KOL - viết tắt của cụm từ Key opinion leaders - là từ dùng để chỉ những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng. KOL có thể là ca sĩ, diễn viên, người mẫu… nhưng cũng có thể là một bạn trẻ nào đó bất kỳ ngoài kia. Với sự phát triển rất mạnh của mạng xã hội, KOL thật sự đã trở thành một nghề hot trong giới trẻ. Vì sao? Vì họ kiếm ra tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, từ chính sở thích của mình. Hãy tưởng tượng xem, bạn đi du lịch, chụp ảnh đẹp, bạn có tiền. Bạn sử dụng mỹ phẩm xịn, bạn có tiền. Bạn ăn uống no say, bạn có tiền. Nghe rất tuyệt đúng không?
Nhưng đằng sau những hình ảnh lung linh đó, liệu cuộc sống của một KOL có thật sự ”sướng” như lời đồn? Có phải ai xinh đẹp một tý, có gu một tý đều có thể làm KOL? Để làm rõ những câu hỏi này, hãy cùng gặp gỡ một KOL đang khá nổi trên Mạng xã hội trong mảng lifestyle hiện nay - Hà Trúc!
Trước khi trò chuyện cùng Hà Trúc, hẳn đã khá nhiều người từng đọc về câu chuyện giảm cân lột xác của cô cách đây mấy năm. Sau giảm cân, Trúc tự tin hơn, thoải mái tận hưởng cuộc sống hơn và các cơ hội mới đã đến với cô. Bây giờ, lên trang cá nhân của Hà Trúc, bạn sẽ thấy choáng ngợp theo đúng nghĩa đen bởi những chuyến đi đầy màu sắc, những bữa ăn hấp dẫn, những tips khá hữu ích trong cuộc sống. Và đó chính là một phần của nghề nghiệp mà cô đang theo đuổi một cách rất nghiêm túc: KOL trong mảng lifestyle.
Hà Trúc đã bước vào con đường KOL - cụ thể là về mảng lifestyle, ẩm thực và du lịch - được bao lâu rồi?
Nói chính xác thì Trúc bắt đầu nghiêm túc với vai trò KOL ẩm thực - du lịch khoảng được 4 tháng nay thôi. Dù chưa lâu nhưng mình cũng có 1 thời gian khá dài chuẩn bị từ trước đó.
Còn nhớ, lúc trước, Hà Trúc nổi lên từ câu chuyện giảm cân lột xác. Bước ngoặc nào đã khiến bạn theo đuổi con đường trở thành một blogger về lifestyle, mà cụ thể là ẩm thực du lịch?
Cũng là cảm giác hệt như câu chuyện của 3 năm về trước - khi nhận ra mình không muốn mãi nặng cân và xấu xí. Sau này, cảm giác mình không thể nằm yên được nữa rồi, không muốn tuổi trẻ của mình trôi qua một cách lãng phí như thế. Thế là làm thôi.
Mình không biết động lực của mọi người thế nào, có cần trải qua “cú sốc” nào không, nhưng động lực của mình trong mọi việc đều do mình tự đặt ra.
Trước giờ, mình vốn là người thích chia sẻ những điều mà mình cho là tốt trong cuộc sống, từ những sản phẩm sử dụng hiệu quả cho đến những món ăn ngon, hay những nơi để lại ấn tượng sâu sắc khi đi qua. Sau này, rất vui là mình lại có cơ hội được biến sở thích thành một nghề tay trái kiếm ra tiền. Bởi bạn phải thích, bạn mới làm được.
Mọi thứ đã bắt đầu như thế nào? Bạn có thể kể lại những khó khăn?
Phải nói mình khá may mắn vì trước khi trở thành một blogger, mình cũng có một quãng thời gian là mẫu ảnh, nên ở thời điểm đó, mình không phải bắt đầu từ số 0 mà đã có một lượng người theo dõi nhất định rồi.
Mọi thứ đã bắt đầu bằng việc lên kế hoạch một tháng sẽ đi bao nhiêu quán ăn/ nhà hàng, sẽ đi du lịch ở đâu trước và cần chuẩn bị những gì.
Khó khăn lớn nhất ở thời điểm đó là tìm người cộng sự. Ban đầu Hà Trúc làm một mình, lúc nào cũng cố gắng ôm đồm hết mọi việc. Sau đó nhận ra một mình thì không thể khiến công việc trở nên hoàn hảo nhất, mà nên cần một bạn quản lí, trợ lí và nhiếp ảnh, quay phim. Nhưng phải thú thật là đến giờ này, mình chỉ mới tìm được bạn trợ lí đúng ý mình thôi. Mình tự thấy mình rất khó tính nên để tìm người đồng hành thật không dễ dàng.
Chắc hẳn, lúc mới bắt đầu, bạn sẽ chưa có tài trợ. Bí quyết nào để thời điểm ấy, bạn có nội dung tốt nhưng vẫn không bị vấn đề tài chính cản trở?
Nghề tay phải của mình vẫn là kinh doanh nên từ những ngày đầu, nếu không may mắn được nhận tài trợ thì mình cũng đã xác định là sẽ tự “đầu tư” cho bản thân. Đâu có việc nào bạn không đặt tâm huyết vào mà vẫn có thể nhận được kết quả tốt?
Rồi những lời mời hợp tác lớn đầu tiên đến như thế nào? Bạn còn nhớ về cái ”deal” lớn đầu tiên mà bạn nhận được?
Cốt lõi để lấy những hợp đồng lớn là từ những lời mời nhỏ đầu tiên. Những điều nhỏ, mình luôn cố gắng làm tốt nhất, chỉn chu nhất. Khoan nói tới việc nhãn hàng có hài lòng hay chưa, tự bản thân mình phải hài lòng trước đã. Rồi từ đó, các hãng lớn hơn sẽ chú ý đến bạn như là một người làm việc chuyên nghiệp và đáng để họ tin tưởng.
Cái “deal” lớn đầu tiên mà Hà Trúc nhận được là làm việc cho một nhãn hàng điện tử. Khi đó, Trúc là người lên concept và mang team của mình làm cho các KOL khác trong chiến dịch luôn.
Theo bạn, một Lifestyle Blogger cần có những yêu cầu cơ bản gì? Và bạn nghĩ mình đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu đó?
Đầu tiên, Trúc nghĩ bạn phải ham học hỏi và ham trải nghiệm, không ngại thử những style quần áo mới, đến những nơi mà bạn không nghĩ là bạn sẽ đi đến hay thử cả những món ăn mà bạn đã từng cho vào ”blacklist” của mình…
Điều thứ hai, bạn phải có một nguồn năng lượng tích cực và truyền được cảm hứng đó cho người khác.
Điều thứ ba, cũng là điều dễ thấy nhất, đó là dù bằng kênh hình hay kênh chữ, thì bạn cũng phải mang đến những thứ đẹp nhất, hay nhất và hấp dẫn nhất trong khả năng của mình.
Trong 3 điều ở trên, thì Hà Trúc tự cho rằng bàn thân đã đáp ứng được 65% của mỗi điều, và vẫn đang cố gắng mỗi ngày để đạt được hơn thế nữa.
Thông thường, để cho ra một album hoặc bài review chất lượng, Hà Trúc sẽ đầu tư vào những phần gì cụ thể?
Có 3 phần mà mình sẽ đầu tư nhất: Một là hình ảnh. Hai là nội dung. Ba là quần áo
Về hình ảnh, mình thường xem trước nơi mình định chụp, background thuộc style/ màu sắc/… thế nào rồi lên ý tưởng để chọn quần áo cho phù hợp với bối cảnh đó.
Về nội dung, phải tìm hiểu thật kĩ những điều đặc trưng nhất của nơi đó và dựa vào đó viết nên cảm nhận của mình.
Liệu có phải offer nào Trúc cũng nhận? Bạn sẽ lựa chọn offer dựa trên những điều kiện gì?
Mình tin rằng mình là một trong những người rất khó tính khi chọn nhãn hàng để hợp tác. Nếu nhãn hàng không phù hợp thì dù có trả nhiều tiền đến đâu mình cũng từ chối.
Tiêu chí khiến mình đồng ý hợp tác với nhãn hàng là hình ảnh sạch, hợp với lifestyle và đặc biệt là phải để mình nói lên đúng những gì bản thân cảm nhận và mong muốn.
Làm một Lifestyle Blogger đã mang đến cho bạn những cái được và cái mất gì?
Tất nhiên cái “được” dễ nhìn ra nhất đó là bạn sẽ kiếm được một khoản thu nhập kha khá trong cuộc sống, có cơ hội làm việc trong một môi trường rất chuyên nghiệp với các nhãn hàng lớn và tự khám phá chính bản thân một cách nhanh nhất.
Cái mất, đối với nhiều người, họ nghĩ việc trở thành một KOL đồng nghĩa với việc họ mất sự tự do cá nhân và đôi lúc họ cũng không thể hiện được chính bản thân họ trên mạng xã hội.
Nhưng với mình, những điều đó không đáng kể, quan trọng là ở bạn và cách bạn nhìn nhận vấn đề. Nói có mất là mất quá nhiều thời gian, mà mất quá nhiều thời gian để làm việc thì Trúc nghĩ là xứng đáng.
Người ta thường xem những công việc cụ thể như hành chính văn phòng, giám đốc, bác sĩ… là quan trọng, còn những ngành nghề mới nổi như Trúc đang làm là hơi… không chính thống. Không biết là bạn có nhận về sự phản đối của gia đình trong thời gian đầu không?
Mình hoàn toàn không bị phản đối. Vì trước khi trở thành một KOL, mình đã có công việc chính là kinh doanh. Vì vậy, mình đã quen với việc tự lập và tự chủ, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Gia đình chỉ gọi là phản đối khi thấy thời gian qua mình bay nhiều quá, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ và công việc riêng mà thôi.
Nhiều người thấy bạn suốt ngày ”ăn ngon mặc đẹp, check in sống ảo”, nghĩ bạn rất sướng. Sự thật thì… có sướng không?
Nghề nào cũng có mặt trái và mặt phải của nó. Bạn có khi nào tự đặt câu hỏi là tại sao bạn cũng đi nơi đó, đứng ngay vị trí đó, giữa trời nắng và chụp 100 tấm hình nhưng lại không đẹp bằng một số bạn blogger không? Đó chính là sự khác nhau giữa những người biết suy nghĩ nghiêm túc về việc mặc bộ đồ nào cho hợp khung cảnh, canh ánh sáng ra làm sao, cần chuẩn bị thêm gì giữa hình ảnh của một Blogger và một người bình thường.
Có thể nói, cái ”không sướng” của nghề này chính là việc phải chụp đi chụp lại giữa trưa nóng bỏng da hay lên concept ý tưởng, tìm trang phục, chỉnh ảnh thâu đêm suốt sáng. Nhưng đối với nghề nghiệp, đây là chuyện bình thường thôi.
Có bao giờ bạn viết review ”phóng đại”? Hoặc bạn sẽ phản ứng thế nào khi thực tế của nhãn hàng đó không được chất lượng, nhưng bạn bị buộc phải khen?
Review phóng đại mình có. Nhưng phóng đại nghĩa là sao? Nghĩa là nhãn hàng người ta có 8 mình nói lên 10 - đặc thù cái nghề này là như vậy. Nhưng tuyệt đối không phải người ta có 2 mà mình nói lên 10 đâu nhé. Đó là lừa dối chứ không phải là phóng đại nữa rồi.
Mình đã từng làm việc cùng với rất nhiều nhãn hàng mà cá nhân mình thấy không tốt, ít nhất là đối với bản thân mình. Khi họ ép KOL viết nội dung đủ những keyword, yêu cầu của họ, mình thấy việc này hoàn toàn không hợp lí.
Nếu là một KOL thật sự có tâm với nghề, người ta sẽ không làm việc cùng, bởi việc đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của KOL và luôn cả thương hiệu.
Áp lực của nghề này là gì?
Áp lực lớn nhất mình tự đặt mình vào đó là: Phải có ảnh đẹp. Nghe thì đơn giản, không chụp hôm nay mình chụp hôm khác, góc này không được thì chụp góc khác. Nhưng đối với một Lifestyle Blogger như Hà Trúc thì công việc ngày nào phải xong ngày đó, có bất cứ trở ngại nào cũng không được “Say No”.
Mình luôn muốn đầu tư những gì đẹp nhất cho trang cá nhân của mình vì tâm lí chung là bạn nhìn phải thuận mắt trước, sau đó, bạn mới quan tâm người ta viết cái gì.
Bây giờ, cái giá để mời Hà Trúc trải nghiệm của các nhãn hàng đã lên đến bao nhiêu con số?
8 con số.
Bạn có thể tiết lộ ”sơ lược” về mức thu nhập mà bạn nhận được từ nghề này?
Trung bình là khoảng 80-200 triệu 1 tháng.
Từ đó đến nay, bạn có thể nhớ được mình đã đi qua bao nhiêu nước, ở bao nhiêu khách sạn, ăn bao nhiêu nhà hàng… rồi không?
Hồi bé, mình đi cũng khá nhiều nước cùng gia đình, nhưng từ khi bắt đầu công việc blogger, chỉ trong 4 tháng, mình đã đi khoảng 4 nước và may mắn đi được từ Bắc vào Nam ở Việt Nam.
Về nhà hàng, thú thật mình nhớ không hết.
Hà Trúc có đồng ý với quan điểm: Thật sự phải cần có nhiều tiền thì những chuyến đi mới trọn vẹn?
Ý nghĩa của từ trọn vẹn tuỳ theo bạn nghĩ.
Nếu trọn vẹn ở phương diện hưởng thụ những gì xa hoa và cao cấp nhất thì đúng là phải có thật nhiều tiền.
Nếu trọn vẹn theo phương diện một chuyến đi ý nghĩa, học hỏi được nhiều điều thì quan trọng nhất là bạn đi đâu và đi với ai.
Riêng cá nhân mình, mình luôn muốn dung hòa cả hai vì mình không thể trải qua hành trình chung với một người mà mình không mấy thiện cảm hoặc ăn uống ngủ nghỉ quá khổ sở. Vì thế, dung hòa cả hai là tốt nhất.
Trúc có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ muốn đi theo con đường KOL như một định hướng nghề nghiệp thật sự, nhưng vẫn đang không biết bắt đầu từ đâu, hoặc gặp phải sự cản trở từ gia đình?
Thật lòng mà nói, Trúc chưa từng phải trải qua cảm giác ”Có nên chọn làm Blogger thay vì nghề này, nghề kia không nhỉ?”, vì Trúc đã kinh doanh được vài năm từ trước đó rồi. Nhưng những nghề như Blogger hay KOL đang là một nghề rất phát triển trên thế giới, họ đầu tư có kế hoạch một cách nghiêm túc.
Còn ở Việt Nam, đúng là “nghề” này chưa phát triển mạnh, thậm chí còn khá ít người biết đến. Vì vậy để được công nhận, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh là vô cùng khó. Còn chưa kể đến việc đây là nghề không mang tính chất ổn định cả về mặt thời gian và thu nhập.
Vì thế, nếu là Trúc, Trúc vẫn sẽ chọn cách làm một nghề nghiệp nào đó và tích góp số tiền kiếm được để phát triển sở thích viết Blog của riêng mình. Bạn vẫn có thể làm 2 việc song song, sau đó nếu thấy ổn, hãy rút hẳn để toàn tâm toàn ý phát triển việc làm Blogger.
Liệu có mục tiêu mới về nghề nghiệp nào khác mà Hà Trúc đang hướng tới không?
Mình chỉ mới bắt đầu công việc này thôi. Mình biết có rất nhiều anh chị đã làm công việc này lâu lắm rồi, nên 4 tháng của mình chưa đủ để nói lên điều gì cả. Bết đâu vài tháng nữa bạn sẽ không còn thấy Hà Trúc như bây giờ nữa thì sao? Vì vậy, lúc nào, mình cũng phải cố gắng hết sức cho cái “nghề” mà mình theo đuổi.
Xin cảm ơn Hà Trúc vì buổi nói chuyện thú vị này.