Cô giáo trẻ và những học sinh đặc biệt
Với ca khúc được cô giáo bắt nhịp, các bé trong lớp học Trẻ thơ (Mai Dịch,Hà Nội) có bạn hát đúng, có bạn hát sai, có bé chỉ biết ngồi im, rồi lại cười ngô nghê.
Khác với nhiều ngôi trường dành cho các bé “đặc biệt” khác, ở ngôi trường này, những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển được hòa nhập với các bạn trong cùng một lớp. Đó là hình ảnh thường ngày trong lớp học của cô giáo Trần Ngọc Thủy (SN 1991).
Có lẽ, nếu không quan sát kỹ, sẽ không nhận ra được sự khác biệt giữa trẻ tự kỷ và trẻ bình thường khi các em được học chung một lớp. Cô Thủy chia sẻ: “Không giống như những trường học khác, tại đây các cô giáo luôn muốn trẻ tự kỷ, chậm phát triển được hòa nhập với môi trường cùng các bạn bình thường khác. Những đứa trẻ đặc biệt cũng có xuất phát điểm bình thường, chúng cũng cần được yêu thương và quan tâm. Nếu bạn biết cách chơi đùa, dạy dỗ, các em cũng như bao đứa trẻ khác sẽ biết yêu thương và có cảm xúc rõ rệt”.
Trong lớp học đặc biệt của mình, mỗi trẻ có tính cách, biểu hiện khác nhau. Có trẻ khi mới đến lớp thì không nói được, có trẻ thờ ơ vô cảm, có trẻ chỉ biết im lặng … Do đó, với mỗi con, cô Thủy có phương pháp giáo dục đặc biệt riêng.
Cô Thủy kể: “Có những bé ở dạng nặng, dù rất lớn nhưng không thể nói được, không nhận biết được mọi thứ xung quanh. Có con còn tự làm bản thân mình bị thương bằng việc cào lên mặt, tự bấu vào tay hay giật tóc”. Có bé khi được hỏi vẫn im lặng, không chút phản xạ. Có những bé, chỉ nghe thấy tiếng động lạ có thể ngồi khóc cả ngày.
Kể về quãng thời gian ngày đầu đi dạy, cô Thủy tâm sự: “Ngày đầu mình đi dạy, trẻ vừa nhìn thấy mình đã lao vào đấm liên tiếp vào ngực. Lúc đó mình sợ lắm, chỉ biết ngồi khóc. May có cô giáo hướng dẫn mình đã can thiệp kịp thời. Cô nắm tay con và xoa dịu, con bỗng dịu lại hẳn, không còn trạng thái hung hăng nữa. Có lần mình nói với con hãy cất đồ chơi sau khi chơi xong, nếu là đứa trẻ bình thường chúng sẽ vâng lời, làm theo ngay. Nhưng đối với trẻ đặc biệt thì khác, khi nghe mình nói vậy, dù chiếc bàn gỗ để đồ chơi nặng đến thế con cũng nhấc lên cho được và hất hết đồ xuống sàn rồi đẩy bàn vào người mình. Dù đau lắm, nhưng mình vẫn phải chịu đựng dể ôm con, xoa lưng, vỗ về để con bớt căng thẳng”.
Nghề dạy học chưa bao giờ là công việc dễ dàng nhất là dạy trẻ đặc biệt càng khó khăn và thách thức nhiều hơn. Bởi vậy, nhiều người đã từng hỏi, vì sao cô Thủy lại chọn con đường làm khó bản thân như thế.
Cô Thủy chia sẻ: “Đối với trẻ đặc biệt, ngoài tình thương còn là sự nhiệt huyết dành cho công việc. Cách đây 6 năm khi mới vào nghề, lớp học đặc biệt như hiện nay chưa được phổ biến, nhưng nhờ sự hướng dẫn từ người đi trước, mình đã tìm ra được đam mê trong công việc. Càng tiếp xúc với các con mình càng nhận ra nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống”.
Với những đứa trẻ đặc biệt, lòng kiên trì vô cùng quan trọng. So với trẻ bình thường khác, trẻ mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển luôn gặp khó khăn khi giao tiếp với môi trường xung quanh. “Có những lúc mình muốn dừng lại, nhưng rồi phụ huynh gọi điện nói rằng, nếu em nghỉ thì con chị, gia đình chị biết phải làm sao. Chị và con đặt trọn niềm tin vào em, chỉ cần con chị còn đi học thì còn niềm tin. Nghe những lời của phụ huynh có con tự kỷ như vậy, mình không đành lòng, chính những lúc như vậy đã khiến mình càng phải tự nhủ với bản thân cố gắng hơn nữa” - cô Thủy xúc động nói.
Tình yêu ấy không tự nhiên mà đến, nó được vun đắp từng ngày, qua quãng thời gian dài 6 năm giảng dạy và tiếp xúc với trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Cô Thủy chỉ mong muốn rằng, những đứa trẻ ấy sẽ được phát triển bình thường, hòa nhập với cuộc sống như bao trẻ khác.
Câu chuyện về nghề, về cuộc sống của một cô giáo dạy trẻ tự kỷ
Trong số nhiều học sinh từng tham gia giảng dạy, cô Thủy thương trẻ bao nhiêu thì thương bố mẹ các con không kém. Bố mẹ các bé tự kỷ thường hay ngần ngại về chứng bệnh con mình không may mắc phải thậm chí nhiều người không chịu chấp nhận sự thật ấy. Có phụ huynh còn giấu gia đình cho con đi học lớp dành cho trẻ đặc biệt.
Cô Thủy vẫn nhớ mãi trường hợp của cháu N. dù đã hơn 6 tuổi nhưng vẫn chưa thể đến lớp như bao bạn bè khác bởi con không nói được. “Khi mẹ đưa con đến gặp mình cậu bé không thể nói được, bố mất sớm nên gia đình khá khó khăn. Nhưng người mẹ không từ chối bất kì hoạt động nào trường tổ chức, có thể nghỉ việc để đồng hành cùng con trong hoạt động ngoại khóa. Mình và đồng nghiệp vô cùng thương con và chia sẻ với hoàn cảnh gia đình. Mình dạy con không nhận tiền công, chỉ mong con có thể phát triển được bình thường. Ban đầu, con không thể phát âm bất kì tiếng gì cả, nhưng nhờ sự nỗ lực từ cả thầy và trò, N. đã biết gọi mẹ, gọi cô dù không rõ. Cho đến nay, 6 năm qua mình vẫn không quên được cậu học trò đó”.
Quá yêu nghề và thương các con, đôi lúc cô Thủy đã lơ đãng đi chính cô con gái đầu lòng, để rồi thiếu chút nữa thôi, cô sẽ phải hối hận: “Có thể do tiếp xúc nhiều với trẻ đặc biệt nên khi con mình 2 tuổi rồi vẫn chưa biết nói, mình cho rằng đó là chuyện không cần phải lo lắng. Bởi công việc quá bận, mình thường xuyên tiếp xúc với trẻ đặc biệt, nên nghĩ con mình cũng vậy. Nhưng rất may, khi phát hiện ra điều không đúng, con mình thiếu chút nữa trở thành trẻ đặc biệt, mình đã tạm dừng công việc để chăm lo cho con. Sau đó, khi quay trở lại lớp, mình đã biết cách sắp xếp giữa công việc và gia đình”.
Khi hỏi cô Thủy mong muốn điều gì trong ngày 20/11, cô Thủy nói, chỉ cần nhìn được các con khỏe mạnh và mỗi ngày có sự phát triển nhất định và các con có thể gọi được hai tiếng “cô ơi”, đó chính là niềm vui lớn nhất của cô.
Những gì cô Thủy hay nhiều cô giáo dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển đang âm thầm làm ấy, kiên nhẫn với các trẻ đặc biệt để giúp chúng hòa nhập cộng đồng là những hy sinh đáng trân quý. Đó quả thực là trái tim của một người mẹ thương con, mới đủ bao dung và kiên nhẫn đến vậy.