Đối với những người đã lập gia đình, nhất là các bà vợ thì hội chứng hay quên, sợ tiếng khóc trẻ con, chán dạy con… đã không còn xa lạ. Mặc dù vậy những năm gần đây, họ còn “mắc” phải hội chứng sợ Tết.
Tâm lý sợ và chán Tết giống như một loại virus ủ bệnh trong cơ thể những người đã có gia đình và bùng phát vào dịp cuối đông đầu xuân. Hội chứng sợ Tết đang dần lan nhanh trong các gia đình, gây áp lực đối với họ.
Vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là bước sang thềm năm mới Mậu Tuất, trên mạng xã hội chị em dường như rủ nhau than thở về chuyện không thích Tết. Điệp khúc “đang yên đang lành tự nhiên Tết” lại một lần nữa vang lên rầm rộ.
“Tết” một chữ thôi cũng khiến rất nhiều người lao động phải “guồng” lên lo toan, tất bật thu vén chuẩn bị cho ngày Tết. Có lẽ chỉ có những đứa trẻ vô lo, vô nghĩ và đang ở tuổi ăn tuổi lớn mới mong đến Tết.
Có những người lao động làm lụng vất vả cả năm chỉ đến vun vén cho mấy ngày Tết lo đủ, thậm chí bao nhiêu tiền chi cho những danh mục không tên. Bên cạnh đó còn có những người “nước đến chân mới nhảy”, ngày trong năm thảnh thơi đến Tết công việc dồn vào quá nhiều lại tất bật. Bấy nhiêu thôi cũng khiến người ta sợ Tết.
Ngoài ra nhiều đứa con làm ăn xa quê chỉ mong đến Tết về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Bởi vậy mới nói dù yêu hay ghét Tết vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong con người Việt Nam.