Làm việc ở thẩm mỹ viện, kinh doanh mỹ phẩm, thời trang trên mạng… Trần Hồng Hạnh (21 tuổi, Hà Nội) luôn cố gắng khiến cho cuộc sống của mình thật bận rộn. Bởi cô sợ nếu nhàn rỗi, cô sẽ lại ngồi một mình trong phòng, suy nghĩ linh tinh và lại khóc vì nhớ cậu con trai đang sống với nhà nội. Mới vừa bước qua tuổi đôi mươi nhưng cô đã là mẹ của một bé trai gần 3 tuổi và cuộc sống riêng trải qua vô vàn sóng gió, nhất là sau khi cuộc hôn nhân “đứt gánh giữa đường”. Chính bởi lẽ đó mà bất kỳ ai khi tiếp xúc với Hạnh đều dễ dàng nhận ra trên khuôn mặt xinh đẹp, thanh tú phảng phất nét u buồn và đôi mắt chứa đựng cả một hồ nước đầy chỉ chực trào ra. Còn cách nói chuyện của Hạnh thì già dặn và từng trải hơn so với nhiều bạn bè cùng trang lứa, đôi lúc lại có vẻ “bất cần”, giống đàn ông. Vài năm gần đây, Hạnh đến với hầu đồng bởi bản thân cô ngay từ nhỏ luôn ý thức mình thuộc về thế giới tâm linh này mà ở đó cô tìm thấy sự thanh thản, nhẹ lòng.
Nói về cuộc sống riêng tư, Hạnh không ngại ngần thừa nhận những điều không hay xảy ra trong cuộc đời mình là một phần của tuổi trẻ nông nổi và không thể tránh được thiếu sót. Đã không ít lần dừng lại và nhìn về những điểm chững, trong lòng cô đau đáu nhiều điều nhưng Hạnh không cảm thấy hối hận về bất cứ quyết định nào, từ chuyện kết hôn sớm, sinh con rồi ly hôn và bây giờ là một mình bươn chải lo toan kinh tế. Tất cả những điều không may đó, với Hạnh, đều là thử thách để bản thân cô trưởng thành thêm.
Cuộc sống thường không chiều lòng người nên ngay cả khi người mẹ trẻ đã xác định buông tay với quá khứ và hướng tới tương lai thì vẫn chẳng thể tránh được những lúc mủi lòng. Từ trong sâu thẳm, Hạnh vẫn nói: “Mình chưa bao giờ muốn một mình cả. Dẫu có mạnh mẽ và tự lập đến thế nào thì mình vẫn là con gái. Mình cũng chỉ mong có một người kề vai sát cánh cùng với mình trong cuộc đời. Cuộc sống của mình và con đã khó khăn hơn rất nhiều sau khi mình ly hôn. Bất cứ lúc nào cũng vậy, nghĩ đến con là nước mắt mình lại trào ra. Mình rất sợ khi phải hình dung ra cảnh con trai đi học bị các bạn chê cười, mình lo con thiếu thốn tình cảm… rồi khi con trưởng thành mà giống như mình, sảy chân lỡ bước thì…”.
Hạnh không đổ lỗi cho số phận đã đẩy cô vào con đường lắm chông gai mà chỉ cười buồn và nói rằng: “Phụ nữ cá tính, mạnh mẽ thường không có cuộc sống êm ả. Nói đi cũng phải nói lại, sống trong một mái nhà mà cha mẹ không hạnh phúc thì liệu con mình có hạnh phúc được không? Nên mình đã quyết định ra đi. Cũng là để giải thoát cho người đàn ông bên cạnh mình. Còn điều tiếng thì mình không sợ. Nếu sợ bị nói này nọ thì mình đã không lập gia đình sớm và sinh con. Mình nghĩ là mình sống vì bản thân mình, vì con trai chứ không sống vì suy nghĩ của cả xã hội. Mọi người nhìn vào cứ nói là tuổi trẻ bồng bột nhưng nhiều người ở với nhau đến mấy chục năm rồi cũng vẫn phải xa nhau đấy thôi, đó là duyên nợ, trả hết nợ rồi thì phải đi thôi. Người ta cứ nói con cái là sợi dây vô hình, xong nó hoàn toàn hiện hữu, đấy là lý do mình vẫn luôn tự đặt ra rất nhiều câu hỏi mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được một câu trả lời thích đáng. Nếu em biết được 'tại sao' thì mọi chuyện đã không xảy ra như vậy”.
Thời điểm quyết định ly hôn cũng chính là lúc gia đình đẻ của Hạnh khó khăn nhất, vấn đề kinh tế đè nặng lên tất cả mọi thanh viên. Hạnh cùng bố mẹ phải ở tạm trong một căn nhà cũ để trang trải xong nợ nần. Cuộc sống lúc đó quá khó khăn nên Hạnh đành phải xa con. “Mình nghĩ rằng ít nhất trong thời gian này thì ở bên bố là tốt nhất cho con. Bố sẽ lo cho con được đầy đủ hơn mình. Thứ 7, chủ nhật hàng tuần, mình lại đón con về bên này. Khi nào kinh tế của mình ổn định hơn, xây sửa xong nhà cửa thì nhất định mình sẽ đón con về. Còn bây giờ, khi nhớ con, mình chỉ biết gọi điện nói chuyện với con hoặc lấy ảnh con ra mà ngắm”. Nói đến đây, Hạnh lại không cầm được nước mắt. Khuôn mặt cô chỉ giãn ra và tươi tỉnh hơn khi kể về con.
“Nhóc nhà mình đáng yêu lắm, ở nhà mọi người gọi con là Gấu. Nhưng con cũng lì và bướng lắm, chắc thừa hưởng tính cách này từ mẹ (cười). Những lúc đón con về ở cùng vào ngày cuối tuần là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với mình. Con cứ líu lo kể cho mình nghe hết chuyện này đến chuyện khác, còn mình thì chỉ nhìn con mà tủm tỉm cười. Hai mẹ con như thế cả ngày, chẳng làm gì cũng được. Có nhiều khi phải đi làm cả ngày vất vả, chịu nhiều ấm ức đến mức chỉ muốn về nhà nằm khóc cho thỏa nhưng nhìn thấy con thì mọi thứ tiêu tan hết”.
Khi được hỏi về lý do trở thành một cô đồng khi tuổi đời còn trẻ, Hồng Hạnh cho biết, đó không phải là một nghề như nhiều người vẫn nghĩ. Cô không làm việc này vì yêu thích hay vì nó giúp cô kiếm thêm thu nhập mà hoàn toàn là một cơ duyên. “Căn đồng số lính khổ lắm chứ có sung sướng gì cho cam. Người bình thường khổ một thì đồng bóng chúng mình khổ 10, vất vả 20. Trên lo việc Thánh, dưới gánh việc gia chung. Ấy thế mà vẫn phải lo cho 3 vuông 7 tròn, không dám đơn sai. Nói chung là gian truân lắm nhưng đó là căn quả của mình rồi”.
Giờ đây, sau bao sóng gió hôn nhân và những lần vấp ngã, cô gái trẻ chia sẻ rằng, ngoài con trai thì cha mẹ là những người khiến cô suy nghĩ đến nhiều nhất. Cô bảo: “Thú thực đã có lúc mình từng sống rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình cần gì, muốn gì và làm bằng được điều đó. Mình rất thương mẹ, và cả ba nữa. Ông bà đã lam lũ cả một đời rồi, sinh con đẻ cái, thế rồi cuối cùng cũng trả hết nợ cho nhau. Đến giờ mình cũng thế. Mình mong đến một ngày nào đó, mọi nỗ lực và sự mạnh mẽ của mình sẽ được đền đáp xứng đáng, và đó sẽ là lúc mình nói cho mọi người biết rằng họ đã nghĩ sai như thế nào. Mình muốn bố mẹ ít nhất sẽ một lần được tự hào về mình”.