Những ngày qua, truyền thông và dư luận lại một lần nữa xôn xao về vấn đề “hài nhảm” trong đời sống nghệ thuật nước nhà, khán giả ai cũng có các quan điểm của riêng mình, 5 người thì 10 ý, cũng không có thước đo chuẩn mực để biết được ai đúng ai sai. Hài không chỉ xuất hiện mạnh mẽ trên các kênh truyền hình thời gian gần đây, mà nó còn phát triển rộng rãi trên Youtube nhờ vào việc thay đổi thói quen giải trí của đại đa số khán giả và sự xuất hiện của những gương mặt, nhóm hài đầy tiềm năng. “Mảnh đất Youtube” trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, những gương mặt trẻ mang đến tiếng cười cho khán giả cũng trở nên đông đúc hơn.
Việc khán giả lựa chọn Youtube hay yêu thích những gương mặt này phần nào phản ánh sở thích và nhu cầu của họ. Hài nhảm hay không nhảm? Cấm hay không cấm? Hãy cùng nghe BB Trần và Duy Khánh Zhouzhou chia sẻ những quan điểm riêng của họ về vấn đề này dưới góc nhìn của những người trẻ.
Duy Khánh ZhouZhou:
“Hài nhảm cũng là một phần trong những thể loại chiếm thị phần nhiều ở thời điểm hiện tại”
“Với Duy Khánh, hài nhảm hay không tùy thuộc vào cách nhìn, thưởng thức và đón nhận của mỗi người. Nó nằm ở thị hiếu nữa. Quan điểm của Khánh, hài thì nhiều thể loại lắm, hài nhảm cũng là một phần trong những thể loại chiếm thị phần nhiều ở thời điểm hiện tại. Ai thấy vui thì không sao, ai thấy không thích thì ắt quy chụp là hài nhảm. Thế thôi!”.
Khánh chia sẻ thêm, nghệ sĩ hài suy cho cùng cũng lao động và mang tiếng cười đến cho mọi người. Nghệ sĩ hài nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung giống như “làm dâu trăm họ”. Chín người thì mười ý. Đại đa số khán giả thích sao thì mình chiều lòng vậy thôi. Là một người nghệ sĩ trẻ thường xuyên diễn hài, Khánh đôi khi cũng mong muốn được đón nhận xem ý kiến khán giả của mình thích xem mình diễn cái gì mà cải thiện cái bản năng, dung hòa để khán giả bớt định kiến về hai chữ “hài nhảm”.
Trước câu hỏi nếu một ngày bị khán giả nhận xét là mình diễn hài nhảm Khánh sẽ làm gì? Có sợ chuyện đó không? Chàng trai trả lời: “Thì trước tiên mình nên xin lỗi khán giả vì những gì mình tạo ra đã khiến cho đại đa số có cảm giác tiêu cực như thế. Rồi sau đó nhìn nhận lại bản thân, sửa đổi và tiếp nhận thêm nhiều cái hay ho khác để lại tiếp tục cống hiến. Là diễn viên tay ngang, không học qua trường lớp, Khánh cực kì sợ, nên vì vậy…không phải ai mời cái gì Khánh cũng nhận. Phải suy xét và cẩn trọng lắm. Trong khả năng của mình, nhắm làm tốt thì nhận.”
BB Trần - trưởng nhóm hài BB&BG:
“Hài nhảm không có nghĩa là văng tục, là chửi thề, là xúi giục người xem làm chuyện xấu.”
Chàng trai sinh năm 1990 là người đã sáng lập nên nhóm hài có tiếng trong giới trẻ.Với BB Trần, anh chàng quan niệm hài nhảm là những mảng miếng hài theo kiểu phi lý, phi thực tế, phi logic, nó được thêm thắt vào kịch bản để tạo tiếng cười, chứ hài nhảm không có nghĩa là văng tục, là chửi thề, là xúi giục người xem làm chuyện xấu. Cùng với đó, ở nước ngoài những các diễn viên hài nhảm được gọi là vua hài, như ai cũng biết là Châu Tinh Trì và nhiều tên tuổi khác nữa, còn ở Việt Nam thì diễn hài nhảm bị cấm lên sóng.
Các thành viên của BB&BG phần lớn đều là người trẻ và muốn mang tới những ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới bộ phận này. Theo thời gian, các thành viên trong nhóm đều đã lớn nên cách họ tạo ra tiếng cười cũng sẽ thông minh hơn, hàm ý hơn nhiều.
Tạm kết:
Những ồn ào giữa Trấn Thành và đài truyền hình Vĩnh Long đã dần khép lại. Ở khía cạnh nào đó, việc cấm hay không cấm hài nhảm không chỉ là bài học dành riêng cho Trấn Thành, mà nó còn là lời cảnh tỉnh cho những gương mặt trẻ đang trên đường khẳng định mình và mong muốn được công nhận như một nghệ sĩ thực thụ. Dù việc “hài nhảm” được lên sóng không phải lỗi hoàn toàn thuộc về họ, thì vẫn có một sự thực là đôi lúc các diễn viên diễn hài, dù già hay trẻ, dù nhiều kinh nghiệm hay chỉ mới là những gương mặt mới, đều có những lúc thiếu cẩn trọng trong việc chọn lựa kịch bản, cách diễn xuất, hay cách phản ứng đối với ý kiến từ khán giả.
Dựa trên những chia sẻ rất chân thành từ hai người trẻ đang làm công việc đem lại tiếng cười cho khán giả, dễ dàng nhận thấy họ đều có sự đầu tư và nghiêm túc nhất định đối với nghề. Những ý kiến của họ phần nào thể hiện “sự chiều lòng” khán giả để tìm ra những mảng miếng gây cười trong cách diễn cũng như hướng đi của mình. Sau tất cả, việc hiểu đối tượng khán giả mà mình hướng đến, tôn trọng sở thích của họ, mang đến cho họ những “món ăn hợp miệng” , khiến họ công nhận và ghi nhớ mình vẫn là một trong những điều quan trọng nhất đối với những người làm nghề.
Còn ở khía cạnh khán giả, “hài nhảm” vốn không dễ định nghĩa, việc nó tốt hay không tốt lại là một câu chuyện rất khó phân định, nhưng rõ ràng, vẫn có 1 bộ phận đông khán giả tìm đến hài kịch chỉ đơn giản là để thoải mái đầu óc sau những ngày làm việc mệt nhọc, nên càng đơn giản, càng dễ hiểu, dễ cười, họ lại càng thích. Có cung, ắt có cầu. Đây không phải là điều khó hiểu!