Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Mượn ý tưởng hay là đạo nhái sản phẩm: Chuyện lương tâm hãy để lương tâm định

Với những chuyện liên quan đến chất xám, ý tưởng hay là sản phẩm sáng tạo, thực sự việc phân định xem đó là đạo nhái hay chỉ là mượn ý tưởng làm cảm hứng, vẫn còn quá mơ hồ và dựa phần nhiều vào yếu tố cảm quan nhìn nhận của mỗi người. Phải chăng chuyện lương tâm hãy cứ để lương tâm xét xử?

Để hiểu hơn về lằn ranh mong manh được nhắc đến kia, hẳn các bạn nên điểm qua khái niệm của từng cụm từ kể trên. Có thể hiểu đơn giản rằng “lấy cảm hứng” nghĩa là bạn biết đến một sản phẩm ấn tượng của người khác rồi từ đó thực hiện một sản phẩm của riêng mình với chất liệu từ sản phẩm đó, kèm theo dòng chữ “Lấy cảm hứng từ…” như một lời tri ân và tôn trọng người đã “truyền lửa” cho mình. Khác một chút, “mượn ý tưởng” có nghĩa là bạn sử dụng đúng ý tưởng gốc trong sản phẩm đó (có thể là tạo hình, nhân vật, nền câu chuyện,… rơi vào khoảng 10-30%) và biến nó thành một sản phẩm mới, với nội dung và ý niệm mới, nhằm mục đích kể một lý tưởng khác của riêng bạn. Cuối cùng, “đạo nhái” chính là bạn bê gần như “nguyên xi” từ 70% sản phẩm, câu chuyện của người khác và khẳng định đó là do mình làm, gây ra sự hiểu nhầm về việc sở hữu tác quyền thực sự của sản phẩm. Đây được xem là khái niệm nặng nhất đối với một người làm sáng tạo, bất kể lĩnh vực anh ta làm nghề là gì: âm nhạc, đồ hoạ hay phim ảnh,…

Trong thế giới sáng tạo vốn không có giới hạn hay ranh giới cụ thể, rạch ròi, trong thế giới nơi mà nếu bạn nghĩ được 1000 ý tưởng thì chắc chắn đến 90% 1000 ý tưởng đó đã có người nghĩ ra và thực hiện rồi, thì việc trùng lặp idea hay chuyện “tham khảo” và rồi “bị ảnh hưởng” từ người khác là điều hết sức bình thường. Khái niệm về những cụm từ như “lấy cảm hứng”, “mượn ý tưởng” và “đạo nhái” thật sự khá khó để phân biệt, nhất là đối với những người không có nhiều chuyên môn, hay đơn giản là không quan tâm lắm đến lĩnh vực sáng tạo. Chính vì mơ hồ, cho nên việc tỉnh táo để không trượt chân đi khỏi lằn ranh đạo đức trong khi làm nghề đối với những người làm sáng tạo là vô cùng khó khăn, và việc tỉnh táo khi đưa ra một nhận định về sản phẩm “đạo hay không đạo” lại càng khó khăn hơn nữa.

Có thể nói rằng, việc người này nhìn “không vừa mắt” và lên tiếng tố người kia là đạo nhái trong thế giới nghệ thuật sáng tạo là chuyện bình thường xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, văn hoá hành xử của người tố và người bị tố lại là một câu chuyện khác cần ngồi lại bình tĩnh mà bàn luận.

Đứng về phía người tố, nếu mục đích của anh là để lên tiếng đòi công bằng cho bản thân (khi sản phẩm bị đạo nhái là của chính mình) hoặc để đối phương rút ra được kinh nghiệm, bài học làm nghề, và rồi sau đó phát triển cũng như cống hiến được nhiều hơn cho ngành thì điều anh làm chắc chắn được ủng hộ. Chỉ cần anh văn minh trong ứng xử, lịch sự trong giao tiếp, và tế nhị trong việc “nhắc nhở”, xem như là cái tâm cái tình giữa những người cùng ngành dành cho nhau thì câu chuyện sẽ nhân văn hơn rất nhiều. Còn nếu anh công kích đầy ác ý, với một mục đích duy nhất là để hạ bệ và triệt đường lui của đối phương, thì nó sẽ biến thành một cuộc đấu đá tranh luận “cá nhân với cá nhân” kệch cỡm dưới cái mác “tranh đấu vì nghề” cao cả, khiến người khác phải lắc đầu ngao ngán và thở dài.

Đứng về phía người bị tố, nếu anh thực sự có từng học tập, bắt chước, lấy cảm hứng và mượn ý tưởng từ các nơi để làm giàu thêm cho kinh nghiệm cũng như quá trình sáng tạo của mình, thì hành động đúng đắn nhất chính là thừa nhận. Thừa nhận mình có bị ảnh hưởng bởi người khác không có nghĩa là bản thân anh không có khả năng, bởi những gì anh làm và những gì anh thể hiện chạm được đến số đông và được số đông ủng hộ nghĩa là anh có tài thực sự. Là đối tượng bị công kích, thái độ tích cực nhất đó chính là im lặng và nhìn lại bản thân trước, nếu vẫn tin rằng mình có cái lý riêng, hãy thể hiện điều đó một cách văn minh và từ tốn. Nếu anh sai, anh không có quyền để nổi giận; còn nếu anh đúng, anh chẳng có việc gì phải thẹn.

Đối với những người làm sáng tạo, cái tôi lớn và lý tưởng làm nghề khác nhau chính là điểm dễ khiến xảy ra mâu thuẫn và xung đột. Việc chấp nhận lý tưởng khác với lý tưởng mình theo đuổi cũng không phải điều dễ dàng, nhưng anh có lý tưởng khác mọi người thì cũng không có nghĩa lý tưởng của mọi người là sai. Mỗi cá nhân theo đuổi những lý tưởng và cách thức sáng tạo khác nhau, mới tạo ra được nhiều sản phẩm độc đáo và thú vị khác nhau. Một bên là lý tưởng sáng tạo đột phá những điều chưa ai dám nghĩ, và một bên là lý tưởng sáng tạo trên nền những điều gần gũi với cách thức thể hiện hợp thời đại, đó không thể gọi là mâu thuẫn, và lại càng không nên xảy ra mâu thuẫn.

Sáng tạo có thể được phát triển từ rất nhiều cách, rất nhiều con đường. Sáng tạo không nhất thiết phải là một cái gì đó thật sự vĩ mô hoặc chưa ai nghĩ ra; sáng tạo cũng có thể đi từ việc tham khảo, học hỏi từ người khác, từ trên mạng, và sau đó thể hiện cá tính, ý tưởng, nội dung của mình trên nền đó với sự thay đổi và biến tấu nhất định để có dấu ấn cá nhân. Việc học tập theo concept có sẵn mà mình cảm thấy tâm đắc và đạo nhái sản phẩm thật sự dựa quá nhiều vào cảm tính của người nhìn nhận, sự nhập nhằng vẫn còn nằm đó, cho nên việc quy chụp người khác là đạo nhái (không riêng gì mảng đồ hoạ mà cả các lĩnh vực khác) là vấn đề rất tế nhị và cần xem xét từ nhiều góc độ. Vấn đề trùng ý tưởng không phải là không thể xảy ra, và việc phát triển idea trên nền một sản phẩm có sẵn hoặc theo trend, khiến nó mang dấu ấn của mình thì cũng không thể gọi là sai, nhất là khi nó chỉ dừng lại ở mức độ project cá nhân không mang tính thương mại.

Nhưng nếu như việc học hỏi và lấy cớ “mượn ý tưởng” lặp đi lặp lại quá nhiều lần, khiến bản thân vô tình lâm vào cảnh “nhìn đâu cũng thấy na ná cái này cái kia” thì đó là lúc nên xem lại cách thức sáng tạo của mình. Cùng một ý tưởng nhưng cách thể hiện cũng như các yếu tố về bố cục, màu sắc,… nằm bên trong đó sẽ góp phần quyết định một sản phẩm có đạo hay không đạo trong suy nghĩ của người thưởng thức. Như đã đề cập, “lấy cảm hứng” và “mượn ý tưởng” là không sai, nhưng nên tránh lạm dụng và càng không nên xem đó là lẽ dĩ nhiên, hoặc là bỏ quên việc credit (ghi nguồn).

Có một câu nói rất hay từ Quintilian - một nhà hùng biện La Mã nổi tiếng trong lịch sử, rằng:

Tất cả những điều chúng ta làm trước khi đi đến bước đột phá một cách ngoạn mục chính là học hỏi và bắt chước, như đứa trẻ con học theo người lớn để biết điều gì đúng hoặc sai. Sự khác biệt sau khi kết thúc quá trình học hỏi và bắt chước đó ở mỗi đứa trẻ chính là cách nó chọn cho mình con đường tư duy khác biệt hay đi theo lối mòn trong khuôn khổ. Thời gian sẽ chứng minh được rất nhiều điều, bao gồm cả thực tài và khả năng của một con người. Nếu anh thật sự có tài, một vài sản phẩm “ăn theo” và “bắt chước” sẽ là bài học để anh phát triển và thay đổi tư duy mới mẻ hơn để tiếp tục làm được những điều to lớn và nhiều dấu ấn cá nhân đột phá hơn. Còn nếu anh bất tài, những sản phẩm cứ đi theo lối mòn “mượn ý tưởng” sẽ không còn được thông cảm và chấp nhận, tự động sẽ bị xã hội đào thải.

Thế mới nói, việc đạo nhái hay là lấy cảm hứng từ người khác có lẽ chỉ có lương tâm người thực hiện sản phẩm đó mới hiểu rõ được. Điều cốt lõi cuối cùng của mọi cuộc tranh luận có lẽ không phải là để một mất một còn, mà chính là để cùng nhau nhìn lại bản thân và thay đổi mình theo một cách tốt hơn.

Ở những câu chuyện mà để trắng đen rõ ràng là điều mập mờ và còn thiếu vắng cơ sở, hãy quy nó về thành câu chuyện của lương tâm. Mà chuyện của lương tâm, thôi thì hãy để lương tâm định! 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mỹ Huyền

Được quan tâm

Tin mới nhất