Amanda Huỳnh sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nha Trang, trong một gia đình nhỏ với bố mẹ đều là công chức. Từ bé cô đã bộc lộ năng khiếu là một học sinh yêu văn thơ và thích vẽ tranh. Cô từng học chuyên văn, tốt nghiệp loại giỏi và đạt giải thủ khoa toàn tỉnh, xuất hiện trên sóng truyền hình cùng nhà báo, MC nổi tiếng Lại Văn Sâm.
Khó khăn lắm mới sắp xếp được cuộc trò chuyện với Amanda Huỳnh, vì dù thường xuyên về Việt Nam nhưng cô luôn dành thời gian cho gia đình và các chương trình thiện nguyện. Cô là một cô gái có cá tính khá “lạ”, dù học Luật, làm Luật sư nhưng lại mang một tâm hồn thi sĩ, lãng mạn và còn là một fashionista chính hiệu. Vì thế trang Facebook cá nhân của người đẹp luôn nhận được rất nhiều sự yêu mến từ các bạn trẻ.
Trong những ngày cuối cùng ở lại Việt Nam để hoàn thành thủ tục xuất bản cho quyển sách đầu tay mang tên “Lam”, người đẹp đã dành hẳn một buổi chiều trò chuyện thú vị. Giữa không gian ấm cúng của một quán cà phê trên đường Đồng Khởi vào một chiều mưa, cô vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa kể về cuộc hành trình lấy được bằng Tiến sĩ Luật, những du học sinh trên đất Pháp, và cả những chuyện tình xuyên biên giới đẹp như cổ tích.
Hành trình lấy bằng Tiến sĩ Luật gian nan trên đất Pháp
Sau khi hoàn thành chương trình đại học trong nước, Amanda Huỳnh nhận được học bổng liên thông trực tiếp lên Thạc sĩ Luật tại Pháp. Tuy nhiên ngoại ngữ lẫn kiến thức luật của nước sở tại cô lại không được trang bị kỹ càng. Đó là một khó khăn lớn. Ngành luật kinh tế lại là một trong những ngành khó nhất của Pháp. Chương trình học Thạc sĩ gồm 14 môn và một luận văn, tất cả phải hoàn thành trong 9 tháng học. Lúc khăn gói ra đi, Amanda Huỳnh chia sẻ cô đã linh cảm chuyến này “lành ít dữ nhiều”, cầm chắc là tiêu, nhưng cô gái bé nhỏ đã tự an ủi mình: “Cứ đi sẽ đến, cứ làm sẽ được, không được cũng không sao”.
Trong vòng ba tháng đầu lên lớp, các giáo sư hoàn toàn không nhắc lại kiến thức đại học mà đi thẳng vào phân tích các chủ đề chuyên sâu nên cô không thể hiểu được khi nghe giảng ở lớp. Amanda Huỳnh chia sẻ: “Có những lúc tôi cảm thấy áp lực đến độ muốn bỏ hết tất cả mọi thứ để quay trở về Việt nam ngay với bố mẹ, nhưng nghĩ đến sự kì vọng của gia đình thì tôi lại không đủ can đảm. Sống xa nhà, nếu không có ý thức tự lập bạn sẽ có thể gục ngã bất cứ lúc nào”.
Những ngày sau đó, Amanda Huỳnh quyết định không chép bài nữa mà chỉ tập trung ngồi nghe và mượn tập của các bạn, tối về lại cặm cụi viết lại theo dàn ý riêng của mình. Cô đã phải trải qua những chuỗi ngày dài làm việc “xuyên màn đêm” như thế trong suốt một năm dài. Trời không phụ lòng người, trải qua những vất vả, một năm sau cô lấy được bằng Thạc sĩ, 3 năm kế tiếp giành được tấm bằng Tiến sĩ. Đó là một thành tích học tập đáng nể mà ít có du học sinh ngành Luật nào đạt được.
Nhắc đến những ngày tháng đã qua, Amanda Huỳnh chia sẻ sống ở nước ngoài có rất nhiều những khó khăn nhưng những khó khăn ấy đôi lúc lại là những trải nghiệm vô cùng thú vị giúp bạn trưởng thành hơn. Đó không chỉ là những vất vả, rào cản ngôn ngữ, văn hóa,… mà có khi là những khó khăn “từ trên trời rơi xuống”. Cô kể: “Sáu tháng trước khi bảo vệ luận văn tiến sĩ, phòng tôi ở ký túc xá bị trộm, lúc tôi vắng nhà. Mọi thứ đều đã bị lấy hết, kể cả tiền bạc, giấy tờ, máy ảnh, hộ chiếu, thẻ cư trú, thẻ sinh viên, thẻ ngân hàng, điện thoại và cả máy tính,…
Mọi việc rất khó khăn, vì ngay cả đi báo cảnh sát hay đến trường thì tôi cũng không có bất cứ thứ giấy tờ nào để chứng minh mình là ai. Nhưng điều tồi tệ nhất đó là luận văn tiến sĩ hơn 500 trang, chưa in, chưa gửi. Nghĩa là công sức của ba năm nghiên cứu không còn gì cả. Và sáu tháng tới là ngày bảo vệ. Tình thế thực sự rất bi đát. Tôi đã bực tức đến mức viết một lá thư rất dài, dán trước cửa ký túc xá, gửi tên trộm, rằng tôi thực sự không ghét bỏ gì họ, vì có thể họ đã rất khó khăn khi làm thế, nhưng tôi cần máy tính, sẵn sàng chuộc lại, và nếu cần thì chỉ cần họ chép luận văn đang viết của tôi vào USB, trả lại cho tôi. Dĩ nhiên là… không có ai trả lại nhưng lá thư đó có rất nhiều người đọc, từ ban giám đốc ký túc xá, sinh viên đến cả bác lao công. Những ngày sau, có rất nhiều người không quen gõ cửa, lúc cho túi bánh, lúc cho đồ ăn (vì sợ tôi không có tiền đi chợ) hoặc đôi khi chỉ để nói những lời động viên ấm áp vô cùng. Tự nhiên, thấy mình không hề đơn độc, thậm chí tôi đã nghĩ, nếu không có chuyện này xảy ra, có lẽ là mình không biết tình người đáng trân quí đến dường nào”.
Giữ vị trí quan trọng trong nhiều tập đoàn danh tiếng
Khi còn là sinh viên, mặc dù nhận được học bổng nhưng Amanda Huỳnh chia sẻ cô vẫn đi làm thêm và làm không thiếu một việc gì. Từ phục vụ bàn, rửa chén, đứng quầy, tính tiền, bán hàng, thư ký, trợ lý,… Mỗi công việc đều có khó khăn riêng, nhất là việc vừa học vừa làm, chiếm thời gian đáng kể. Cô chia sẻ nhiều bạn sinh viên khi đặt chân đến Pháp vừa bất ngờ, hoang mang lẫn áp lực khi phải đối điện với các khoản tiền học phí, chi phí sinh hoạt,… đắt đỏ của Paris. Chính vì thế nên nhiều du học sinh Việt phải chủ động tìm việc làm thêm. Các bạn thường chọn những nhà hàng Châu Á để “dừng chân”. Tuy nhiên mức lương họ trả thường thấp hơn nhiều so với quy định. Nhiều chủ nhà hàng còn lợi dụng tâm lý muốn làm thêm của sinh viên để ăn bớt tiền lương hoặc giao cho họ những công việc nặng nhọc, quá thời gian quy định. Nhiều sinh viên vì phải đi làm kiệt sức rồi dẫn đến nợ môn, bỏ học,… thậm chí có bạn còn bị trục xuất về nước vì vi phạm các quy định về lao động của chính phủ Pháp, trong khi chưa nhận được bằng cấp.
Những trải nghiệm của các công việc part time đã giúp cô có thêm nhiều kĩ năng và động lực cố gắng, để nhiều năm sau đó giữ được các vị trí quan trọng ở nhiều tập đoàn danh tiếng của Pháp như Giám đốc Kymdan Pháp (2008), Luật sư nội bộ của tập đoàn Saint Gobain (2011-2012), Giám đốc pháp lý tập đoàn BIPE (2013-2014),…
Trong đó Saint Gobain là tập đoàn lớn nhất nhì nước Pháp. Amanda chia sẻ thời điểm cô apply vào đây là lúc cô chưa hề có kinh nghiệm nhiều, bạn bè còn nói: “Mày khùng hả, ai mà nhận, tập đoàn đó lớn khủng khiếp mà!”. Tuy nhiên cô đã vượt qua được 2000 hồ sơ để tiến thẳng vào công ty. Nhắc đến những kì tích đã qua, người đẹp chia sẻ: “Chỉ cần bạn làm điều gì đó bằng quyết tâm và đam mê thì trời sẽ chẳng bao giờ phụ lòng người”.
Mang chuyện tình Paris lãng mạn lên tác phẩm đầu tay
Sau nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, cô quyết định cho ra mắt quyển sách đầu tay mang tên “Lam”, là tác phẩm kết hợp tranh vẽ, với 41 trong số gần 1000 bức tranh của cô. Nhân vật chính trong “Lam” là những con người trẻ, với tất cả những tình cảm, yêu thương, đau khổ, những dằn vặt lẫn phân vân, những hoang mang nhất định trước quá nhiều thử thách của cuộc sống. Chỉ có một điều đặc biệt, đó là họ, những người trẻ này, sống ở nước ngoài, điều khiến họ trở nên lạc lõng và chới với hơn vì có thêm quá nhiều khác biệt, khó khăn, về văn hoá và ngôn ngữ.
Một điểm thú vị của tác phẩm lần này chắc chắn sẽ làm “rung rinh” trái tim của các bạn trẻ đó chính là những cung bậc cảm xúc về những chuyện tình đẹp như mơ của “Lam”. Lam trong truyện là một phần hình ảnh của Amanda, một cô gái đã sống và yêu với tất cả trái tim. Tác phẩm đầu tay của Amanda Huỳnh dự kiến ra mắt trong tháng 7/2016.