Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

'Đánh thức' văn hóa đọc qua cuộc thi 'Viết về cuốn sách yêu thích của em'

Việc 'đánh thức', lan tỏa văn hóa đọc cho giới trẻ được xem là điều cần thiết trước sự bùng nổ của thời đại công nghệ phát triển như hiện nay.

Thói quen đọc sách của giới trẻ hay còn gọi chung là văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một trong thời buổi công nghệ 4.0, khi các loại hình giải trí đa phương tiện ngày càng phát triển.

Nhìn rõ thực trạng này, báo Phụ nữ Thủ đô đã khởi xướng và phát động cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em với mong muốn “đánh thức” niềm đam mê đọc sách và lan tỏa thói quen này đến nhiều bạn trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Đến nay, cuộc thi đã được tổ chức 9 lần và là hoạt động thường niên ý nghĩa nhằm nâng cao tri thức, chắp cánh tâm hồn cho thế hệ tương lai của đất nước.

Các em học sinh đạt giải trong cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em lên nhận giải vào sáng 15/9

Sáng 15/9, tại Hội trường Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em lần thứ 9 với sự tham dự của đông đảo các em học sinh, các thầy cô giáo, phụ huynh… cùng các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Minh Khuê… Chương trình năm nay còn có sự góp mặt của NSƯT Xuân Bắc, Á hậu - Hoa hậu Việt Nam 2018 Bùi Phương Nga; Hoa hậu Áo dài 2018 Phí Thùy Linh, diễn viên Minh Cúc, nhóm nhạc CZB…

Ban Giám khảo của cuộc thi gồm: nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trương Quý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội và bà Lê Quỳnh Trang - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng các bài thi năm nay đem đến cảm xúc rất mới, biên giới đọc mở rộng không còn tập trung vào những tác giả, tác phẩm lớn. Đặc biệt, các bài thi năm nay đa số là về đề tài lịch sử với những cảm thụ về đề tài chiến tranh, rất nhiều bài viết về Trường Sa, về người lính hải quân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước qua các cuốn sách như: Trường Sa nơi tôi đến, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Những ngôi sao xa xôi, Bạch Thái Bưởi - Khẳng định doanh tài nước Việt…

“Đọc những bài cảm thụ của các em học sinh về cuốn sách mà các em thích, tôi thấy thực sự xúc động. Các em đã dũng cảm thể hiện cá tính của mình mà không phụ thuộc vào những thứ có sẵn. Nhiều bài cảm thụ về các tác phẩm kinh điển nước ngoài khiến tôi bất ngờ về năng khiếu và vẻ đẹp ngôn từ của các em. Hy vọng các em sẽ trân trọng sách để nuôi dưỡng một tâm hồn tốt đẹp”, nhà văn Nguyễn Trương Quý dù vắng mặt vẫn gửi thư tới các em nhỏ.

Sau 5 tháng phát động, với gần 1 vạn bài dự thi gửi về, BGK cuộc thi đã chọn được 22 bài dự thi xuất sắc được trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và nhiều giải thưởng phụ khác. Tác giả nhận giải nhất chung cuộc là em Tạ Ngân An với bài viết mang tên Trường Sa nơi ta đến.

Nghệ sĩ Xuân Bắc giao lưu cùng em Tạ Ngân An

Chia sẻ cảm nghĩ tại lễ trao giải, Ngân An cho biết: “Cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” đã giúp em thay đổi suy nghĩ, không phải cái gì cũng lấp lánh cũng chứa đựng những màu sắc thú vị, đôi khi giản dị lại mang tới hương vị tuyệt vời. Nhờ cuốn sách này mà em hiểu về Trường Sa, thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn, trân trọng giá trị hòa bình hơn. Cũng nhờ thói quen đọc sách mà em biết không nên vòi vĩnh cha mẹ hay giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại”.

Á hậu Bùi Phương Nga và Hoa hậu Áo dài Phí Thùy Linh chụp ảnh kỉ niệm cùng em Tô Trang Anh - học sinh lớp 7A3 trường THCS Thanh Xuân - một trong những thí sinh đạt giải tại cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em lần thứ 9.

Có thể nói trong đời sống hiện đại, sách không chỉ là kho tàng tri thức quý báu mà còn là “chìa khóa” mở cửa tâm hồn, góp phần định hình suy nghĩ, tính cách của cá nhân. Đồng thời, sách còn là người bạn tinh thần vô giá mang đến niềm vui, sự thư giãn cho mọi người. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giới trẻ dần quên đi thói quen đọc sách lành mạnh, thay vào đó là các loại hình giải trí thiếu tính giáo dục và gây tác động xấu đến nhận thức của một bộ phận các bạn trẻ.

Vì vậy, sự ra đời và lan tỏa thông điệp ý nghĩa về văn hóa đọc của cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em được xem là điều cần thiết, cần được nhân rộng hơn trong tương lai để nhiều bạn nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi thiếu nhi đam mê đọc sách, đồng thời “đánh thức” văn hóa đọc của giới trẻ nói chung.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quang Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất