Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Cuộc hôn nhân của PGS Văn Như Cương và vợ: Suốt 56 năm chưa 1 giây ngừng nói yêu thương nhau

Chẳng điều gì có thể chia rẽ mối tình trường cửu của thầy Cương và cô Oanh, dù cho một người đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Ngày hôm ngay (10/9), chúng ta bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của PGS Văn Như Cương, một người thầy, người cha đáng kính của bao thế hệ học trò. 80 năm cuộc đời của thầy Cương không chỉ là những thế hệ học trò thành tài, mà trong đó còn là 56 năm cuộc hôn nhân của thầy và vợ, cô Đào Kim Oanh.

Không xa hoa phù phiếm, mối tình của thầy Cương - cô Oanh bình dị và đơn sơ nhưng lại chính là niềm mơ ước của biết bao người chưa từng được nếm trải cảm giác hạnh phúc. Tình yêu thời “ông bà anh” không chỉ có trong câu hát hay chuyện cổ tích mà nó vẫn luôn hiện hữu ngoài đời thực và được vun đắp, giữ gìn từ những trái tim luôn yêu thương, hướng về nhau.

Mối tình đẹp của thầy giáo nghèo và cô tiểu thư Hà Thành

Ngày đó, thầy Văn Như Cương còn là sinh viên năm cuối Đại học Sư Phạm khoa Toán. Trong dịp đến thực tập tại trường nữ Trưng Vương đã may mắn gặp được cô nữ sinh Đào Kim Oanh - nàng tiểu thư Hà Thành xinh đẹp sở hữu nụ cười rạng rỡ và xuất thân từ gia đình có truyền thống giảng dạy.

Giờ học khi ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng dần trở thành thói quen đến nỗi khiến hai người trong cuộc cảm thấy khó chịu với ngày nghỉ cuối tuần. Buổi học những ngày cuối năm dần thưa thớt học sinh nhưng duy chỉ có nữ sinh họ Đào vẫn mỗi ngày chăm chỉ đến trường lắng nghe bài giảng của thầy. Tình yêu cứ thế tự nhiên nảy nở trong lòng hai tâm hồn đồng điệu.

Sau khi tốt nghiệp, thầy Cương được giữ lại làm giáo viên trợ giảng. Tình cách chịu thương chịu khó và đức hạnh trong nghề giáo của chàng trai nơi tỉnh lẻ được gia đình cô Oanh hết mực quý mến. Sau thầy được cử vảo giảng dạy tại trường đại học đầu tiên của Nghệ An, cô Oanh cũng được bố mẹ cho phép khăn gói theo chàng.

Năm 1961, cô Oanh tốt nghiệp, thầy Cương nhân cơ hội hỏi cưới người yêu. Cả hai chính thức nên duyên chồng vợ mặc cho sự khác biệt quá lớn về tầng lớp xã hội - điều mà hiếm có ai vượt qua thời bấy giờ.

Tấm thiệp cưới bình dị đậm chất “ngôn tình”

Thầy Cương không hay nói về cuộc sống gia đình cá nhân. Những gì người ta biết về thầy chính là nhờ những mẩu chuyện góp nhặt từ những người xung quanh. Như tấm thiệp cưới được con gái thầy Cương - cô giáo Văn Thùy Dương, từng chia sẻ trên trang cá nhân.

Trên đó chỉ vỏn vẹn hai cái tên Đào Kim Oanh và Văn Như Cương cùng lời thông báo gửi đến bạn bè: “Theo ý chúa, bọn mình sẽ cưới nhau vào tối ngày 30/6 tại Vinh. Cậu mừng cho bọn mình nhé!”. Kèm theo bức ảnh cưới giản dị của cô dâu - chú rể đúng phong cách thời xưa. Không điểm tô hoa lá nhưng gương mặt của hai con người đều ánh lên niềm hạnh phúc khi cuộc đời chuẩn bị bước sang trang mới bên cạnh người bạn tri kỷ.

Về chung một nhà chưa được bao lâu, thầy Cương và cô Oanh lại bị chia cách bởi bom đạn chiến tranh. Mỗi người dẫn học sinh chạy theo hai ngả khác nhau. Hai trái tim ở hai nơi khác nhau nhưng luôn đập chung một nhịp. Tôi chưa từng nghĩ thầy Cương - một giáo viên tốt nghiệp khoa Toán, lại có thể viết nên những vần thơ đầy cảm xúc như thế này:

“Anh và em, ta yêu nhau mà chẳng được sống gần nhau

Giữa hai chúng mình hố bom dày chi chít

Trên con đường ta đi, cây trồng những năm xưa nay đều chết hết

Những nhịp cầu đau như những vết thương sâu…”

Mối tình “ông bà anh” tựa như chuyện cổ tích

Nhìn vào thầy Cương, ta thấy một người thầy nghiêm nghị, ít cười nhưng ánh mắt lúc nào cũng chứa chan tình yêu thương, nhất là dành cho người vợ bên cạnh. Những bức ảnh ít ỏi được thầy cô thay nhau chia sẻ trên mạng với dòng caption cực ngắn nhưng chứa đựng trong đó là tình yêu ngọt ngào dành tặng cho một nửa đời mình.

“Chuẩn bị đến trường”

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, thầy không bao giờ quên ân cần gọi người vợ yêu quý của mình bằng em, xưng anh. Theo như lời cô Văn Thùy Dương, thầy không bao giờ xưng hô như thế với bất kỳ ai trừ vợ và em gái. Vài chục năm bên nhau, thầy Cương luôn dành cho cô Oanh một tình yêu vẹn nguyên mãi như ban đầu. Ai nói “nâng khăn sửa túi” là nghĩa vụ của vợ, thầy vẫn ngày ngày chăm chút cho tà áo dài đến trường của cô.

Chỉ khi ở bên cạnh người bạn đời của mình, thầy Cương mới tươi cười rạng rỡ đến thế!

Một năm trước, khi trào lưu nhắn tin cho chồng với cú pháp “Em yêu anh” nở rộ trong cộng đồng các bà vợ, thầy Cương cũng đăng đàn để hòa vào cơn sốt này. Thầy bảo nhận được tin nhắn thế này từ vợ chả có gì phải sửng sốt cả, rồi thầy sẽ nhắn lại: “Anh yêu em”. Bởi lẽ giữa thầy và cô bên cạnh hành động săn sóc nhau, cả hai chưa từng quên nói với người còn lại rằng họ yêu đối phương đến mức nào. Điều mà bất cứ cặp đôi nào hẳn cũng từng hối tiếc khi phải nói lời chia ly.

Không gì có thể chia lìa mối tình này, kể cả cái chết

Năm 2015, thầy Cương bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hiểm nghèo, cô Oanh luôn là người đêm đêm túc trực bên cạnh thầy. Tình yêu của cô đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy, giúp thầy có thể mạnh mẽ chiến đấu với từng đợt hóa trị đau đớn và luôn giữ cho mình vẻ hào sảng, minh mẫn vốn có.

Cuối năm ngoái, cô Văn Thùy Dương chia sẻ dòng status ngắn gọn nhưng khiến ai nấy cũng phải xuýt xoa ngưỡng mộ tình yêu của thầy cô. “Sáng nay đưa Bố đi cà phê nhé! Hai bố mẹ còn ngồi cạnh và nắm tay nhau. Mẹ bảo “như hồi mới yêu ý nhỉ?!”. Bố cười mủm mỉm như kiểu ngượng ý. Yêu kinh!”. Ánh mắt cô vẫn thế, vẫn tràn ngập tin yêu hướng về phía thầy - người đàn ông tuyệt vời nhất đời mình. Ngay khoảnh khắc này tôi biết, chẳng điều gì có thể ngăn cách tình yêu của hai con người này, kể cả cái chết.

Ngày lễ tình yêu 14/2 những tưởng chỉ có lũ trẻ ngày nay mới háo hức. Ấy vậy mà thầy Cương và vợ vẫn cứ ăn mừng “Valentine… xế muộn” đó thôi. Thế mới nói, tình yêu ai màng đến tuổi tác, quan trọng nhất vẫn là tình cảm hai người dành cho nhau.

Ngày hôm nay, thầy Cương đã ra đi, về với đất mẹ nhưng chắc chắn rằng trái tim của thầy vẫn tiếp tục sống, cùng chung nhịp đập với cô Oanh. Cuộc hôn nhân gắn bó suốt 56 năm chưa một lần ngừng yêu thương của thầy cô trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả mọi người. Nhất là ở thời đại này, tình yêu ngày càng sớm “lão hóa” khiến người ta tin rằng tình yêu bất diệt xa xỉ có lẽ chỉ thuộc về thế giới cổ tích.

Sự ra đi của thầy Cương, cô Oanh là người đau đớn và mất mát nhiều nhất. Nhưng tôi tin rằng tình yêu to lớn và kỷ niệm quý báu mà thầy để lại sẽ là nguồn động lực lớn nhất cho cô sống tiếp, như luôn có hình bóng thầy hiện hữu.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm