Người phụ nữ ấy là chị Lê Thị Lệ Trinh (43 tuổi, quê ở Đồng Tháp). Năm 1999, chị lập gia đình với một người đàn ông gốc Hoa ở phường 4, quận 6, TP.HCM. Hai vợ chồng hạnh phúc đón con gái đầu lòng nhưng may mắn đã không mỉm cười với họ…
17 năm chưa một lần gọi tiếng ba, má
Chị Lê Thị Trinh nở nụ cười nói: “17 năm nay, vợ chồng tôi tập trung mọi công sức vào việc chạy chữa cho cháu Tiên Đào. Cũng may, sức khỏe của cháu đã có những tiến bộ rõ rệt. Cháu không còn co giật, không còn những trạng thái bất ổn như những năm trước”.
Giang Tiên Đào, con gái của chị, năm nay tròn 17 tuổi. Chị kể: “Lúc mới sinh, cháu bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm cháu được hơn 1 tuổi, trong lần cho cháu ăn bất ngờ cháu co giật mạnh. Người cháu cứng và đôi mắt trợn ngược. Tôi sợ quá đưa cháu ra trạm xá phường. Tại đây, sau khi khám xong cháu được chuyển đến trung tâm Tâm Thần ở Bình Thạnh để tiếp tục khám và chữa trị. Từ đó đến nay, hàng tháng cháu đều phải đi khám và lấy thuốc.
Bác sĩ xác nhận cháu bị động kinh. Tiên Đào cứ thế lớn lên trong bệnh tật và yếu đuối. Cháu hoàn toàn không nghe và không nói được. Trong sinh hoạt cá nhân như rửa mặt, súc miệng hay vệ sinh cá nhân đều phải có sự trợ giúp của mẹ”.
Chị cho biết thêm: “Chưa khi nào chúng tôi bỏ cháu một mình. Cháu không có khả năng nhận biết cũng như làm được bất cứ việc gì. 17 năm nay, chưa một lần cháu gọi được tiếng ba, má… “.
Hàng ngày, ba Tiên Đào phải đi làm tại các cơ xưởng gần nhà. Công việc của anh bấp bênh, thu nhập cũng chỉ để gia đình sống qua ngày. Những ngày nghỉ, anh giữ Tiên Đào để người vợ đi làm công cho những ai cần thuê. Mỗi giờ làm chị được 50.000 đồng nhưng khá ít việc.
Chị Trinh kể: “Vì thế có những lúc cháu bệnh, trong nhà không còn tiền, tôi phải giấu hết mọi người trong nhà, tìm đến cơ sở truyền máu để… bán máu. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi qua được cơn ngặt nghèo. Sau này, ông xã và gia đình chồng biết được không cho tôi làm như thế nữa.
Chúng tôi tâm nguyện rằng, dù thế nào cháu cũng là con mình nên hết lòng yêu thương và hi sinh vì cháu. Có lẽ nhờ vậy mà trải qua những lần thập tử nhất sinh, hiện nay sức khỏe cháu cũng đã ổn định”.
Con trước mẹ sau
Có tiếng ú ớ bên trong vọng ra, chị vừa đi vừa nói: “Cháu thức rồi. Anh ngồi chơi em đưa cháu ra chào bác”. Phải mất gần 20 phút chị mới trở lại. Chị dìu Tiên Đào bước ra. Cháu không thể tự đi mà phải có người dắt.
Tiên Đào cao lớn, gương mặt ngơ ngác. Cháu nhìn mọi người một cách lạ lẫm và bám chặt vào người mẹ.
Chị Trinh cho biết, đã đến giờ phải đi bán vé số. Cuộc sống của chị gặp khó khăn từ khi sinh cháu. Lúc đầu đi làm thuê cho nhiều cơ sở nhưng bỏ Tiên Đào ở nhà không ai trông, chị không an lòng nên xin nghỉ việc. Hàng ngày chị bế cháu theo bán từng tờ vé số mưu sinh.
Tiên Đào ngày càng lớn không thể bế nổi nên chị dành dụm cố gắng mua được chiếc xe đạp. Hai mẹ con đèo nhau trên xe rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẹp.
Bình thường họ bán quanh khu vực quận 6 gần nhà. Đến lịch khám định kỳ, hành trình của hai mẹ con dài hơn. Sáng dậy thật sớm, cả hai mẹ con trên chiếc xe đạp vượt hơn 20km đi về để đến được Bình Thạnh khám bệnh cho con và kết hợp đi bán vé số.
“Thấy hoàn cảnh mẹ con khổ cực, nhiều người khuyên đưa cháu vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật rồi sinh thêm đứa nữa nhưng tôi nhất định không đồng ý”, chị tâm sự thêm.
Chị nói: “Cháu nó có tội tình gì? Nó cũng rất cần tình thương của ba má, của mọi người. Chúng tôi chưa và có thể không bao giờ có ý định sinh thêm cháu bởi nếu Tiên Đào có em ai sẽ lo cho cháu?”.
Chị bế Tiên Đào lên yên xe phía trước, quay mặt ra sau. Chị ngồi lên ba-ga sau chống tay về phía trước để lái và cũng để ôm lấy Tiên Đào. Hai mẹ con bắt đầu một ngày mới. Hình ảnh cô con gái bệnh tật ôm chặt lấy mẹ khiến chúng tôi không khỏi nao lòng…