Sinh trưởng trong một gia đình đam mê nghiệp xiếc, Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp lớn lên với những ngày khổ luyện miệt mài, của nước mắt và cả không ít phen thập tử nhất sinh. Ngay từ cái tên, cha của hai anh em cũng mang cả trọng trách kế thừa và niềm mong mỏi lớn lao đặt vào: “Cơ-Nghiệp”.
Suốt hàng chục năm trời, họ bên nhau không chỉ với tư cách là anh em mà còn là những người đồng nghiệp gắn bó bằng mối tương trợ bền chặt cho cả hai sức mạnh vượt trội để đạt được vô số những giải thưởng quốc tế, ghi dấu ấn sâu đậm trong làng xiếc thế giới.
Phần trình diễn đỉnh cao của anh em nhà họ Giang:
3 Huy Chương vàng , 3 Huy Chương Bạc tại các kì Liên Hoan xiếc Quốc tế tổ chức tại Ý, Nga, Trung Quốc, CuBa và các nước khác, 2 giải đặc biệt tại Festival Xiếc Monte Carlo , Monaco….và nhiều giải thưởng khác là trái ngọt dành cho kì tích “Sức mạnh đôi tay” mà Cơ và Nghiệp đã khổ luyện hơn một thập kỉ.
Có anh mới có em, có em thì anh mới tồn tại.
Cơ lớn hơn Nghiệp 5 tuổi. Ngay từ tấm bé, anh đã hoàn toàn thay cha mẹ chăm sóc em trai khi cha phải đi làm cả ngày còn mẹ thì mang bệnh tim nên thường không khỏe. Mãi cho đến tận bây giờ, mọi suy nghĩ tương lai của Cơ đều có bóng dáng của Nghiệp, họ như hình và bóng vậy. Từ nhỏ, Nghiệp làm gì cũng có anh trai bên cạnh nên trong mọi chuyện lớn nhỏ, Cơ đều là người cho ý kiến. Hơn 20 năm qua, chưa lúc nào hai anh em rời nhau, trong công việc là lẽ dĩ nhiên và trong cuộc sống cũng thế.
Mỗi ngày đều đặn 8 tiếng cùng nhau tập luyện để có được sự ăn khớp, hòa quyện. Sau hai năm, khi đã tạm nhuần nhuyễn, thời gian giảm còn 6 tiếng, hiện tại mỗi ngày dù làm gì cũng phải dành ít nhất 4 tiếng cho nhau. Vậy mà rủi ro vẫn có thể xảy ra.
Cả hai đều có trách nhiệm riêng. Nghiệp luôn ở phía trên, tạo thế cân bằng để Cơ phía dưới có thể di chuyển dễ dàng. Cơ vừa phải chịu sức nặng , vừa phải là trụ vững chắc để em ở trên thoải mái tạo dáng. Tuy nhiên, xét về độ nguy hiểm, thì Nghiệp nhiều hơn vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào sức khoẻ, độ khéo léo và linh hoạt của người phía dưới. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm của Quốc Cơ nặng nề hơn.
Trong một lần biểu diễn tại Nga, khi thực hiện động tác chống đầu, đã có lần hai anh em phải chịu đựng vượt sức vì có tận 3 suất diễn 1 ngày. Trong suất diễn cuối, Cơ không chịu nổi khi cổ bị thụt vào và không thở được. Anh cố gắng gồng mình diễn xong thì lập tức nằm bất động trên sân khấu.
Một lần khác, khi đang biểu diễn ở Đài Loan thì đột nhiên xảy ra trục trặc, Nghiệp cắm đầu thẳng xuống đất và lập tức bất tỉnh. Khoảnh khắc ấy Cơ như người mất hồn.
Quốc Cơ bồi hồi tâm sự: “Khi Nghiệp rủi ro bị chấn thương trong lúc biểu diễn, mặc dù mình không phải là người chịu nỗi đau về thể xác nhưng mình luôn là người tổn thương nhiều hơn về mặt tinh thần vì trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về mình, mình đã không làm tốt.”
15 năm khổ luyện “Sức mạnh đôi tay”, đã không dưới 10 lần một trong hai người muốn từ bỏ, thông thường là từ Nghiệp vì Nghiệp là người luôn gặp nguy hiểm. Chính Nghiệp đã từng khóc và nói rằng: “Em sợ cảm giác phải ngồi trên xe lăn”. Nhưng thương anh, anh đi đâu thì em theo tới cùng. Nghiệp và Cơ khác nhau, anh thì luôn đam mê chinh phục, vượt qua giới hạn của bản thân để cảm nhận được tiếng vỗ tay của khán giả mỗi ngày phải to hơn. Còn Nghiệp lại chọn bình yên, muốn dừng lại và chỉ biểu diễn những gì đã quen thuộc đến hết đời. Có khi anh em đánh nhau đổ máu chỉ vì Nghiệp không chịu được sự liều lĩnh của anh mình…Nhưng rồi lại vẫn đi theo anh vì anh là thần tượng. Bao nhiêu gian khổ cũng vì có anh trai mà vượt qua tất cả, Cơ cũng vì em mà thận trọng hơn trong mọi tình huống. Để có ngày hôm nay, chẳng những phải tổn thương về mặt thể chất mà tinh thần cũng có những lúc biến động vô cùng, họ cũng đã nắm chặt tay nhau vượt qua tất cả.
Giọt nước mắt hạnh phúc của tình anh em
Trong lễ cưới, Quốc Cơ đã khóc trong cảm xúc dạt dào khi Nghiệp nhắc về đoạn đường đã qua cũng chính là lúc những ký ức mạnh mẽ về tháng ngày gian nan trỗi dậy, không ít lần tưởng đã buông xuôi vì chấn thương, ám ảnh đến mức không dám bước lên sân khấu. Với Quốc Cơ và cả Quốc Nghiệp, có lẽ hôn lễ không chỉ là điểm khởi đầu một chặng đường mới của gia đình mà là sân khấu duy nhất anh và em trai mình được bên nhau hoàn toàn không áp lực, được lắng đọng để dành thời gian nhìn lại khoảng thời gian vất vả đã qua, nước mắt như lời cảm ơn người đồng hành của mình, đó là tình anh em không gì chuyển dời.
Anh kể lại: “Ngày đám cưới, đây không chỉ là niềm vui của mình mà của cả Nghiệp, vì mình hiểu Nghiệp cũng như mình, khi người kia hạnh phúc thì người này cũng hạnh phúc. Giọt nước mắt trong đám cưới là giọt nước mắt vừa hạnh phúc khi cưới vợ, vừa là nước mắt cảm động thật sự, vì Nghiệp thương mình hơn mình tưởng rất nhiều.”
Quốc Cơ chia sẻ, điều may mắn nhất với anh cho đến lúc này là đã tìm được một người vợ biết thông cảm và thấu hiểu như Hồng Phượng. Hàng ngày, anh vẫn dành đủ thời gian để luyện tập cùng em trai nhờ có vợ luôn tạo đầy đủ điều kiện để anh hoàn thành trách nhiệm với cả hai. Hành trình dài của Cơ-Nghiệp giờ đã có thêm Phượng làm hậu phương. Và chắc chắn rằng họ sẽ còn cùng nhau đi xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở “Sức mạnh đôi tay.”
Những cảm xúc rất trọn vẹn từ tình cảm anh em thân thiết có lẽ sẽ còn tiếp diễn mãi. Để biết gia đình vẫn luôn là điểm tựa duy nhất không rời bỏ ta. Tình anh em, đồng đội, sức mạnh đoàn kết, sự tương trợ nhường nhịn lẫn nhau…chỉ cần có thế, chúng ta có thế chinh phục được mọi thử thách. Như câu chuyện bó đũa, sẽ chẳng gì có thể lay chuyển nếu sức mạnh anh em vẫn tồn tại.