Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Lý luận kiểu 'hàng tôm hàng cá' của sư trụ trì 'ngày nào cũng say'

Cuộc đối thoại không thể tin của nhóm phóng viên báo Lao Động với sư Thích Minh Thịnh, trụ trì chùa Nhạn Tháp, một trong hai nhân vật chính của loạt phóng sự "Trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh!".

Sư Thích Minh Thịnh hút thuốc lào sòng sọc và phát ngôn "vô cùng sốc" trong cuộc đối thoại với chúng tôi.

Sư Thích Minh Thịnh hút thuốc lào sòng sọc và phát ngôn “vô cùng sốc” trong cuộc đối thoại với chúng tôi.

Chưa hết tò mò về sư trụ trì Thích Minh Thịnh, người được các nhân chứng quan trọng và có uy tín xã hội ở địa phương kể về cuộc “đấu khẩu” rồi “đấu đầu” đầy đao kiếm giang hồ với sư ông Thích Thanh Mão, thì trong một lần đi lễ chùa, nhóm PV chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông về Phật pháp, về lý lẽ của việc tu hành và các đạo lý khác.

Tranh biện của ông Thịnh, có lẽ chỉ cần chép lại nguyên văn từ băng ghi âm và ghi hình, là đủ để nói lên tất cả. không cần thêm một lời bình nào nữa. Mỗi câu từ, có phải là một cấu kiện tạo nên bức chân dung của vị sư trụ trì đã góp phần làm điên đảo một di tích quốc gia cổ kính tuyệt đẹp như chùa Nhạn Tháp?

- Thưa sư trụ trì, hồi tôi dẫn nhóm họa sĩ đến chùa Phú Thị để vẽ cảnh, nhà sư Thích Thanh Mão có vẻ phản đối việc thầy xây chùa 2 tầng này?

- Cái đấy là chuyện của mỗi người.

- Nhắc đến chùa trên Nhạn Tháp này xây 2 tầng, thầy ấy phản đối ghê lắm?

- Đấy là khái niệm của mỗi người, mỗi người có nhận thức về kiến trúc là khác nhau. Mỗi nhận thức văn hóa khác nhau là bình thường mà.

- Chúng tôi thì không rõ lắm, nhưng có vẻ như bây giờ giới luật đi tu của mình cũng thoáng hơn hả thầy? Ví như hôm tôi gặp sư Mão, thấy có rất nhiều rượu, thầy Mão còn bảo thầy ấy vẫn ăn thịt, vẫn ăn tiết canh…

- Đấy là chuyện bình thường mà.

- Thế á? Nhưng mà chúng tôi thấy có một thời gian rất dài nhà chùa cấm điều đấy cơ mà?

- Ai cấm đâu? Đấy là anh chị tưởng thế thôi. Tôi không muốn nói trên khái niệm và quan điểm, tôi nói trên mặt định chế và pháp luật. Nếu không cấm đi ngược chiều thì tôi cứ đi chứ. Đấy là chuyện bình thường mà.

Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa cũng "trang trí" cả nhiều rắn thần...

Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa cũng “trang trí” cả nhiều rắn thần…

- Tức là trong giáo lý nhà Phật không cấm ăn thịt?

- Không, tôi không nói đến giáo lý. Tôi nói đến mặt phổ quát của loài người là ăn uống.

- Nhưng đây mình là người tu hành mà?

- Tu hành là chuyện tu hành. Ông Phật ông ấy có cấm không, ở dòng bao nhiêu, trang bao nhiêu, quyển sách nào hay là khái niệm “chó sủa ở ngoài đường”? Ơ, thế cái máy nó sủa giống con chó cũng bảo là con chó nó sủa hay sao? Ơ, sao lại có cái quan điểm “tưởng rằng”?

- Không, không phải là tưởng, mà chúng tôi nghĩ rằng, kiểu như đã hình thành một nhận thức găm sẵn trong đầu bao nhiêu thế hệ nay rồi ấy - đi tu là phải ăn chay?

- Đấy là quan niệm “Mày quan niệm như thế thì mày ở nhà mày, mắc mớ gì đến tao, tao đi tu ở chùa cơ mà”. Đấy là khái niệm, quan điểm của người ta như thế thôi.

- Vâng. Nhưng đúng là trong dân hình thành cái nhìn như thế từ lâu rồi, nhà sư nhỉ?

- Đấy là chuyện của dân. Nếu đường không cấm ngược chiều thì tao cứ đi, chứ sao lại không cho tao đi, đúng không? Nếu như mà đường bảo cấm, thì đương nhiên chỉ được đi 1 chiều.

- Tức là cũng theo kiểu ăn chay hay không thì tùy từng người, cho dù họ đều đi tu cả, đúng không ạ?

- Không phải tùy từng người mà đấy là phổ quát của loài người.

- Không! Ví dụ như chúng tôi thấy ở thiền viện S. ấy, họ hoàn toàn làm đồ chay?

- Đấy là chuyện của S.

- Thì đấy, như chúng tôi nói là tùy vào từng người, từng nơi mà họ làm kiểu này hay kiểu khác, đó có phải là ý kiến của nhà sư trụ trì (Thích Minh Thịnh) không?

- Chả cần thiền viện S. đâu, vào trại bò ở trên Ba Vì ấy, nó cũng ăn chay hoàn toàn, bò toàn ăn chay mà, có con bò nào nó ăn mặn đâu. Không thể mang vấn đề ăn chay ra để mà nói chuyện được. Tôi có đàn bò ăn chay kiếp nọ đến kiếp kia, thì tôi sẽ gọi là trại bò S.

- Dạ thưa, bò với người là khác nhau chứ thầy?

- Không. Nếu mà chùa S. nó bảo là chúng tôi ăn chay, nên chúng tôi hơn người khác thì tôi sẽ gọi là trại bò S. chứ không phải trại người S. Vì Đức Phật còn không ăn chay, đúng không, thế chúng mày ăn chay, thì khác gì trâu bò, đúng không? Tôi có con bò, có bao giờ nó ăn thịt đâu, nó không những ăn chay, mà còn ăn chay từ kiếp nọ đến kiếp kia.

Bà cụ nấu cơm cho sư này, đã tiết lộ với chúng tôi nhiều thông tin sửng sốt, bên cạnh là bức tượng Phật được phủ vải cũ trông vô cùng nhếch nhác.

Bà cụ nấu cơm cho sư này, đã tiết lộ với chúng tôi nhiều thông tin sửng sốt, bên cạnh là bức tượng Phật được phủ vải cũ trông vô cùng nhếch nhác.

 

- Nhưng chúng tôi vẫn thắc mắc một điều là, nếu không đúng như chúng tôi nói, mà lại đúng như sư trụ trì đang nói, thì tại sao trong dân mình bao đời này lại hình thành cái ý thức đi tu là ăn chay? Vì một lý do nào đấy chúng tôi vẫn không hiểu?

- Thế tôi hỏi anh chị nhá, tại sao người ta lại gọi anh chị là người Việt Nam? Tại sao người ta lại gọi đất nước này là Việt Nam? Chẳng qua là người ta gọi nó thế thôi. Chứ hồi xưa người ta gọi là Đại Ngu cũng được chứ sao. Việt Nam (là cái tên) sau này người ta mới đặt cơ mà.

Cho nên đấy là khái niệm, đúng không? Bây giờ anh chị tên là Hoa, nhưng anh chị có phải là Hoa không, chẳng qua là bố mẹ anh chị gọi thế để phân biệt với cái đứa tên là Lá thôi.

Lâu dần người ta cứ gọi anh chị Hoa ơi, thì anh chị tưởng anh chị là Hoa, chứ anh chị có phải là Hoa đâu… Tất cả đều là do người ta đặt ra và gọi thế, mà đa số những cái mà người ta vẫn dùng là sai. Bản chất nó chỉ là những khái niệm mơ hồ.

“Ăn chay cái… vào mặt chúng mày!”

Ngừng một lát nhìn chúng tôi, nhà sư Thích Minh Thịnh nói tiếp: “Chuyện kể thế này, có một ông trong làng cũng già rồi, ông ấy đến nhà bạn chơi, nhà bạn có chó đẻ, ông ấy thích nên ông ấy xin một con mang về nuôi. Con chó con nó lạ nhà, nó sủa ầm lên.

Lại đúng đến ngày chuẩn bị giỗ tổ, ông cụ mới thắp hương chuẩn bị lễ tổ tiên nhưng con chó cứ sủa loạn lên thì ông mới mang con chó dắt ra ngoài ngõ xích. Thằng cháu nội nhìn thấy điều đấy nên nó cứ ám ảnh, nó nghĩ, lễ tổ tiên là phải mua một con chó con, trước khi lễ các cụ thì mang con chó con ra ngoài ngõ.

Rồi nó lớn, ông nó chết, bố nó chết, nó làm chủ gia đình, cứ đến giỗ là nó mua một con chó con về xích ở cửa xong chuẩn bị lễ thì nó dắt ra ngõ. Người ta hỏi sao mày lại làm thế, thì nó bảo, tôi có biết đâu, tôi thấy ông tôi làm thế mà, ông tôi làm thế nên tôi cũng làm thế. Đấy, khái niệm dân gian cũng là như thế.

Một đứa bé lớn lên, nó thấy làng nó có một ông thầy hay một hòa thượng, một sư ni nào đấy. Người ta già, người ta sợ béo, ăn nhiều thì tim mạch, sinh bệnh, nhanh chết. Vị sư nào già mà chả ăn chay. Xong nó lớn lên nó cứ ám ảnh đã tu là ăn chay. Ăn chay cái… vào mặt chúng mày. Xong, lại còn cái trò thiền viện.

Đạo Phật cung ứng cho loài người một nền văn minh chính là thiền, cho nên đạo Phật chính là đạo thiền. Người ta vẫn gọi cửa thiền, cửa từ bi, chứ không phải cứ ở Thiền viện của ông Thích Thanh T. ra mới là thiền. Cũng như trong dân gian, nhà nào cũng có muối, thì không cần ghi ở ngõ là “Nhà tôi có muối”. Linh hồn của đạo Phật là thiền, văn minh của đạo Phật là thiền, thế thì việc gì phải gọi là Thiền viện. Thùng càng rỗng thì càng kêu to.

- Nghe thầy nói thì chúng tôi thấy cái tầm văn hóa nào đó và mọi thứ từ thầy rất khác so với khi chúng tôi nghe thầy Mão nói về thầy?

- Đấy là chuyện của ông ấy.

- Thầy Mão có vẻ không ưa thầy?

- Đó cũng là chuyện bình thường của ông ấy. Cuộc đời mà, làm sao mà tất cả mọi người đều ưa mình được.

- Nhưng đi tu thì phải khác chứ?

- Không. Cũng là chuyện của người ta. Nếu không có thứ gọi là bóng tối thì ánh sáng không có giá trị.

- Cảm ơn nhà sư!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc