Thời đại mở cửa như hiện nay, việc 1 người có thể nói trôi chảy tiếng Anh đã không còn quá xa lạ. Thậm chí, có người còn dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính mỗi ngày trong công việc, gặp gỡ đối tác, bạn bè… Điều này dễ dẫn đến tình trạng ”lỡ” lạm dụng tiếng Anh đối với những người không cùng môi trường với mình, hoặc trên sóng truyền hình. Mới đây, một cô gái đã bị ”ném đá” dữ dội khi thường xuyên chêm tiếng Anh vào cuộc nói chuyện của mình khi tham gia một show hẹn hò của VJ Dustin Nguyen.
Clip cô gái ”bắn” tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt trong show hẹn hò.
Đây là một show hẹn hò cho tất cả giới tính, và cô nàng có tên Giang Coco đã được ”ghép đôi” với một cô gái tên Hân Phạm. Cả hai người - người thì ở Sài Gòn, người thì Hà Nội. Đoạn clip được trích có nội dung cặp đôi đang bàn luận về vấn đề yêu xa. Trong khi Hân Phạm nói tiếng Việt rõ ràng, điềm đạm… thì có thể thấy, cô nàng Giang Coco lại sở hữu tính cách khá mạnh mẽ, nói nhiều và… nói tiếng Anh - tiếng Việt ”loạn xạ”.
Cụ thể, thay vì dùng những từ thuần Việt như ”nghiêm túc”, ”yêu xa” thì Giang Coco lại ”seriuous”, ”long distance relationship” và thường xuyên lặp đi lặp lại. Nếu những ai không rành tiếng Anh thì đôi lúc sẽ không hiểu Giang nói gì vì cô nói cũng khá nhanh.
Dù phát âm tiếng Anh của Giang Coco rất điêu luyện, nhưng điều này vẫn khiến những ai xem clip này phải ”nhíu mày” và khó chịu. Họ cho rằng: ”Nghe mệt tai. Cứ bị ngắt ngắt kiểu gì”. ”Chương trình cho người Việt xem thì nên nói tiếng Việt. Mà nếu không nói được tiếng Việt thì mới nói hẳn tiếng Anh. Ở đâu ra kiểu vừa Anh vừa Việt, thấy ngứa mắt”
Một số bạn trẻ khác thì lên tiếng bênh Giang Coco với lý do: Nếu đã sống quen trong môi trường nói tiếng Anh, thì rất dễ phạm lỗi này.
Thiên Hoàng Long: ”Các bạn làm trong 1 môi trườg chuyên nghiệp, thường xuyên tương tác với người nước ngoài, đa quốc gia. Bạn sẽ không tránh khỏi tình trạng này. Đôi khi công việc đòi hỏi bạn giữ lối giao tiếp đó, và nó thành 1 điều gì đó mang tính chuyên nghiệp. Có thể bị xem là 1 bệnh nghề nghiệp khi bạn mang ra cuộc sống bên ngoài”.
Bánh Mì Nho: ”Tình trạng này thường gặp ở những người thông thạo 2 thứ tiếng trở lên cùng một lúc. Tất nhiên là có những người tỏ ra vẻ thể hiện bản thân sáo rỗng. Và có những người vì không tìm được từ phù hợp trong cùng một ngôn ngữ để diễn đạt ngay lúc đó nên họ mượn từ ở thứ tiếng thứ 2 mà họ theo đuổi. Khoảng cách giữa rối loạn ngôn ngữ thật và thể hiện tỏ vẻ nó rất gần. Nên thôi tốt nhất không việc gì phải gắt, người ta ra sao mình cũng đâu có biết”.