Năm 77 tuổi, một mình bà đi bộ lên đỉnh núi Yên Tử thăm chùa đồng. 90 tuổi vẫn đăng ký tham gia chuyến đi xuyên Việt bằng ô tô và tự mình khám phá động Thiên Đường… là những thành tích đáng nể của cụ bà thú vị và nhiều dễ thương này.
Cụ Bùi Thị Đây, sinh năm 1923, tại TP HCM trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề kinh doanh tranh thêu. Ngay từ khi còn trẻ cụ đã rất yêu thích việc đi đó đây để khám phá những điều mới lạ.
Trở về sau chuyến đi kéo dài 17 ngày, cụ Đây đã có dịp trò chuyện cùng phóng viên Saostar để kể về hành trình đầy ấn tượng của mình. “Trước thời điểm khởi hành một ngày bà bị tuột huyết áp, nhưng vì rất mong muốn được tham gia chuyến đi thú vị này nên bà đã quyết định giấu gia đình, để các con không lo lắng” - Cụ Đây hóm hỉnh kể lại kế hoạch đầy mạo hiểm của mình.
Hành trình xuyên Việt bắt đầu từ ngày 12/10, kéo dài từ TP HCM đi qua các tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quãng Nam, Nha Trang. Chuyến đi là sự thử thách về sức khỏe ngay cả đối với những người trẻ, thế nhưng đây không phải là lần đầu tiên cụ bà ngoài 90 tuổi này thực hiện một chuyến đi dài, vì vậy mọi thứ đều được chuẩn bị rất chu đáo, từ thứ ăn nhẹ cho đến thuốc men cần thiết đủ để có thể an tâm cho một hành trình an toàn.
Cụ bà tâm sự: “Chặng khởi hành có lẽ là vất vả nhất đối với cả đoàn. Xe chạy liên tục vượt 600km từ TP HCM đến Bình Định, lâu lâu chỉ dừng lại nghỉ ngơi tí xíu rồi đi tiếp, thế nên một số thành viên trong đoàn bị nhức đầu và nôn mửa, còn bà thì quen rồi nên không bị ảnh hưởng nhiều”.
Thông thường khi đến các địa điểm tham quan, cụ thường cùng các thành viên khác đi thăm thú quan cảnh, trò chuyện cùng người dân địa phương để hiểu hơn về nét văn hóa của từng vùng miền. “Điều bà tiếc nhất là không thể ăn được ớt, nên không thể thưởng thức được một số món đặc sản của một số nơi” - Cụ tâm sự.
Anh Duy Minh (hướng dẫn viên của đoàn) nhiệt tình và hào hứng khi chia sẻ về cụ: “Tuy đã lớn tuổi nhưng sức khỏe của cụ còn rất tốt, có thể tự mình đi bộ một chặng đường dài cùng cả đoàn mà không than phiền hay mệt mỏi. Hơn nữa cụ cũng rất minh mẫn, và vui tính. Đây là trường hợp hiếm thú vị mà tôi gặp được trong nhiều năm làm nghề của mình”.
Trong hành trình lần này, khi đoàn dừng chân tại tỉnh Quảng Bình, đã đến tham quan động Thiên Đường, những tưởng cụ sẽ không đủ sức khỏe để đi cùng mọi người, thế nhưng cụ lại rất hăng hái tham gia. “Giờ bà yếu rồi, nên một vài đoạn phải nhờ các bạn trẻ dìu đi, chứ hồi năm bà 77 tuổi, một mình bà đi bộ lên tận đỉnh núi Yên Tử thăm chùa đồng đấy. Lần đó có một số bạn thanh niên ngỏ ý dìu bà lên mà bà không chịu, vì nghĩ mình còn có thể tự đi được hà cớ gì phải làm phiền đến người khác” - Cụ hóm hỉnh kể lại kỷ niệm.
Khi được hỏi về bí quyết để có được một sức khỏe tốt, cụ Đây tươi cười cho rằng mình không hề có một chế độ dinh dưỡng hay thể thao nào đặc biệt. “Thích món gì thì ăn món đó, nhưng tuyệt đối bà không ăn thức ăn bán ở ngoài đường. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần, một khi sống thoải mái, vô ưu vô sầu, thì mình sẽ trẻ mãi thôi cháu à!” - cụ chân thành chia sẻ.
Sức khỏe đối với con người vẫn luôn là thứ quý giá nhất. Việc giữ tinh thần lạc quan với cụ Đây có thể đơn giản, nhưng với nhiều người chắc chắn sẽ còn khó khăn, nhất là khi cuộc sống có quá nhiều mối bận tâm về cơm áo gạo tiền. Thế nhưng hãy tập cân bằng cho cuộc sống của chính mình, để tinh thần luôn thoải mái và tươi trẻ. Và rồi đến 90 tuổi chúng ta vẫn có thể đi đó đây, làm những điều mình thích.