Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Khoe 'núi vàng núi bạc' vô giá do cha mẹ tiếp tế, cô gái khiến ai nhìn vào cũng thấy rưng rưng

Có lẽ tâm lý người Việt Nam nào cũng vậy, yêu thương là “cho ăn no”. Và với các cha mẹ, dù con có lớn đến mức nào, chăm chút cho bữa ăn của con luôn là niềm hạnh phúc của họ!

Với đa số những đứa con, từ ngày đầu tiên “ọ ẹ” ra đời cho đến thời đi học đều lớn lên trong sự dạy dỗ và chăm lo của cha mẹ. Cha mẹ nào cũng mong con lớn khỏe, và chỉ an tâm khi chính tay mình chuẩn bị cho con từng bữa ăn, giấc ngủ.

Khi con lớn lên, phải rời xa tổ ấm của cha mẹ, tuy không còn được trực tiếp nấu cho con, khi ấy cha mẹ lại có một mong mỏi mới là gửi thật nhiều đồ cho con. Đó có thể là thực phẩm nhà trồng được, nuôi được, hay là những thực phẩm chợ quê mà chung quy chúng đều rẻ và sạch hơn, chí ít là cha mẹ tin như vậy.

Dù cho có cồng kềnh hay vất vả, cha mẹ cũng chỉ muốn con được ăn ngon, ăn sạch. Kể cả khi đứa con không còn là sinh viên nữa, đã lập gia đình thì cha mẹ vẫn vậy, vẫn là lo lắng cho bữa ăn của con, vẫn hạnh phúc khi thấy con nhận “quà quê” của mình.

Mới đây, một cô gái đã chia sẻ ảnh chụp đồ “tiếp tế” mà cha mẹ gửi lên cho cô từ dưới quê. Dù cô đã đi làm hơn 4 năm, nhưng cha mẹ lúc nào cũng sợ “con đói, con khát”, gửi đồ vào thường xuyên khiến tủ lạnh nhà cô chật kín. Thịt, trứng, rau củ, hoa quả… những món quà quê sạch và tươi, như tấm lòng bao la trong mát của cha mẹ: Điều gì tốt nhất đều là dành cho con.

Bài đăng thu hút sự chú ý của cô gái về “núi vàng núi bạc” vô giá nhận được từ cha mẹ.

Tủ lạnh “chật ních” quà quê của cha mẹ cô gửi lên.

Đọc câu chuyện và ảnh chia sẻ của cô gái, cư dân mạng đồng loạt bồi hồi, man mác nhớ về những món quà quê của cha mẹ. Thành viên N.T.T cũng kể về một kỷ niệm tương tự: “Cách đây 4 năm mình theo chồng vào Nam sinh sống. Thời gian sau đó bố vào thăm mình, và trong hành lý ông mang theo có 1 quả táo và 1 quả quýt. Mình hỏi: 'Bố mang táo với quýt để đi đường ăn ạ?', bố mới bảo hôm vừa rồi có chú đi nước ngoài về chơi, chú bảo là táo với quýt nước ngoài nên bố mang vào cho cái My (con gái mình). Đấy, bố mẹ là như vậy, luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái!”

Không những thế, các mẹ bỉm sữa cũng thi nhau chia sẻ ảnh chụp những thức quà quê mà cha mẹ gửi lên cho gia đình, những câu chuyện tiếp tục được kể, những đồng cảm và thổn thức tiếp tục được lắng nghe.

Mẹ trẻ có nickname C.Q chia sẻ: “Ở quê mình trứng gà rất quý. Quý nhau lắm người ta mới biếu nhau trứng gà. Còn bố mẹ mình thì chỉ chờ con gà có quả trứng nào đẻ là cất đi gửi cho mình thôi!”

“Bố mẹ mình cũng thế. Ở quê toàn không ăn mà chỉ để gửi lên cho con”, bạn H.H bình luận.

Người Việt Nam có tính tiết kiệm, đôi khi cha mẹ còn không ăn, để dành để gửi những thức quà ngon cho con cái ở xa, từ quả trứng, bó rau, đến hộp bánh, quả cam quả quýt… Bởi họ luôn muốn trao những điều tốt nhất cho con, cho cháu.

Tuổi già cũng chẳng có bao nhiêu niềm vui ngoài việc chứng kiến con cái được hạnh phúc và khỏe mạnh. Tâm lý người làm cha, người làm mẹ nào cũng vậy, ẩn sau những thức quà quê gửi lên cẩn thận, là cả một sự đợi chờ ngày hội ngộ của cả nhà, đợi chờ một bữa ăn no đủ mà cha mẹ có thể ngồi cùng các con như ngày xưa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết HELINO

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi