Ai cũng biết tầm quan trọng của mỗi bộ trang phục học đường. Nó giúp định hình thương hiệu, phong cách, thông điệp nhà trường muốn truyền tải, giúp xóa nhòa ranh giới giữa các học sinh và cũng giúp các bạn học sinh sinh viên được đẹp hơn, trang nhã và lịch sự hơn khi đi học. Ấy vậy nhưng nhiều trường học có những yêu cầu về trang phục khiến sinh viên hết sức bức xúc, phản đối nhiệt tình. Cùng điểm qua một số quy định tréo ngoe ấy để hiểu hơn những nỗi niềm “không biết tỏ cùng ai” của các bạn sinh viên nhé.
Mới đây, trường Đại học Tài chính - Marketing gây tranh cãi khi ban hành quy định: sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Được biết, nhà trường đề ra chủ trương khuyến khích sinh viên ăn mặc lịch nhằm nghiêm cấm việc ăn mặc hở hang, phản cảm của một số bạn nữ sinh. Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải làn sóng phản ứng của cánh sinh viên, nhiều người còn cho rằng việc hạn chế hoặc không khuyến khích mặc áo thun không cổ là một điều không hợp lý.
Trong khi nhiều người đang phản ứng với quy định mới của ĐH Tài chinh - Marketing thì có lẽ, họ sẽ phải giật mình hơn nếu biết rõ về quy định trang phục của các trường ĐH khác.
Sinh viên Ngân hàng bị kiểm tra đồng phục hàng tuần vào thứ 2 và thứ 6
Đại học Ngân hàng TP HCM từng khiến rất nhiều sinh viên bức xúc vì quy định tất cả sinh viên phải mặc đồng phục vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Trong khi bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ và TCCN không được bắt buộc sinh viên, học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường - nên việc Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM bắt sinh viên mặc đồng phục là không đúng với quy định của Bộ.
Theo quy định ĐH Ngân hàng TP.HCM đưa ra, ngày thứ 2 hàng tuần sinh viên nữ mặc áo dài xanh (có thêu logo trường), quần trắng; sinh viên nam mặc áo sơ mi trắng dài tay (có in logo trường), quần sẫm màu, áo bỏ trong quần.
Ngày thứ 6 sinh viên nữ mặc áo sơ mi vàng tay lửng,có nơ (có in logo trường), chân đầm màu đen, áo bỏ trong quần; Sinh viên nam mặc áo sơ mi vàng lửng (có in logo trường), quần sẫm màu, áo bỏ trong quần.
Các ngày còn lại trong tuần sinh viên ăn mặc lịch sự, kín đáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa học đường; không mặc quần cạp trễ, quần lửng, áo hở lưng, trang phục vải quá mỏng, quá bó sát, không đi dép lê, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ…
Nếu sinh viên không tuân thủ sẽ xử lý vi phạm nội quy sinh viên, Tùy vào số lần vi phạm sinh viên có thể không được giảng viên cho phép vào học, bị cán bộ lớp nhắc nhở và ghi lại số lần vi phạm để chấm điểm rèn luyện. Đồng thời văn phòng thanh tra cùng BCH Đoàn trường sẽ phối hợp kiểm tra từng lớp học trên giảng đường vào ngày thứ 2, thứ 6 và một số ngày bất kỳ trong tuần. Nếu sinh viên vi phạm sẽ lập biên bản vi phạm có sự xác nhận của giảng viên đứng lớp, chuyển kết quả kiểm tra về phòng Công tác sinh viên để xử lý; Thông báo tới giảng viên cố vấn nắm thông tin làm cơ sở đánh giá sinh viên…
Quy định này khiến sinh viên Ngân hàng vô cùng bất bình và ra sức phản đối. Các bạn cho rằng việc kiểm tra như vậy sẽ gây nhốn nháo, xôn xao trong lớp học, việc học tập sẽ bị gián đoạn và các bạn sinh viên cũng sẽ bị phân tâm, không thể tập trung học hành cùng nhiều bất tiện khác. Là sinh viên đã lớn các bạn có thể tự ý thức chứ không cần thiết phải kiểm tra hàng tuần giống như học sinh tiểu học, trung học.
Đại học Đồng Tháp cấm sinh viên mặc trang phục thể thao khi đến lớp, phải mặc đồng phục các ngày trong tuần
Quy định tréo ngoe này thực sự có thật khi Đại học Đồng tháp từng bắt sinh viên không được mặc trang phục thể thao khi đến lớp. Đặc biệt, trường này yêu cầu sinh viên phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần.
Trong đó, nữ sinh viên ngành Sư phạm giờ học lý thuyết, vào phòng thi phải mặc áo dài hoặc bộ váy áo, đi giày hoặc dép quai hậu. Sinh viên nữ các ngành khác khi lên lớp phải mặc đồng phục gồm quần âu, áo sơ mi và áo bỏ trong quần. Riêng với sinh viên các hệ liên thông, vừa làm vừa học và học viên cao học, khi đến lớp, vào phòng thi không được mặc quần jeans, áo thun. Nếu sinh viên mặc trang phục không đúng quy định sẽ không được cho vào lớp.
Cấm sinh viên mặc quần Jean
Năm 2014, ĐH Y khiến cộng đồng mạng dậy sóng tranh cãi bởi theo Quy chế văn hóa của trường ban hành từ, sinh viên đến trường phải mang thẻ sinh viên, học viên do nhà trường cấp; mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần…
Quy định này vấp phải làn sóng phản ứng của sinh viên bởi trang phục quần jean, áo phông vốn là sự lựa chọn phổ biến của rất nhiều người. Chúng không chỉ có thiết kế trẻ trung, năng động mà còn có giá thành hợp lý, vừa túi tiền sinh viên.
Đa số sinh viên đều cho rằng, quần jeans đi với áo sơ mi hoặc áo phông không cổ vẫn là một sự kết hợp đẹp mắt và tiện dụng. Nếu trường cấm thì chỉ nên cấm những loại quần như cạp trễ, quần rách, quần quá thùng thình.
Ngoài ĐH Y, hôi năm 2014, Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) cũng gây tranh cãi khi ban hành văn bản quy định về thực hiện văn hóa công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên (SV).
Cụ thể, chương I, điều 4, mục 8 của văn bản này ghi rõ “cấm mặc quần jeans, áo thun, mang dép lê”.
Ngay lập tức, quy định này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của sinh viên. Trước tình hình này, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cao Đạt cho biết, quyết định cấm giảng viên, SV mặc quần jeans, đi dép lê chỉ cấm đối với những trường hợp ăn mặc hở hang, thiếu thẩm mỹ. Do quy định “Cấm mặc quần jeans, áo thun, mang dép lê” chưa diễn đạt hết ý nên dẫn đến một cách hiểu là cấm giảng viên, SV mặc quần jeans, áo thun một cách tuyệt đối. Do vậy, trường sẽ quy định rõ ràng hơn về trường hợp này.
Nhà trường cũng lên tiếng khẳng định không cấm mặc quần jeans kín đáo đàng hoàng, chỉ cấm các loại quần jeans ngắn, rách trước, rách sau, trễ xuống trước bụng, tụt xuống sau lưng… (!).
Cứ tưởng rằng qua khỏi trường cấp 2, cấp 3, lên đến ĐH là nơi có thể tự do thoải mái, thế mà bây giờ các bạn sinh viên lại phải một lần nữa chịu đựng sự gò bó về quần áo, rất bất tiện về việc đi lại cũng như học tập. Những quy định về đồng phục như trên quả thật là khiến các bạn sinh viên “cười không ra nước mắt” phải không nào?