Bá Thịnh (SN 1996, đồng đội của Mạnh) cũng kể lại kỉ niệm lần đầu tiên nghe thấy tiếng xăng sôi khủng khiếp trong vụ cháy cây xăng Sang Mạn. “Lúc đó mình hỏi các anh rằng xăng sôi như thế có nguy hiểm không,các anh trấn an là không sao, có người làm mát yểm trợ em rồi, cứ mạnh dạn xông lên”.

Dù được động viên như thế nhưng Thịnh hiểu, tính chất vụ cháy rất nguy hiểm. Chỉ chậm một chút, nếu xăng cứ tiếp tục sôi, với áp suất lớn, xe bồn, tét chứa xăng có thể sẽ nổ tung. Vận mệnh của cả đội cứu hỏa toàn những người trẻ tuổi sẽ đi về đâu, thực sự không ai dám tưởng tượng.

Nhưng khi được hỏi, cả Mạnh, Đức Anh, Bá Thịnh và rất nhiều lính cứu hỏa mới chỉ 18, 20 tuổi khác đều khẳng định, họ chưa từng nghĩ sẽ nuối tiếc nếu chẳng may phải đánh đổi tuổi xuân để đổi lấy sự yên bình cho nhân dân.

“Khi vào nghề, bố mẹ cũng rất lo lắng nhưng mình luôn xác định, tuổi trẻ cần phải làm điều gì đó ý nghĩa. Nghề cứu hỏa là một nghề cao quý, nếu phải hy sinh để cứu người khác, mình cũng không hối hận vì khi ấy, mình đang làm đúng theo lý tưởng của mình”, Thịnh chia sẻ.

Tuổi 18, lính cứu hỏa đã đến với nghề bằng tất cả sự thản nhiên trong những cơ duyên tình cờ như thế. Gian khó tưởng như có thể làm lu mờ tình yêu nghề nghiệp nhưng không, trái lại, nhờ có nó mà tình đồng đội ngày một gắn bó, giúp họ đồng cam cộng khổ, chiến đấu quên sinh vì người khác.

Còn bạn, năm 18 tuổi, bạn nghĩ gì về tương lai của mình? Có bao giờ bạn nghĩ một ngày nào đó, mình sẽ trở thành một chàng lính cứu hỏa, chuyên dập lửa cứu người, rất oai phong, lẫm liệt nhưng cũng rất hiểm nguy, tính mạng có lúc ngàn cân treo sợi tóc?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố