Chưa bao giờ trầm cảm lại trở nên phổ biến đến vậy, nhất là trong giới trẻ. Người ta giật mình khi đọc những vụ tự tử vì trầm cảm trên báo chí, người ta câm lặng khi phát hiện người mà mình từng gặp vui vẻ một ngày trước đó, hóa ra là đang ở giai đoạn cuối của bệnh trầm cảm rồi…
Trầm cảm thật sự không có một gương mặt, cảm xúc cụ thể nào. Nó chỉ được phát hiện, nếu như những người bị trầm cảm có ai đó để lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia. Họ có 2 lựa chọn: 1 là sống với nó, đến khi căn bệnh ấy giết chết họ. 2 là nói ra, để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Thấu hiểu được cuộc sống của những người trầm cảm, một clip của cô nàng Vlogger nổi tiếng người Ba Lan Katarzyna Napiorkowska với tựa đề “LIVING WITH DEPRESSION” (Sống chung với trầm cảm) - kể về hành trình cảm xúc và cuộc sống của một người mắc bệnh trầm cảm - đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem suốt hơn 2 năm qua. Clip được dịch bởi Youtuber Im PakaN.
”Sống chung với trầm cảm” (Nguồn: Im PakaN)
Cô gái trong clip mắc bệnh trầm cảm. Không khí xung quanh cô ngập một màu u ám. Cô không vui, cũng chẳng buồn. Và đó chính là một trong những vấn đề lớn nhất của trầm cảm - không gương mặt, không cảm xúc.
Nhưng mà không! Bạn mắc kẹt trong tâm trí của chính bạn, làm quen với việc đắp lên một chiếc mặt nạ bình thường và tiếp tục sống giữa mọi người như không có chuyện gì…
Bởi vì đó là những điều mà bạn phải làm…
Tất cả những điều khiến bạn hạnh phúc trước đây đều không còn. Tất cả những điều nhỏ bé đã từng mang đến cho bạn niềm vui sướng bỗng chốc đều trở nên không có giá trị. Ngay cả những việc đơn giản nhất cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó khăn và đau đớn. Bạn bị mất hết động lực để làm bất cứ việc gì… bây giờ… tại sao bạn lại cứ phải cố gắng nếu chẳng còn điều gì có thể khiến bạn trở nên vui vẻ?”.
Đến cuối cùng, cô gái nhận ra, mình chỉ có hai lựa chọn: hoặc là quyết định đi tìm kiếm sự giúp đỡ, hoặc cố gắng để tự tử. Clip không thể hiện rõ đoạn kết, rằng cô ấy sẽ chọn cách nào, mà chỉ nhắn nhủ một thông điệp: ”Trầm cảm là như thế đó. Tôi không đủ khả năng để cho bạn bất kỳ lời khuyên nào về cách vượt qua nó. Nếu bạn nghĩ bạn có thể bị trầm cảm, hãy đến gặp các chuyên gia. Hãy tin tưởng tôi - đó là cách duy nhất để giải quyết nó.
Hãy nhớ rằng - trầm cảm là một bệnh có thể được chữa khỏi”.
Đoạn clip đã được cư dân mạng Việt chia sẻ và dành nhiều cảm xúc. Cũng nhân dịp này, một số bạn trẻ đã và đang bị trầm cảm cũng đã để lại nhiều bình luận đáng suy ngẫm.
Bạn Nguyễn Thạch T. viết: “Mọi người có thể biết tình trạng của mình, nhưng vẫn tàn nhẫn chà đạp lên vết thương rồi làm nó nứt toác ra. Mọi người chỉ biết chê mình gầy đi, nhưng không tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình gầy. Mọi người đổ lỗi vì mình nghiện điện tử máy móc nhưng lại không hiểu mình tha thiết cần sự ần cần sẻ chia từng chút một. Sự kiên nhẫn, chứ không phải những thứ bề ngoài. Mọi người dễ dàng nổi nóng vì mình lỡ lời nói một câu khiến họ tự trọng nhưng lại không hiểu mình vì không muốn để họ cảm thấy tổn thương nên kìm nén lòng tự trọng lại. Mọi người nói thương, nhưng vẫn đẩy mình bơ vơ vào những lúc mình sợ hãi nhất. Mọi người thấy mình cười nói, nhưng mọi không biết khi chỉ có một mình, mình đã phải cố gắng như thế nào mới lấy tinh thần cho ngày hôm sau được. Rồi khi bần cùng tìm đến sự giải thoát, họ lại bị chửi là ngu ngốc thiển cận …”.
”Bất cứ khi nào bạn thấy người bên cạnh bạn không vui nữa, không có sức sống, cảm giác rằng họ đang biến thành con người khác… hãy bắt đầu hỏi họ bằng câu đơn giản: Bạn có đang ổn không?. Hãy giúp họ. Đừng để họ một mình. Hãy kiên nhẫn, bởi họ không dễ dàng thừa nhận sự khó khăn trong cảm xúc bản thân…” - nickname ST.