Mở đầu bài viết, tờ SCMP miêu tả lại một đoạn trong video “Tình Anh Em” của Khá Bảnh, nam thanh niên gốc Bắc Ninh vừa phải ngồi tù vì sử dụng ma túy, tổ chức đánh bạc.
“Tôi nói cho anh biết, xã hội này *** có chuyện đúng sai…”
Câu nói của nhân vật Khá Bảnh trong Tình Anh Em (đã bị Youtube xóa) từng “viral” tại Việt Nam chỉ sau 1 đêm, thậm chí được nhiều bạn trẻ tâm đắc, đăng lên Facebook cá nhân.
Ngay sau khi bị tạm giữ, kênh Youtube “tháng kiếm tiền trăm”, xếp thứ 57 Việt Nam, với 400 video, 2 triệu subscribers của Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) đã bị Youtube xóa trắng. Trong đó, hầu hết video của Khá Bảnh liên quan đến nội dung mang tính chất giang hồ, nhắc đến đánh bạc, sử dụng ma túy và chưa kể nói tục chửi bậy. Điều đáng ngạc nhiên là, sau khi kênh Khá Bảnh biến mất, rất nhiều trong số 400 video được re-up lên Youtube hoặc Facebook.
Khá Bảnh là một trong những “giang hồ mạng” nổi tiếng Việt Nam, nổi lên từ những video hoặc live-stream thách thức kẻ thù, cầm vũ khí, cởi trần múa quạt và đỉnh điểm là đốt xe máy.
Những hành động bất hảo này không chỉ khiến Khá Bảnh nổi tiếng, mà còn đem về nguồn tiền lớn Youtube và các hình thức quảng cáo khác.
Khá Bảnh khai nhận với công an rằng, từng có tháng thu về hơn 450 triệu đồng từ Youtube.
Dư luận đã kịch liệt lên tiếng phản đối Youtube vì “mắt nhắm mắt mở” trước sự lộng hành của giang hồ internet, thậm chí biến hình thức này thành cơ hội hốt bạc trong 2 năm liền.
Bên cạnh Khá Bảnh là kênh Youtube của kẻ tự xưng là “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, với hơn 500.000 subscribers và 40 triệu views. Nhưng mãi đến khi Khá Bảnh xộ khám vài hôm, kênh này mới bị xóa.
Dương Minh Tuyền nổi lên nhờ những video phát biểu ý kiến, bình luận, chửi bới về các sự việc và nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam.
Nhưng trước khi bị Youtube khóa kênh, Dương Minh Tuyền cũng kiếm được không ít tiền. Theo trang thống kê Social Blade, Tuyền từng kiếm được 180 triệu/tháng từ Youtube.
Câu chuyện của Khá Bảnh, Dương Mình Tuyền cùng nhiều giang hồ internet truyền thông Việt Nam đã nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng chú ý chính là hậu quả mà nội dung giang hồ phản cảm để lại.
Đối tượng khán giả đông đảo của nội dung giang hồ internet, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, từ 7 - 17 tuổi.
“Cháu lớp 8 nhà tôi học điệu nhảy của Khá Bảnh và hở ra là múa quạt. Khi tôi hỏi thì cháu bảo các bạn ở trường ai cũng làm thế. Gia đình chỉ có thể cấm cháu múa quạt ở nhà, chứ ở trường thì rất khó. Thậm chí, trại hè vừa rồi ở trường, học sinh còn lên sân khấu múa quạt như Khá Bảnh,” chị Hiền, một người dùng Facebook ở Đà Nẵng chia sẻ.
Truyền thông nước ngoài cũng phải thảng thốt với hình ảnh Khá Bảnh được các cháu thanh thiếu niên vây kín, xin selfie cùng như người nổi tiếng.
Mùng 8/4, trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng, đã đưa Khá Bảnh vào đề thi văn dành cho học sinh lớp chọn: Trong 400 chữ, hãy đưa ra cảm nghĩ của em về giang hồ mạng.
Một em học sinh đã chụp lại đề thi và đăng lên Facebook, nó nhanh chóng “viral” nhưng cũng gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng đề thi này phù hợp với bối cảnh xã hội, khuyến khích tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, lại có ý kiến chê trách vì như vậy chẳng khác nào giúp giang hồ mạng quảng bá hình ảnh.
Ngoài ra, nhiều fanpage Facebook còn lợi dụng Khá Bảnh để câu likes. Nội dung “bình thường hóa” bạo lực và hành vi thiếu văn minh nhan nhản trên internet gây hậu quả tiêu cực với giới trẻ tại Việt Nam.
Có thể nói, sự xuất hiện của Khá Bảnh trên internet Việt Nam chỉ chớp nhoáng như đèn flash nhưng sự độc hại vẫn còn đó. Về cơ bản, dù đã hứa hẹn sẽ nỗ lực loại bỏ nội dung bạo lực, ghê rợn, Facebook và Youtube lại sử dụng thuật toán ưu tiên hiển thị dựa trên lượt like và xu hướng tìm kiếm. Chỉ cần tò mò tìm xem Khá Bảnh là ai, giang hồ mạng như thế nào… Là người dùng sẽ được gợi ý xem video liên quan.
Theo nghiên cứu của Simon Kemp, nhà tư vấn truyền thông kỹ thuật số ở Singapore: Tính đến tháng 1/2019, Việt Nam có khoảng 62 triệu người dùng internet, bằng khoảng 2/3 dân số cả nước.
Trong đó, có 6 triệu người dùng Facebook và Instagram dưới 18 tuổi. Trong nghiên cứu còn cho thấy, người dùng mạng xã hội tại Việt Nam có thời gian online trung bình 2,5 tiếng/ngày.
Người dùng internet tại Việt Nam, đặc biệt là các vị phụ huynh vẫn đang mong chờ động thái cứng rắn hơn đến từ nền tảng video và mạng xã hội lớn nhất thế giới.