Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới'

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới'

Logo Saostar - Special special

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới'

Copy Link
Chia sẻ
Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 1

Anh Minh Thành, sinh năm 1968 trong một gia đình có 8 anh chị em ở Sài Gòn. Ngày nhỏ, anh đã mê cải lương. Anh kể: “Lúc đó, mình đâu biết làm nghệ sĩ là làm sao, chỉ biết là khi tiếng đờn nổi lên là mình mê lắm, thích thú rồi hát theo. Thời điểm ấy, nghệ thuật sân khấu cải lương đang trong giai đoạn hoàng kim. Ba má tui cũng thích cải lương, thành ra mình cũng được đi hát, biểu diễn ở tỉnh”. Để có tiền trang trải thêm, anh tự đi mua mít, sầu riêng... rồi ngược xuôi khắp Sài Gòn bán.

Lớn lên, anh nhận ra mình là người đồng tính. Tuy nhiên, vào thập niên 70-80 để công khai xu hướng tính dục của mình là một điều không dễ. Anh kể: “Hồi xưa, để người ta gọi mình một tiếng bê đê là nặng nề lắm. Tui cũng chưa bao giờ dũng cảm để đứng trước mặt má mà nói con thương con trai, nghen má. Nó … kì cục lắm, nên đi đâu tui cũng phải “gồng”. Vì thế, ba má cứ nuôi hy vọng rồi tui sẽ lấy vợ, sinh con và có người nối dõi”.

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 2

Vì mê cải lương, anh rong ruổi đi theo các đoàn hát trải dài từ miền Trung đến miền Tây. Một hôm, má xuống tận đoàn hát để đưa anh về. Ngày ấy, thanh niên hai mươi mấy tuổi, coi “trọng trọng” là phải nghĩ đến chuyện lấy vợ, sinh con. Mà chuyện lấy vợ của anh cũng thật là … ngang trái. Má đi về Đồng Tháp chơi, ngó cô đó thấy ưng cái bụng, về nhà bỏ bông (đặt đôi bông ở nhà gái để xin cưới - PV). Vậy mà cô gái cũng đồng ý và theo má lên đến Sài Gòn.

Anh nhớ lại: “Vì chữ hiếu đối với ba má, tui đành phải lấy vợ. Ngày cưới đối với tui là một … cực hình, phải giả xỉn say, đau ốm để nằm bệnh viện. Đêm tân hôn, vợ chồng bước vào phòng ngủ má đứng bên ngoài mong coi hai đứa có … cục cựa gì không. Tui cảm giác áp lực kinh khủng. Đêm đó tui không hề đụng vào cổ, phần vì không muốn người ta khổ, phần vì sợ phải sống cuộc đời không phải là của mình”. Sau ngày hôm đó, anh quyết định nói thật với má: “Má ơi, con chỉ thương con trai”.

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 3

Chị Tư Nhĩ (chị ruột anh Minh Thành) chia sẻ: “Hồi Thành còn nhỏ, trong nhà không ai biết nó là người đồng tính. Má thấy nó một mình lầm lũi đi làm cực quá nên cứ đi hỏi vợ cho nó miết. Nó từ chối nhiều đám lắm, xong rồi đành phải gật đầu để làm tròn chữ hiếu. Nhưng rồi không chịu đựng được, Thành phải thú nhận mình là chỉ yêu con trai. Ai cũng bất ngờ, nhưng chỉ có chị Tư là thương nó nhất. Vợ Thành vẫn làm dâu cho má, làm tròn bổn phận của một người vợ. Hai vợ chồng không ở gần nhau, người Sài Gòn, người Đồng Tháp nhưng ba má có đau yếu gì em vẫn lên chăm sóc”.

Hơn 30 năm qua, anh không hề đụng vào vợ, nhưng chị vẫn không tin chồng mình là người đồng tính. Đối với chị, anh chỉ đang bị một “căn bệnh” nào đó. Có lúc, anh cũng nghĩ rằng mình sẽ có một đứa con, nhưng rồi lại thôi vì anh không muốn làm dở dang cuộc đời người phụ nữ đã hy sinh vì mình quá nhiều. Nếu chị có con, chắc hẳn sẽ khó đến với người đàn ông khác. Nhưng chị vẫn ở đó, chăm sóc và xem anh như chồng mình trong suốt 30 năm qua. 

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 4

Anh bùi ngùi: “Vợ tui giỏi giang, tháo vát lắm, nhiều lúc tui nghĩ cổ mắc nợ tui. Tui nói thiệt mình là người đồng tính nhưng cổ vẫn không tin. Cổ xem tui như một người chồng, nhưng tui xem cổ là một người bạn. Tui đã từng nghĩ là nghiệp của mình nặng quá, nên phải chấp nhận”.

Từ người bán hàng rong, chẻ củi, đi hát, làm bầu sô nhỏ đến bầu sô lớn, đến khi nắm được tài sản kha khá trong tay, anh vẫn cô đơn một mình. Anh từng yêu rất nhiều người đàn ông, nhưng mối tình nào cũng kết thúc trong đau khổ. Có người được anh giúp đỡ, nhưng rồi người ta cũng rời đi sau khi đã nhận được quá nhiều từ anh. Anh yêu hết lòng, mà cũng thật đau đớn khi mất đi tất cả. 

“Có những lúc tui thấy mình sao mà cô đơn quá. Người ta cũng như mình mà có người thương, người hủ hỉ, tâm sự mỗi tối. Nhiều đêm tui về nhà, ngồi đó thẫn thờ và thức tới sáng, thấy nỗi buồn như đang nuốt chửng mình”, anh nhớ lại.

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 5

Anh Thành đã từng trải qua giai đoạn trầm cảm vì tình yêu. Những mối tình đứt gãy, dở dang để lại trong lòng anh những vết thương sâu hoắm. Những lúc đó, chị Tư của anh luôn ở cạnh, ngày nào cũng sang nhà cơm nước, bóp tay, bóp chân, trò chuyện cùng anh… 

Là một người phụ nữ đã gần 60 tuổi, chị vẫn nói về người đồng tính bằng một thái độ đầy yêu thương: “Đối với tui, nó có yêu con trai hay như thế nào đi chăng nữa vẫn là em mình. Thương là thương vì nó không vợ con, người lo lắng sau này lúc về già. Nó bệnh trầm cảm, một tay tui chăm sóc, an ủi, động viên nó. Tui nói với nó, người thương mình sẽ ở lại, còn người mà chỉ cần tiền bạc ở mình thì người ta đi, vậy thôi”.

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 6

Đó là cái tên thân thương mà cộng đồng người chuyển giới, đồng tính ở Sài Gòn gọi anh. Hiện tại, anh đang có một quán ăn tại quận Tân Phú. “Nó bệnh miết cho đến khi quyết định mở cái quán này mới vui vẻ trở lại. Bởi đây là nơi dành cho nhiều bạn đồng tính tới hát, biểu diễn, có người ra vô gọi má ơi, má à… khiến nó cũng nguôi bớt sự buồn bã trước đó”, chị Tư kể thêm. 

Quán ăn của “má Thành” có khi không có lời, nhưng đây là nguồn vui to lớn cho cuộc đời đã có quá nhiều nỗi niềm của anh. Đây cũng là nơi mà cộng đồng người chuyển giới, đồng tính đến để giao lưu, bầu bạn với nhau.

Cuộc đời thăng trầm của 'ông trùm bầu sô cho người chuyển giới' Ảnh 7

Có giai đoạn, hầu như trong giới bầu sô tại Sài Gòn không ai là không biết đến “má Thành”. Các buổi tiệc gia đình, đám ma, đám cưới… muốn có người hát đều nhờ đến anh. Vì vậy, anh được nhiều bạn bè trong cộng đồng LGBT quý mến. Có cơ ngơi riêng, anh xây phòng trọ cho thuê, cho người đồng tính gặp khó khăn ở miễn phí

“Tui có nhiều đứa “con gái” lắm. Nó gắn bó với má Thành từ khi còn là một người đàn ông, rồi lên đường đi phẫu thuật và trở về trong hình hài của một cô gái. Thương tụi nó như con, nên mấy đứa đi đâu cũng nhớ tới má. Cuộc đời mình đã buồn quá rồi nên mình muốn giúp đỡ cho tụi nó có chỗ nương tựa”, anh Thành bộc bạch.

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tú Nguyễn

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp