'Nở rộ' trào lưu đưa văn học vào sản phẩm giải trí
Nhiều định kiến cho rằng người trẻ đang dần xa rời, thậm chí là “đánh rơi” những giá trị văn học. Có một thời gian, người ta nói nhiều về sự lụi tàn trong tương lai của các kiệt tác văn chương, về cách dạy và học văn trong nhà trường,… Tuy nhiên, những năm trở lại đây, hơi thở của văn học đang dần hòa nhịp vào văn hóa tinh thần của giới trẻ thông qua âm nhạc, phim ảnh,…
Vê âm nhạc, chỉ tính riêng năm 2019, khán giả dường như “choáng ngợp” trước một loạt những sản phẩm sử dụng chất liệu văn học làm ý tưởng. Tháng 4/2019, Chi Pu cho ra mắt MV Anh ơi ở lại lấy ý tưởng từ truyện cổ tích Tấm Cám. MV này nhanh chóng đạt top 1 trending YouTube ngay sau đó.
Rapper Đen Vâu cũng từng gây xôn xao với bài rap Vợ chồng A Phủ được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Tiếp theo đó, Đức Phúc mượn những nhân vật trong Chí Phèo của Nam Cao vào MV Hết thương cạn nhớ và nhận được sự khen ngợi từ khán giả.
Đình đám nhất trong trào lưu này phải kể đến Hoàng Thùy Linh với hàng loạt ca khúc mang đậm chất dân gian, văn học như Bánh trôi nước, Để Mị nói cho mà nghe, Kẽo cà kẽo kẹt,…
Về phim ảnh, lĩnh vực này cũng không hề kém cạnh khi nhiều bộ phim đã khai thác yếu tố văn học như Làng Vũ Đại ngày ấy (NSND Phạm Văn Khoa), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (Ngô Thanh Vân), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ) và sắp tới là Kiều của nhà sản xuất Mai Thu Huyền hay Trạng Tý do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn…
Lý giải về sự nở rộ xu hướng trên, đạo diễn Victor Vũ cho biết: “Từ trước đến giờ người Việt Nam luôn có một niềm tự hào về văn học, về dân tộc rất cao chứ không hẳn là chỉ ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, khi một sản phẩm mang trong mình những chất liệu này ra đời thì việc được khán giả đón nhận nhiệt tình là một điều hết sức đương nhiên”.
Món ăn tinh thần tưởng quen mà lạ
Nghệ thuật kỵ nhất sự rập khuôn, cũ kĩ. Chính vì vậy, khi đưa văn học vào âm nhạc, phim ảnh, nghệ sĩ luôn kèm theo sự sáng tạo của mình. Nhiều người lựa chọn sáng tạo bằng hình thức thể hiện, tức là chú trọng đầu tư vào phần âm thanh, hình ảnh. Như Hoàng Thùy Linh, phần lời trong bài hát Bánh trôi nước được giữ nguyên văn từ bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương, tuy nhiên, chất nhạc điện tử thời thượng kết hợp cùng âm hưởng dân gian đã thật sự tạo nên một dấu ấn độc đáo đối với khán giả.
Xu hướng sáng tạo thứ hai chính là thay đổi cốt truyện hoặc nhìn câu chuyện trong tác phẩm ở một góc nhìn hoàn toàn mới. Cùng lấy chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám, Tấm Cám: Chuyện chưa kể (Ngô Thanh Vân) và MV Anh ơi ở lại (Chi Pu) lần lượt đưa đến cho khán giả những cái nhìn mới lạ. Nếu Tấm Cám: Chuyện chưa kể biến tấu cốt truyện quen thuộc thành câu chuyện tranh giành ngai vàng và chiến đấu với giặc ngoại xâm của Thái tử, thì Anh ơi ở lại khai thác góc nhìn cảm thông đối với nhân vật Cám trong chuyện tình đơn phương với Thái tử.
Những tác phẩm kể trên đều nhận về những ý kiến trái chiều sau khi phát hành, chung quy lại là xoay quanh câu chuyện: “Nên hay không nên biến tấu tác phẩm gốc?”. Đến nay, hai chữ “sáng tạo” trong việc sử dụng văn học vào giải trí vẫn gây nhiều tranh cãi đối với khán giả và giới chuyên môn. Bởi lẽ, giữ nguyên bản thì bị nhận xét là cũ, là không có tính sáng tạo nhưng nếu sáng tạo, cách tân mà không có điểm dừng lại vô tình làm mất đi giá trị của tác phẩm.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề trên, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: “Người chuyển thể phải trung thành tuyệt đối với nguyên tác văn học, không được tự ý hư cấu thêm nhưng có quyền cấu trúc lại tác phẩm đó cho phù hợp với dung lượng của một bộ phim, việc này cũng đòi hỏi nhiều công phu và tài năng của người chuyển thể”.
Nâng tầm tác phẩm hay ‘bám víu’ để câu view?
Từ “cơn sốt” đưa văn học vào giải trí và những tranh cãi xoay quanh câu chuyện sáng tạo, người ta lại tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Liệu nghệ sĩ thật sự muốn đưa văn học đến gần hơn với khán giả hay chỉ đang “bám víu” vào đó để câu view, thương mại hóa sản phẩm của mình?”.
Khi một sản phẩm dùng chất liệu văn học tạo được tiếng vang, ngay sau đó sẽ là một loạt sản phẩm khác. Đó là sự nắm bắt thị hiếu, nhạy cảm với thị trường và biết cách kinh doanh của người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải bài hát, bộ phim nào cũng được đầu tư công phu, chỉn chu và nhắm đến mục đích truyền tải những giá trị của tác phẩm. Nói một cách thẳng thắn, một số người gần như đang muốn dựa vào danh tiếng của các tác phẩm văn học để làm “bệ phóng” cho mình.
Gần đây, Bắc Kim Thang của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã tạo được hiệu ứng với khán giả ngay từ quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sau khi ra rạp, bộ phim lập tức nhận về ý kiến trái chiều. Không ít người cho rằng Bắc Kim Thang gần như không liên quan gì đến bài đồng dao cùng tên ngoại trừ tên phim. Thậm chí sau khi có những giải thích về ẩn ý trong tình tiết phim, khán giả khó tính vẫn thấy rằng mọi thứ quá gượng ép.
Trong âm nhạc, Chuyện tình yêu xa của Huy Cung (lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ) hay Đây là một bài hát vui của Jun Phạm (lấy cảm hứng từ Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) đều bị cho rằng “chạy theo trào lưu”, chưa thực sự mang lại giá trị gì.
Những đánh giá không mấy tích cực trên chưa phải là đánh giá bao quát, chính xác vì nghệ thuật vốn dĩ không có quy chuẩn nhất định. Tuy nhiên, nó đã nói lên phần nào kỳ vọng từ khán giả và chỉ ra những điểm cần được khắc phục, thậm chí là loại bỏ trong việc sử dụng văn chương làm chất liệu cho giải trí.
Giá trị văn học mang tính bền vững, sức sống qua hàng chục năm trời cũng đủ chứng minh rằng nó nằm ngoài trào lưu. Chính vì vậy, đưa văn học vào giải trí là một việc cần sự đầu tư nghiêm túc và nghiên cứu kỹ lưỡng. Đừng đem văn chương vào những giá trị nhất thời hay biến nó trở thành những trào lưu “bạo phát bạo tàn”.